Viên chức ngành y nghỉ việc và 'điệp khúc' quá tải bệnh viện

Sau dịch Covid-19, tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện liên tục xảy ra, thậm chí có những bệnh viện quá tải tăng đến 300%. Trong khi đó, nhân viên y tế nghỉ việc ngày càng nhiều là thách thức của ngành y tế.

 

Quá tải bệnh viện vẫn là vấn đề cấp bách

Chúng tôi tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào một ngày cuối tháng 11, tại khu vực khám chữa bệnh rất đông bệnh nhân. Bệnh nhân ngồi chật kín trong khu vực chờ lấy số khám bệnh. Khu vực ngoài sân, trên ghế đá, người nhà bệnh nhân ngồi kín mít. Còn bãi trông giữ xe cũng hết sạch chỗ. Có mặt tại bệnh viện từ 6h sáng nhưng đến gần 9h vẫn chưa đến lượt khám, ông Nguyễn Văn An (70 tuổi, Hà Nội) cho biết, ông bị nhồi máu cơ tim và đã can thiệp đặt stent, nay đến lịch khám lại theo định kỳ. “Để tránh đông người, tôi thường đi từ 6h sáng để xếp hàng lấy số. Tuy nhiên khi đến đây, có những người ở tỉnh xa còn đến sớm hơn, họ đi từ 3h sáng. Vì thế dù đi sớm tôi vẫn phải chờ”, ông Nguyễn Văn An nói.

Chị Trần Thị Minh ở tỉnh Hưng Yên cho biết, chị đi từ 3h sáng, hơn 5h00 có mặt tại bệnh viện xếp hàng và làm các thủ tục để kịp khám và hoàn thành các xét nghiệm trong buổi sáng, tránh phải chờ đợi đến chiều. Tuy nhiên, đến hơn 9h chị vẫn phải ngồi chờ để làm các xét nghiệm.

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Tình trạng quá tải không chỉ diễn ra ở bệnh viện Đại học Y Hà Nội mà hiện nay hầu hết các bệnh viện công đều như vậy. Ví như ở bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 9.000 người bệnh đến khám và có khoảng 4.000 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Cũng như Bạch Mai, ở bệnh viện Việt Đức số bệnh nhân đến khám và nhập viện gia tăng đột biến. Theo đại diện bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sau cao điểm dịch Covid-19, người dân đến khám chữa bệnh tại đây tăng gần 300% so với trước. Hiện tại, mỗi ngày bệnh viện này có khoảng 2.000 bệnh nhân nội trú và khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám, mỗi người bệnh thường có 1-2 người nhà đi cùng (khoảng 2.000-4.000 người), cùng với 2.000 nhân viên y tế, như vậy tại bệnh viện mỗi ngày có khoảng 10.000 người lưu lại.

Tình trạng quá tải không chỉ có ở tuyến trên mà ngay cả tuyến huyện cũng diễn ra tương tự. Chia sẻ với phóng viên, một bác sĩ phó trưởng khoa tại bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, tại bệnh viện anh công tác hiện số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tăng trên 100%, gây áp lực, căng thẳng cho đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện. Bên cạnh đó, bệnh viện đang phải đối mặt với khó khăn là thiếu bác sĩ, việc tuyển dụng bác sĩ rất khó khăn vì lương thấp không hấp dẫn, chế độ đãi ngộ không có. Có những người đã biên chế rồi vẫn bỏ nghề vì thu nhập không đủ cho cuộc sống.

Hơn 12 ngàn viên chức ngành y tế nghỉ và chuyển việc

Lý giải về tình trạng quá tải bệnh viện, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho hay, các cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến xã được xây dựng để khám chữa các bệnh thông thường còn tuyến tỉnh, trung ương tập trung chữa các bệnh nặng và các bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như nhu cầu và ý thức khám chữa bệnh của người dân, kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, xu hướng lựa chọn các dịch vụ sống tốt nhất… nên người dân muốn được điều trị tại các bệnh viện tuyến trên.

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Ngoài ra, do chất lượng khám chữa bệnh của các tuyến xã, huyện, tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Trang thiết bị ở tuyến cơ sở không đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu điều trị. Đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở nhiều nơi thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn. Bác sỹ tuyến dưới được cử đi đào tạo nâng cao trình độ, khi chuyên môn được nâng lên lại có xu hướng chuyển sang bệnh viện tuyến trên, bệnh viện tư, làm cho y tế cơ sở đã khó khăn về nhân lực lại càng thêm khó.

Trong 2 năm rưỡi vừa qua, số lượng thầy thuốc nghỉ việc và chuyển việc ra khỏi khu vực công chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số những người nghỉ và chuyển việc. Cụ thể có 12.198 viên chức ngành y tế nghỉ và chuyển việc, chiếm tỉ lệ 30,84%. Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc và làn sóng chuyển việc từ khu vực công lập sang khu vực tư nhân đang tạo ra áp lực lớn về quá tải bệnh viện.

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên nhân của tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc là do thu nhập thấp. Nhưng bên cạnh nguyên nhân này thì còn có nguyên nhân rất quan trọng nữa liên quan đến áp lực công việc và môi trường công tác. Hiện nay hầu hết các bệnh viện công đều ở trong tình trạng quá tải. Nhiều bệnh viện thì y, bác sĩ phải có mặt từ 6 giờ sáng để bắt đầu thăm khám cho bệnh nhân. Mỗi ngày mỗi bác sĩ có thể khám vài chục, thậm chí là cả trăm bệnh nhân cho nên rất áp lực. Nhiều bác sĩ cho biết là do thường xuyên phải làm việc quá tải nên mới chỉ đủ sức để quan tâm đến căn bệnh chứ chưa phải là người bệnh, trong khi đáng lẽ ra các bác sĩ cần phải có thời gian để lắng nghe và tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng của từng bệnh nhân.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, nguồn nhân lực y tế có vai trò quan trọng quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Với chỉ tiêu phấn đấu năm 2023 chúng ta đạt 12 bác sỹ trên 10.000 dân, trong khi năm 2022 chúng ta đang ước tính là 10 bác sĩ trên 10.000 dân. Như vậy, đồng nghĩa với năm 2023 cần tăng thêm 20.000 bác sỹ, đây là một thách thức với ngành y tế nếu như chúng ta không có giải pháp hạn chế tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc, bởi đào tạo được một cán bộ y tế giỏi không phải một sớm một chiều./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận