Ôm con tự tử: Đáng thương hay đáng trách?

Thời gian gần đây, liên tiếp các trường hợp, bố, mẹ đã ôm con, thậm chí là ép những đứa con ngây thơ, vô tội tìm tới cái chết một cách đau đớn và đầy ám ảnh.

 

Thời gian gần đây, liên tiếp các trường hợp, bố, mẹ vì những lý do khác nhau đã ôm con, thậm chí là ép những đứa con ngây thơ, vô tội tìm tới cái chết một cách đau đớn và đầy ám ảnh.

Trẻ con không có lỗi trong sự bế tắc, áp lực của người lớn

"Đừng ba ơi, đừng ba ơi…", tiếng kêu cứu trong hoảng loạn cùng tiếng khóc xé lòng của bé gái 6 tuổi bị người cha ôm cùng nhảy xuống sông xảy ra ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam mới đây, tôi tin chắc sẽ còn ám ảnh rất lâu không chỉ với những người chứng kiến mà với bất cứ ai khi biết đến câu chuyện đau lòng này.

Trong lá thư tuyệt mệnh để lại, người cha của bé gái cho biết, thời gian gần đây, gia đình anh có nhiều sự phiền muộn nên bế tắc, không thể giải quyết nổi. Anh vì thương con gái nên muốn con gái chết theo mình. Lý do này liệu có dễ cảm thông?

Bức tâm thư được cho là của anh B để lại. (Ảnh KT)

Quyết định lựa chọn cái chết, chắc hẳn người cha này đã phải giằng xé rất nhiều. Dư luận chia sẻ và đồng cảm với những áp lực, sự khốn cùng mà người cha này đã phải đối mặt. Nhưng chắc chắn sẽ không ai có thể tha thứ cho anh khi bắt ép con gái cùng chết theo mình. Vì quá vị kỷ, hoặc cũng có thể vì một phút quá cùng quẫn, anh đã tước đi mạng sống của con gái mình bất chấp tiếng la hét cầu cứu, vùng vẫy trong hoảng loạn cầu xin của đứa trẻ.

Điều đó đã vượt quá lằn ranh của tình phụ tử và không một lý do nào có thể biện minh cho hành động cực đoan này.

Nhưng chưa hết. Mới đây, một nữ giáo viên mầm non cũng vì những bế tắc của cuộc sống đã lựa chọn cái chết ôm theo 2 con gái nhỏ, một cháu 9 tháng tuổi và 1 cháu 2 tuổi. Cầm lòng sao nổi, khi thi thể 3 mẹ con được tìm thấy, thì thi thể bé 9 tháng tuổi vẫn nằm trên lưng mẹ. Trên bờ gia đình vẫn lưu đôi dép nhỏ màu hồng còn rất mới của bé lớn, nhìn mà xót xa...

Mỗi đứa trẻ sinh ra có quyền được sống, bản thân cha mẹ sinh con ra cũng không có quyền tước đoạt quyền thiêng liêng đó. Những đứa trẻ vô tội không vì bất kỳ một lý do nào mà phải chịu trách nhiệm về chuyện của người lớn…

Sông Thái Bình - nơi tìm thấy thi thể của 3 nạn nhân xấu số.

Vì sao những người làm cha làm mẹ lại có hành động tiêu cực như vậy?

Là một chuyên gia tâm lý, chị Lê Thị Tình Tuyết thường xuyên nhận được các cuộc gọi và vô số các tin nhắn của khách hàng chia sẻ về ý định muốn tự tử do cuộc sống bế tắc. Dù tiếp xúc hằng ngày, hằng tuần như thế, nhưng cứ mỗi lần báo chí đưa tin về những câu chuyện bố mẹ ôm con tự vẫn ở đâu đó vẫn khiến chị Tình Tuyết đau lòng và tiếc nuối.

“Sự sống là một món quà tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng cho chúng ta. Bởi vậy vì một lý do nào đấy mà ai đó phải từ chối một món quà này và chấm dứt cuộc sống của mình thì đó là một cảm giác vô cùng đau lòng, đáng tiếc”, chuyên gia tâm lý Tình Tuyết bày tỏ.

Trên cuộc đời, những người làm cha, làm mẹ chắc chắn là người luôn yêu thương con nhiều nhất, sẵn sàng hy sinh tất cả cho con. Vậy vì sao họ lại hành động tiêu cực như vậy? Lý giải điều này, chuyên gia tâm lý, Lê Thị Tình Tuyết cho rằng, sẽ không ai hiểu rõ rất bằng chính người trong cuộc, nhưng chắc chắn để phải lựa chọn bước đường cùng là cái chết phần lớn là họ đã bị tổn tưởng và bị sang chấn nghiêm trọng về mặt tâm lý.

