Khơi dậy truyền thống hiếu học
Nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, ngày 24/2/2014, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam. Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên được in bằng tiếng Việt và in bởi những người thợ in Việt Nam.
Để đưa văn hoá đọc phát triển lên một tầm cao mới, ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1862 về việc tổ chức Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam vào ngày 21/4, tiếp tục khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan tổ chức xây dựng một xã hội học tập.
Hưởng ứng tinh thần đó, từ năm 2016 đến nay, Sở Thông tin và Truyền đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức 04 lần Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào các dịp nghỉ lễ 30/4, 01/5, tại Quảng trường 3-2 tỉnh Nam Định. Ngày sách Việt Nam tỉnh Nam Định đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc xây dựng và phát triển phong trào đọc sách và văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, đặc biệt là các em học sinh, qua đó nâng cao hiểu biết cho các em, truyền cảm hứng để các em phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
Nhằm khơi dậy truyền thống hiếu học, tiếp lửa cho các bạn học sinh của tỉnh trong hành trình học tập, trau dồi tri thức, Ban tổ chức Ngày sách đã phát động chương trình “Xây dựng 12.662 tủ sách lớp học tỉnh Nam Định” với mục tiêu phủ sách toàn bộ 10 huyện và thành phố trên địa bàn tỉnh để các em học sinh từ mầm non, mẫu giáo tới các trường Tiểu học, THCS, THPT và GDTX đều được tiếp cận với sách.
Đến nay chương trình đã xây dựng 10.967 tủ sách lớp học trên địa bàn toàn tỉnh ở các cấp học phổ thông, thường xuyên với 210.440 đầu sách, 766.035 bản sách với tổng giá trị hơn 16 tỷ 450 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các tủ sách ở các lớp mầm non được một số tập thể và cá nhân ủng hộ xây dựng.
Thư viện tỉnh cũng đã tổ chức trưng bày giới thiệu hàng ngàn bản sách quý và xếp một số mô hình sách về quần đảo Trường Sa, giới thiệu mô hình xe thư viện lưu động, nhận được sự yêu thích của các độc giả, đặc biệt là các em nhỏ.
Cùng với đó, Ban tổ chức Ngày sách tỉnh Nam Định còn tổ chức nhiều hoạt động bên lề ý nghĩa như: Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong việc bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tổ chức Triển lãm “Đất học Nam Định - Xưa và Nay” truyền cảm hứng để các em phấn đấu thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Ban tổ chức còn tổ chức các chương trình giao lưu, nói chuyện của các diễn giả nổi tiếng về chủ đề sách và cuộc sống, về vai trò quan trọng của việc đọc sách trong đời sống, qua đó truyền cảm hứng, niềm đam mê đọc sách và hướng dẫn kỹ năng lựa chọn, đọc sách… Tại các chương trình giao lưu, các bạn học sinh đã có sự trao đổi tích cực, hào hứng với nhiều câu hỏi hay thể hiện sự yêu thích tìm hiểu đọc sách gửi tới diễn giả, để lại ấn tượng tốt trong lòng diễn giả, thầy cô giáo và những người tham dự chương trình, đồng thời tạo sân chơi bổ ích cho các bạn trong việc học tập, trau dồi tri thức…
Chuyển đổi số - cơ hội phát triển văn hoá đọc thời hiện đại
Với những kết quả đạt được như trên, tại Hội nghị tổng kết toàn quốc 5 năm tổ chức Ngày sách Việt Nam, tỉnh Nam Định được biểu dương là 1 trong những địa phương điển hình trong tổ chức Ngày sách và có báo cáo tham luận tại Hội nghị chia sẻ những kinh nghiệm, hiệu quả trong công tác tổ chức Ngày sách tại tỉnh. Mặc dù đạt được kết quả đáng khích lệ nhưng ông Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định vẫn luôn trăn trở làm sao để đọc sách không phải là theo phong trào mà phải theo chiều sâu mới đạt được hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, tích lũy tri thức, phát triển nguồn nhân lực…
Ông Quế phân tích, theo một khảo sát quốc tế năm 2016, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% số người không đọc sách và 44% số người thỉnh thoảng đọc sách. Thời gian dành cho việc đọc sách của người Việt Nam trung bình mới đạt khoảng 1 giờ/người/tuần. Đây đều là những con số thấp nếu so sánh với các nước trong khu vực. Trong khi đó, Việt Nam hiện là quốc gia có dân số trẻ, có tỷ lệ người sử dụng internet ở mức cao trên thế giới với 70% người dân sử dụng internet và là nước có số dân sử dụng điện thoại thông minh đứng thứ hai Đông Nam Á với hơn 61,37 triệu người và thuộc tốp 10 quốc gia có nhiều người dùng điện thoại thông minh (số liệu tính đến hết tháng 5/2021). Điều đó có nghĩa là nếu biết tận dụng và khai thác các ưu thế của công nghệ thì đây chính là chìa khóa quan trọng góp phần duy trì và thúc đẩy văn hóa đọc phát triển phù hợp với thời đại công nghệ số.
Chính vì lý do đó, Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam tỉnh Nam Định năm 2023 sẽ được tổ chức với tinh thần Chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngày sách là để phổ biến văn hoá đọc nhưng muốn lan toả cần gắn với chủ trương lớn của ngành là chuyển đổi số. Tuyên truyền tốt sẽ tạo nên phong trào tốt. Bên cạnh hình thức tổ chức trực tiếp tại Quảng trường 3-2 thì Lễ khai mạc sẽ được tổ chức livestream phát trực tiếp trên nền tảng Cốc Cốc và mạng xã hội qua trang facebook của Sở và trên Youtube góp phần tuyên truyền sâu rộng văn hóa đọc đến mọi người dân.
Để lan toả các hoạt động này, theo kế hoạch từ giữa tuần tháng 4, Sở sẽ đăng tải thông báo lịch trình tổ chức, hướng dẫn người dân theo dõi thông qua facebook, zalo, cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến và hệ thống đài phát thanh từ cấp tỉnh tới cấp xã… Cơ sở để Ngày sách ứng dụng hình thức này đó là trong năm 2022 Nam Định đã tổ chức thành công 9 hội nghị chuyển đổi số qua livetream. Nhờ đó, ngoài những người tham dự trực tiếp hội nghị thì những người quan tâm đến chuyển đổi số trong và ngoài tỉnh đều có thể tiếp cận được kiến thức về chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức còn dự kiến xây dựng 02 gian giới thiệu, trưng bày công công nghệ thực tế ảo; Kho học liệu 3D gồm tư liệu về học tập, sách báo, lịch sử,…; Trải nghiệm và tương tác qua các thiết bị hiện đại như: máy đọc sách điện tử (Kindle), thiết bị số hóa văn bản tài liệu, truyền tải nội dung dưới dạng văn bản sang dạng âm thanh.
Ngày Sách và Văn hóa đọc tỉnh Nam Định năm 2023 sẽ được tổ chức trong thời gian 05 ngày, từ ngày 28/4/2023 đến hết ngày 02/5/2023 tại Quảng trường Nhà văn hóa 3-2 với các hoạt động như sau:
1. Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc tỉnh Nam Định năm 2023 (19h 30 ngày 28/4/2023)
2. Trưng bày giới thiệu sách và dịch vụ (từ 28/4 đến hết ngày 2/5/2023)
3. Triển lãm kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nam Định (21/5/1963 – 21/5/2023) (từ 28/4 đến ngày 2/5/2023)
4. Trưng bày, giới thiệu sách, thư viện điện tử kết hợp Triển lãm số và Trưng bày một số ảnh tiêu biểu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” (từ 28/4 đến hết ngày 2/5/2023)
5. Biểu diễn nghệ thuật múa rối nước truyền thống (20h các ngày: 29/4, 30/4, 1/5/2023)
6. Giao lưu văn nghệ một số trường THPT trên địa bàn tỉnh (20h ngày 28/4/2023)
7. Giao lưu nói chuyện về sách, trò chơi dân gian và sân khấu hoá một số tác phẩm theo sách (20h ngày 29/4/2023)
|