Công ty cổ phần gốm Chu Đậu: Làm sống lại tinh hoa gốm Việt

Làng nghề gốm cổ Chu Đậu đã hơn nửa thiên niên kỷ tồn tại và phát triển, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hội tụ, kết tinh văn hóa của người Việt...

 

Làng nghề gốm cổ Chu Đậu đã hơn nửa thiên niên kỷ tồn tại và phát triển, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hội tụ, kết tinh văn hóa của người Việt. Gốm Chu Đậu nay trở thành sản phẩm tiêu biểu, đại diện cho tinh hoa gốm Việt. Thương hiệu gốm Chu Đậu nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Làng gốm Chu Đậu là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách tham quan, mua sắm.

Tìm lại tinh hoa gốm cổ

Chu Đậu có nghĩa là Bến đỗ thuyền. Vào thế kỷ XV, Chu Đậu là một xã thuộc huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách, trấn Hải Dương (nay là xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) nằm liền kề với tả ngạn sông Thái Bình, một nhánh của Lục Đầu Giang, có thể về Thăng Long, ra biển, thuận lợi cho giao thương, buôn bán.

Phát triển rực rỡ trong suốt thời Lý - Trần - Lê - Mạc, từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17, sau đó do chiến tranh loạn lạc nên nghề gốm cổ Chu Đậu bị thất truyền. Chuyện hồi sinh của làng gốm cổ Chu Đậu bắt nguồn từ một lá thư của Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Makoto Anabuki gửi ông Ngô Duy Đông, Bí thư tỉnh uỷ Hải Hưng năm 1980. Bức thư viết: Trong một chuyến công tác tới Thổ Nhĩ Kỳ, ông có dịp vào thăm bảo tàng Topkapi Saray ở thủ đô Istanbul và đã thích thú chiêm ngưỡng bình gốm hoa lam cổ cao 54cm của Việt Nam. Trên bình có ghi 13 chữ Hán “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút”. Nghĩa là năm Thái Hòa thứ 8 (1450), thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ.

Gốm Chu Đậu, được coi là gốm Đạo, vì hoa văn tinh xảo trên sản phẩm đều mang đậm những giá trị nhân văn của Phật giáo và Nho giáo

Lá thư của ông Makoto Anabuki trở thành động lực để tìm ra, phục hồi nghề gốm Chu Đậu. Năm 1983, công cuộc tìm kiếm vết tích dòng gốm cổ ở Chu Đậu, Nam Sách, được bắt đầu bằng các cuộc khai quật trên địa bàn. Đến năm 2003, các nhà khoa học Việt Nam trục vớt được khoảng 40 vạn hiện vật gốm Chu Đậu trong một con tàu đắm tại Cù lao Chàm, tỉnh Quảng Nam, khiến thế giới chú ý hơn đến những giá trị văn hóa đặc sắc của dòng gốm này. Đến nay, các học giả nghiên cứu về đồ gốm mỹ nghệ đều thừa nhận rằng gốm Chu Đậu là dòng gốm đẹp trên thế giới vào thế kỷ XIV- XVII. Năm 2001, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) bắt đầu nghiên cứu, phục hồi chất men, kỹ thuật sản xuất, kiểu dáng sản phẩm, từ đó hồi sinh làng nghề gốm cổ Chu Đậu.

Gốm Chu Đậu, được coi là gốm Đạo, vì hoa văn tinh xảo trên sản phẩm đều mang đậm những giá trị nhân văn của Phật giáo và Nho giáo. Đặc biệt các sản phẩm đều toát lên vẻ đẹp dung dị của người Việt Nam, biểu trưng của nền văn minh châu thổ sông Hồng. Nét đặc trưng của Gốm Chu Đậu thể hiện ở kiểu dáng, màu sắc, văn hóa và các họa tiết tinh xảo. Những hoa văn trang trí trên gốm Chu Đậu khiến người xem cảm nhận được bản sắc văn hóa của con người Việt Nam.

Sản phẩm gốm Chu Đậu từ xưa đến nay chỉ làm thủ công với đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, những người thợ, từ khâu nặn, đúc đến trang trí hoa văn. Chính những điều này khiến cho gốm Chu Đậu không thể lẫn với các loại gốm khác. Hoa văn gốm Chu Đậu gắn liền với nông nghiệp, đời sống thường nhật của ông cha ngày xưa.

Sản phẩm gốm Chu Đậu từ xưa đến nay chỉ làm thủ công

Ông Nguyễn Hữu Thức, Giám đốc Công ty cổ phần gốm Chu Đậu, chia sẻ: “Hiện đã có 46 bảo tàng của 32 nước trên thế giới và trong khu vực đang trưng bày hiện vật gốm cổ Chu Đậu. Sản phẩm của làng gốm Chu Đậu đã đến tay người tiêu dùng của hơn 20 quốc gia. Gốm Chu Đậu đã thực sự trở thành niềm tự hào của nghệ thuật gốm Việt Nam”.

Nâng tầm gốm Việt

Không gian sống thay đổi, người Việt hiện nay không sống trong những ngôi nhà cổ, không gian phong thuỷ, tâm linh vì thế mà thay đổi theo, nhu cầu trưng bày, trang trí không gian sinh hoạt, nội thất cũng không còn như xưa. Để gốm Chu Đậu không thất truyền lần nữa, cái khó của người làm gốm Chu Đậu hiện nay là làm sao vừa bảo tồn dòng gốm quý giá, lại vừa có những sản phẩm phù hợp nhu cầu sử dụng, trưng bày trong không gian sống hiện đại. Những người làm gốm Chu Đậu hiện nay không còn giấu nghề, giữ nghề như cha ông ngày trước. Ngược lại, việc truyền nghề, dậy nghề cho thế hệ trẻ được khuyến khích mở rộng, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo, kết hợp truyền thống và hiện đại để nâng tầm giá trị sản phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Thức, Giám đốc Công ty cổ phần gốm Chu Đậu (giữa) nhận danh hiệu Thương hiệu quốc gia 2022

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thức, được biết, gốm Chu Đậu là dòng gốm mỹ nghệ đã được thị trường trong nước và thế giới công nhận, đánh giá là sản phẩm gốm cao cấp. Các sản phẩm là sản phẩm sạch, không độc hại và có giá trị thẩm mỹ cao, mang đặc trưng văn hoá của người Việt. Bởi vậy, sản phẩm hiện nay của Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu lấy những tiêu chí này làm kim chỉ nam để phát triển sản phẩm, đồng thời xây dựng làng nghề kiểu mẫu cho du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, phát triển du lịch. Đây cũng là kênh quảng bá và xuất khẩu tại chỗ hiệu quả các sản phẩm gốm Chu Đậu tới các thị trường xa, thị trường nước ngoài.

Các sản phẩm gốm Chu Đậu ngày nay đều có hoa văn vẽ tay dưới men, gốm nung ở nhiệt độ cao nên rất an toàn đối với người sử dụng. Công nghệ nung đốt lò ga hiện đại, không ô nhiễm môi trường, kết hợp kỹ thuật tạo dáng, vẽ hoa văn thủ công dưới men tạo ra nhiều mẫu mã sản phẩm đa dạng, kết nối mẫu mã truyền thống với việc sáng tạo kiểu dáng mới, phù hợp với nhu cầu trung bầy, sử dụng trong không gian hiện đại. Các hoa văn họa tiết trên sản phẩm vẫn là các họa tiết cổ, đồng thời sáng tạo thêm một số họa tiết hiện đại theo nhu cầu khách hàng. Đặc biệt nhất của gốm Chu Đậu đó là men. Men gốm được làm từ vỏ trấu, vỏ của hạt thóc, sau đó đốt thành tro để làm men theo lối cổ, đây là nét tinh hoa của gốm Chu Đậu vẫn được giữ gìn.

“Xác định việc phát huy sáng tạo, nâng tầm giá trị sản phẩm và cải cách mẫu mã phù hợp nhu cầu thị trường mà không làm mai một vốn cổ là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của gốm Chu Đậu. Với 4 dòng sản phẩm chính hiện nay đang được công ty sản xuất gồm: Sản phẩm tiêu dùng, ấm chén, bát đĩa; Sản phẩm bình, lọ, gốm trang trí, quà tặng; Sản phẩm gốm tâm linh, đồ thờ cúng; Sản phẩm gốm xuất khẩu. Tất cả các dòng sản phẩm đều có những mẫu mã mới, sáng tạo thêm mầu men mới. Đặc biệt, dòng sản phẩm gốm tâm linh, trang trí, quà tặng có vẽ vàng kim trên men là sự kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và hiện đại, được làm hoàn toàn bằng tay, có giá trị kinh tế cao và đang rất được ưa chuộng hiện nay. Quý khách có thể xem thêm chi tiết sản phẩm gốm Chu Đậu tại website chudauceramic.vn”, ông Nguyễn Hữu Thức cho biết./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận