Quất bonsai, tạo tác từ tự nhiên

Bonsai là sự kết hợp giữa thiên nhiên cùng bàn tay khéo léo của con người để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sống động...

 

Bonsai là sự kết hợp giữa thiên nhiên cùng bàn tay khéo léo của con người để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sống động, có hồn và mang một ý nghĩa nhất định, góp phần làm đẹp cho đời. Tạo tác từ trong nét tự nhiên chính là định hướng thẩm mĩ của nghệ nhân trồng quất bonsai, vườn cảnh nghệ thuật Xuân Lộc, làng nghề truyền thống quất cảnh Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội.

Nghề chơi lắm công phu

“Nhất chữ - nhì tranh - tam sành - tứ kiểng”, chơi cây cảnh là 1 trong 4 thú vui tao nhã từ xưa. Trong đó, chơi cây cảnh là dễ dàng phổ biến hơn cả, bởi từ anh nông dân, người trí thức hay làm nghề kinh doanh cũng có thể chơi, miễn là có mắt thẩm mỹ, tình yêu thiên nhiên và đam mê cây cảnh. Tuy nhiên, để thú chơi cây cảnh đạt đến “cảnh giới” nghệ thuật không phải dễ.

Nghệ thuật bonsai truyền thống tạo tác giống những cây cổ thụ lâu năm, thu nhỏ lại trồng ở trong chậu, tạo ra dáng bonsai với những hình thù kỳ dị, độc đáo, mang tính trừu tượng, ẩn chứa triết lý nhân sinh quan tốt đẹp cũng như dụng ý của người trồng muốn truyền tải vào tác phẩm.

Tạo dáng quất bonsai đòi hỏi sự sáng tạo, tỉ mỉ, nhiều công phu.

Là một trong những người đầu tiên trồng quất bonsai của làng nghề truyền thống quất cảnh Tứ Liên, sau gần 10 năm, vườn quất bonsai Xuân Lộc của anh Xuân Lộc hiện có hàng nghìn gốc to nhỏ đủ loại. Được biết, trước khi theo nghề trồng quất bonsai, anh Lộc là một nghệ nhân cắm hoa, trồng và chơi cây cảnh từ rất sớm. Thời gian ấy, các loại cây cảnh chủ yếu là sanh, si, tùng la hán, ruối, muội… nhưng cũng chỉ để chơi, mua bán giao lưu là chính.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh vườn, anh Lộc chia sẻ: Từ năm 2012, mình bắt đầu ý định làm kinh tế từ nghề quất bonsai. Chăm sóc một chậu quất bonsai rất khó. Trồng quất trong chậu, trong bình cần chăm chút tỉ mỉ hơn rất nhiều so với trồng dưới đất. Vì trồng trong bình, chậu cảnh tạo thế bonsai nên kỹ thuật cũng khác rất nhiều so với trồng dưới đất. Để cây ra hoa, quả đúng thời điểm không giống với kỹ thuật đảo quất của làng nghề truyền thống. Các giai đoạn tạo dáng, đón quả cần chuẩn xác, nếu không cây sẽ bị phá thế. Có những cây đường kính gốc chỉ 3cm thôi cũng phải nuôi tới 3 - 4 năm trời. Những cây dáng cổ thụ phải trồng, uốn nắn, tạo tác vài chục năm.

Chỉ vào một chậu quất được tạo dáng kết hợp cùng gỗ lũa với bộ rễ có tạo hình kỳ dị, cổ kính nổi lên mặt chậu, anh Lộc thuyết minh: Trồng một chậu quất với bộ rễ mộc căn như thế này đã mất rất nhiều thời gian, thêm việc tạo thế của từng cây, từng chậu. Ngoài những dáng cây truyền thống như: long giáng, phụng chầu, thác đổ, rồi trực, huyền, huynh đệ, tứ quý, kim long… được trồng, tạo từ khi cây còn nhỏ; việc khai thác dáng tự nhiên của từng cây rồi nắn chỉnh, tạo dáng mới kết hợp với gỗ lũa, gốm sứ, đá… có chủ đề, thông điệp khác nhau, giúp cho người thưởng lãm có cảm giác mới mẻ, không thấy nhàm chán.

Trồng quất trong chậu, trong bình cần chăm chút tỉ mỉ hơn rất nhiều so với trồng dưới đất

Cũng theo anh Lộc, cây quất cảnh vốn khó tạo hình hơn cây sanh, cây si. Để có được một chậu quất bonsai độc đáo thì phải bắt đầu chăm bón từ mùng 6 Tết Âm lịch trở đi. Việc làm giàn cây, uốn dáng cho kịp thời vụ mất nhiều thời gian, có thể đến hết tháng 2 Âm lịch. Nếu như tạo hình từ đầu đến khi cây phát triển mà dáng xấu thì lại không được giá. Đến tháng 5 hoặc tháng 6 phải bắt hoa để cây cho ra quả. Nhiều chậu cảnh phải mất từ 1 - 2 năm mới cho ra dáng đẹp. Công sức bỏ ra không ít, nhiều khi phải ăn ngủ tại vườn để chăm cây, nhưng vẫn thấp thỏm vì lo quất trượt vụ.

Hút khách nhờ độc, lạ

Các vườn quất cảnh Tứ Liên năm nay mặc dù không có nhiều mẫu tạo hình linh vật, nhưng lại có rất nhiều chậu quất bonsai kiểu dáng khác độc, lạ, kích thước đa dạng, hiện đại và phù hợp với những không gian kiến trúc kiểu mới và người chơi có thể dựa vào thế cây để tự đặt tên cho cây mình lựa chọn… 

Vốn là người ưa dòng quất bonsai khá táo bạo, chị Thu Trang, một chủ vườn, chia sẻ: “Mình trồng quất bonsai và đến với quất mộc căn như là một cái duyên mà ông trời đem đến. Tình cờ sau một đêm mưa to gió lớn, sáng sớm ra vườn ươm quất để kiểm tra và phát hiện một vài cây quất nghiêng ngả trôi hết đất phía trên làm lộ phần rễ ở phía dưới với hình thù khá bắt mắt. Thế là nảy ra ý định làm quất mộc căn. Thời gian đầu không như mong đợi, rễ yếu, hình xấu lại không đưa được thức ăn lên nuôi cây khiến cây bị khô héo dần hoặc có sống thì quả không đều, không căng mọng. Sau thời gian dài tìm tòi, tùy thuộc vào lượng rễ mỗi cây mà có chế độ chăm sóc riêng, thiết kế tạo hình rễ khi thì uốn lượn như sóng biển mềm mại, có khi mạnh mẽ, vững chãi hoặc đan bọc thành chùm, tượng trưng cho khối đoàn kết, thống nhất… mang tính nghệ thuật và giá trị kinh tế cao”.

Hầu hết khách chơi quất bonsai đã đến vườn chọn mua, thuê cây từ đầu tháng 11 âm lịch. Sau đó cây được đánh dấu tên và gửi lại cho nhà vườn chăm sóc. Khoảng 20 - 25 tháng Chạp, khách hàng sẽ quay trở lại vườn để lấy cây.

Anh Lộc cho biết: “Tại vườn của tôi có rất nhiều cây đặc sắc, độc lạ, nhiều cây mang dáng dấp hiện đại đã bán cho khách đặt trước và cho thuê hết. Có cây cho thuê giá 80 triệu đồng nhưng hiện nay cũng đã được bán ra. Có cây tiền thuê đã có giá hàng trăm triệu đồng”.

Một chủ vườn ở Tứ Liên tâm sự: “Quất bonsai có chi phí đầu tư gấp 2 - 3 lần so với đầu tư một vườn quất thông thường. Nguồn thu về thì khá, ổn định theo từng năm, nếu bán được hết số cây trong vườn sẽ thu lãi gần chục tỷ đồng. Khách công ty, tư nhân hỏi thuê rất nhiều, có khi họ còn đặt mua để đem đi làm quà biếu. Những chậu cây quất phong thuỷ nhỏ độc đáo cũng có giá bán từ 10 - 15 triệu đồng, tuỳ vào từng mẫu mã, chủng loại”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận