Xây dựng hệ giá trị văn hóa con người: Phải có nhiều gương sáng

Sự tha hoá về đạo đức, lối sống, cách ứng xử giữa con người với con người, sự xuống cấp của các chuẩn mực xã hội hiện nay ngày càng trở nên bức xúc...

 

Những tấm gương mờ

Trong đại án Việt Á, cả nước đã khởi tố 26 vụ, bắt giam 94 bị can để làm rõ nhiều tội danh. Những người bị bắt đều là quan chức từ các bộ, ngành, địa phương. Hàng loạt cán bộ quan chức của nhiều bộ, ngành cũng đã bị bắt, điều tra liên quan đến các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19…

Nhiều chủ doanh nghiệp lớn từng là tấm gương sáng trong lĩnh vực kinh tế như: Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty cổ phần AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát,... cũng “xộ khám” vì thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản, kinh doanh không minh bạch…

Doanh nghiệp thì như vậy, trong gia đình, vụ việc ba cô con gái đem xăng đốt nhà mẹ đẻ đang gây phẫn nộ cho dư luận xã hội. Trước đó, các vụ việc như: Chồng vác dao truy sát vợ trong đêm, thanh niên truy sát đôi nam nữ vì mâu thuẫn tình cảm, con trai chém chết 3 người thân trong gia đình vì mâu thuẫn cá nhân; bạo lực học đường,… khiến người dân phải rùng mình, dư luận xã hội bùng lên những câu hỏi lớn về sự tha hoá đạo đức, lối sống, sự xuống cấp về nhận thức xã hội và văn hoá con người trong giai đoạn hiện nay.

Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội đã tạo ra một “xã hội ảo” nhưng lại tác động thật lên đời sống xã hội. Những hiện tượng “văn hoá mạng” đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, lối sống của giới trẻ, tạo nên những trend, trào lưu bắt chước không lành mạnh trong đời sống. Thực tế đáng buồn là những cái tên “giang hồ mạng” như Khá Bảnh, Phú Lê, Huấn Hoa Hồng, Lộc Phu Hồ, Nờ Ô Nô… lại trở nên rất quen thuộc, hấp dẫn đối với thế hệ trẻ.

Đáng buồn hơn, có nhiều văn nghệ sĩ, người nổi tiếng trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, giải trí, có ảnh hưởng đối với xã hội nhưng lại có nhận thức lệch lạc, sử dụng mạng xã hội làm công cụ câu view bằng cách truyền tải những thông điệp, lối sống không lành mạnh, thực dụng, chạy theo các giá trị vật chất... mà quên đi thiên chức một người làm văn hoá, nghệ thuật là hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ.

Dẫn ra những “tấm gương mờ” ấy để thấy rằng, muốn xây dựng được hệ giá trị văn hoá con người chuẩn mực trong thời đại mới, điều quan trọng nhất chính là làm gương. Chúng ta phải xây dựng và lan toả thật nhiều “gương sáng” để lấn át “gương mờ”, soi đường cho con người, cho thế hệ tương lai.

Cần nhân rộng những tấm gương gia đình văn hóa tiêu biểu tới cộng đồng.

Gương sáng từ mỗi gia đình, cơ quan, doanh nghiệp

“Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”. Giáo dục phải từ trong gia đình. Cha mẹ, ông bà làm gương cho con cháu, mọi thành viên trong gia đình cùng phát huy giá trị nền nếp gia phong. “Tiên học lễ, hậu học văn”, việc dạy thế hệ tương lai thành người trước khi dậy thành tài sẽ trở thành cốt lõi, nền tảng để xây dựng văn hoá con người lành mạnh, lối sống chuẩn mực, chống lại những suy thoái đạo đức, lối sống thực dụng, đề cao cái tôi cá nhân.

Thực tế cho thấy, trước sự phát triển và biến đổi không ngừng của cuộc sống, nhiều gia đình quá chú tâm vào việc kiếm tiền, tạo dựng các giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần, dẫn đến tình trạng cha mẹ thiếu quan tâm đến con cái, mối quan hệ giữa các thành viên ngày càng lỏng lẻo, gia đình không hòa thuận. Sự lệch lạc về nhận thức, lối sống buông thả, thiếu lành mạnh của một bộ phận lớp trẻ đang để lại hậu quả nghiêm trọng, làm mất đi những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Xã hội học nêu ý kiến: “Chúng ta phải củng cố thiết chế gia đình, phải làm sao để khởi phát trở lại những giá trị tốt đẹp từ nghìn đời của người Việt Nam. Bên cạnh xây dựng nếp sống văn hóa, đạo đức trong mỗi gia đình, cần phổ quát mạnh mẽ hơn nữa những tri thức của luật pháp để hiểu biết luật pháp phải ăn sâu vào mỗi gia đình, từng thành viên trong gia đình để trở thành nhận thức chuyển hóa trở thành bản lĩnh hướng tới trở thành văn hóa của xã hội pháp luật”.

Trong bối cảnh văn hóa, đạo đức gia đình có biểu hiện xuống cấp, bên cạnh việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong nhân dân thì những mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, những tấm gương cha mẹ nuôi dạy con giỏi, con ngoan hay hành vi ứng xử của con cháu thể hiện lễ nghĩa, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ cần được nhân rộng, phổ biến để mỗi người dân nhìn nhận, học tập từng ngày. Cùng với việc giáo dục kiến thức trong nhà trường, lấy giáo dục con người làm gốc rễ xây dựng các hệ giá trị văn hoá con người Việt Nam trong thời đại mới.

Đó là trong gia đình. Còn trong mỗi doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, nhà trường thì sao? Người có địa vị, chức quyền, người có sức ảnh hưởng tới cộng đồng… phải là những tấm gương lan toả các giá trị văn hoá con người chuẩn mực, có tiêu chí và định hướng rõ ràng, để việc xây dựng hệ giá trị văn hoá con người không chỉ là lý luận.

Bối cảnh đương đại là xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, internet xóa nhòa ranh giới quốc gia, ranh giới văn hóa, từ đó tiếp cận, hội nhập, ảnh hưởng, thẩm thấu, hình thành nên hệ giá trị công dân toàn cầu. Từ đó tạo lập các cộng đồng ảo, giá trị ảo nhưng hậu quả đối với an ninh và văn hóa của mỗi đất nước, mỗi cộng đồng và mỗi cá nhân lại là hiện hữu.

PGS.TS. Phạm Văn Dương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - cho rằng, để xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam trước hết cần nhận thức, nhận diện đầy đủ về nó. Từ trước đến nay chúng ta thường nhấn mạnh đề cao những giá trị chung, phổ quát mà chưa nhận diện, nhận thức đúng, đầy đủ về những giá trị riêng.

Tại buổi truyền đạt chuyên đề về Định hướng quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 diễn ra chiều 6/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Chúng ta không thể nghèo, nhưng không cần quá giàu, phải có cuộc sống an toàn, và nhiều tình yêu thương giữa con người với nhau và giữa con người với thiên thiên. Các chuyên gia nói với tôi rằng: Tôi đến từ các nước phát triển nhưng nếu bây giờ được ước thì sẽ ước quay lại như Việt Nam và phát triển theo định hướng này. Họ nói một câu mà tôi thấy rất hay: Có nhất thiết phải đi một chiếc xe Lexus? Không thể đi xe đạp, không đi xe gắn máy vì khi trời mưa sẽ ướt, nhưng có thể đi xe Toyota thì còn hơn là đi xe Lexus mà sống quá nhanh và tàn phá tất cả”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận