Dân đổi đời ở vùng đất mới
Những ngày cuối tháng 2, hoa gạo nở đỏ rực dọc con đường biên giới men sông Hồng chạy ngược về phía thượng nguồn dẫn tới thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Trong nắng xuân ấm áp, những vạt chuối, đồi xoài, nương cam bà con trồng lên xanh mướt mát, quây quanh hơn 60 nóc nhà quần tụ thành bản người Mông trù phú. Đứng ngắm căn nhà xây sắp hoàn thành, anh Lý Seo Vư phấn khởi khoe: “Nhà này xây được là nhờ tiền bán chuối đấy. Các hộ xung quanh nhà nào cũng được mùa. Cuộc sống bây giờ so với ngày xưa ở Dìn Chin (Mường Khương) - nơi trước khi di cư sang - khấm khá hơn nhiều”.
Anh Vư nhớ lại một thời ở vùng Dìn Chin khô hạn, đến nước uống cũng thiếu nói chi để canh tác, đất đai thì khô cằn, đường sá đi lại khó khăn. “Khi Nhà nước có chính sách di dân ra biên giới, cả bản chúng tôi sang đây. Cứ tay trắng dắt díu nhau đi rồi mới dựng nhà, làm nương. Được cái bên này đất đai, khí hậu tốt lắm, cứ chăm chỉ làm thì không lo thiếu ăn”, anh Vư tâm sự.
Sau chiến sự năm 1979, khu vực Lũng Pô là một vùng hoang vu, ngoài bộ đội biên phòng hầu như không ai lui tới. Từ năm 2000 trở đi, qua các đợt di dân từ vùng khó về định cư, canh tác mới dần hình thành nên dải đất vùng biên khang trang như ngày nay. Tất nhiên, trong quá trình phát triển ấy, luôn có những cán bộ, chiến sĩ biên phòng ngày đêm sát cánh cùng nhân dân trong thôn.
Đại úy Phạm Ngọc Tuệ, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Mú Sung cho biết: “Gắn với đặc thù địa bàn biên giới và vai trò của đơn vị tại địa phương, chúng tôi vừa phải làm tròn trách nhiệm giữ vững đường biên mốc giới, an ninh trật tự, vừa phải cùng bà con phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi hỗ trợ kỹ thuật, con giống, hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, thay đổi tập quán lạc hậu... cho bà con. Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn phân công Đội vận động quần chúng thực hiện “3 bám 4 cùng”, thường xuyên gắn bó, giúp đỡ bà con nhân dân trên vùng biên giới trong mọi mặt. Bên cạnh đó, Đồn cũng gắn trách nhiệm cho 26 cán bộ, Đảng viên giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn để tìm hướng thoát nghèo bền vững”.
“Điểm sáng” của xã
Theo ông Ma Seo Củi, Chủ tịch UBND xã A Mú Sung, dù mới hình thành được hơn 10 năm nay, nhưng Lũng Pô giờ đây đã trở thành thôn “điểm sáng” của xã, với thu nhập bình quân đầu người mỗi năm trên 60 triệu đồng, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, Lũng Pô cũng được đánh giá là địa bàn “ổn định, vững chắc” với các mô hình nổi bật như “Thôn bản bình yên - gia đình hạnh phúc”, “Khu dân cư đoàn kết tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”…
"Bà con đã hiểu và nắm được Luật Biên giới, ý thức rất cao về vấn đề bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; thường xuyên phối hợp với bộ đội biên phòng tuần tra, nắm bắt tình hình biên giới. Khi có vấn đề cấp thiết xảy ra trên địa bàn, bà con báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng để cùng nắm bắt, xử lý, làm sao đảm bảo an ninh biên giới một cách tốt nhất, từ đó cũng tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế", ông Ma Seo Củi nói thêm.
Một dấu mốc đáng chú ý, cuối năm 2017, thôn Lũng Pô cùng với thôn Thủy Tào, xã Dao Sơn, huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã tiến hành lễ kết nghĩa thôn bản để cùng góp phần xây dựng biên giới Việt - Trung hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.
Đến A Mú Sung hôm nay, nơi cột mốc linh thiêng cùng lá cờ Tổ quốc đỏ thắm bay phấp phới bên ngã ba sông Hồng chảy vào đất Việt là dải đất Lũng Pô trù phú, yên bình. Nơi ấy luôn chất chứa biết bao niềm tự hào dân tộc, gắn với công lao khai khẩn của những bàn tay cần cù, và không ít máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho Tổ quốc, quê hương./.