“Chắc chắn họ đã phải trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn và có thể không có một sự trợ giúp nào cả. Họ bế tắc và họ suy nghĩ cực đoan. Lựa chọn cái chết cũng khiến họ dằn vặt và cân nhắc rất nhiều, chứ không phải là hành động tức thì, ngay lập tức. Nó là cả một quá trình đấu tranh”. Theo chuyên gia Tình Tuyết, điều đó cần sự cảm thông, nhưng không ai có thể đồng tình và cũng không có một lý do nào đủ để biện minh với hành vi ép con cùng chết.

Chuyên gia tâm lý Tình Tuyết.

Có thể trong suy nghĩ của họ lúc đó, con mình là một phần cơ thể, là khúc ruột của mình nên cần mang theo khi tự tử. Nếu bỏ con lại, chúng sẽ bơ vơ, không ai chăm sóc, dạy dỗ nên người. Chưa nói đến việc, một số bà mẹ còn tin rằng, khi chết con mình có thể tái sinh ở một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngoài ra việc lựa chọn hành động cực đoan này cũng có thể là họ muốn dùng cái chết của mình để "trừng phạt" người ở lại. Họ nghĩ rằng, việc ôm theo con để cùng chết sẽ khiến những người còn sống phải ám ảnh, ân hận.

“Đằng sau quyết định để dẫn tới một bi kịch có quá nhiều nguyên nhân để lý giải, nhưng dù nguyên nhân là gì thì đều có chung kết quả là sự đau lòng, tàn nhẫn bởi trong mọi trường hợp, những đứa trẻ hoàn toàn vô tội”, chuyên gia tâm lý Tình Tuyết khẳng định.

“Chìa khóa” để tìm lối thoát cho những tiêu cực

Trong cuộc sống ai cũng có lúc buồn chán, bế tắc, nhưng nếu biết tự chuyển hóa cảm xúc bằng cách nhìn vấn đề tích cực hơn thì những suy nghĩ tiêu cực sẽ qua nhanh. Những người làm cha, làm mẹ nếu hiểu được điều này cũng sẽ mạnh mẽ hơn để đối mặt với khó khăn.

Chuyên gia tâm lý Tình Tuyết cho rằng: Ai cũng có áp lực cuộc sống và cần giải quyết. Còn khi gặp khó khăn mà không thể giải quyết, hãy mạnh dạn và chủ động chia sẻ với người thân, gia đình, bạn bè để tìm ra lối thoát tích cực, không nên tích tự quá lâu những suy nghĩ tiêu cực trong mình.

Thông thường có 3 dấu hiệu để nhận biết một người đang rơi vào trạng thái bế tắc, trầm cảm và nghĩ đến cái chết.

- Thứ nhất là về mặt cảm xúc: Thường những người này dễ cáu gắt, thay đổi cảm xúc thất thường.

- Thứ hai là những thay đổi trong lời nói: Họ hay nói những lời bóng gió ám chỉ đến cái chết hoặc bày tỏ những lời nói bi quan về cuộc sống. Hay có những lời nói tạm biệt, chia tay.

- Thứ ba là về hành động như đăng lên Facebook hoặc mạng xã hội những triết lý ám chỉ về việc họ sẽ đi xa thậm chí có người còn gửi lời chúc hoặc tặng quà như kiểu lần cuối gặp nhau.

                            (Chuyên gia tâm lý Tình Tuyết)

Đặc biệt lúc này, gia đình là chỗ dựa quan trọng nhất. Hãy kiên nhẫn lắng nghe cũng như chia sẻ với họ mọi khó khăn, làm điểm tựa về mặt tinh thần giúp họ quên đi những suy nghĩ tiêu cực. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, cần thiết phải tìm các chuyên gia tâm lý, để có những kỹ năng bài bản, chuyên sâu. Thậm chí về lâu dài còn phải kết nối đồng bộ vì các đơn vị có chức năng thể hỗ về mặt tâm lý, sức khỏe tinh thần trong những thời điểm quẫn trí nhất.

 “Cuộc sống là món quà tặng vô giá nhất và mọi thứ đều có thể thay đổi, trừ khi chúng ta chết rồi thì sẽ không bao giờ làm được cái gì nữa. Tôi hy vọng mọi người biết trân trọng món quà đó và tìm đến những người thân, những người cho chúng ta cảm giác là an toàn, khi đó cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp”, chuyên gia tâm lý Tình Tuyết nhắn nhủ./.

Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý (PCP), trong số gần 10.500 trường hợp được khảo sát có tới 73% người được hỏi đã trải qua cảm giác buồn chán, 25% đã tìm cách kết thúc cuộc sống của mình, và 7,5% có những hành động làm đau bản thân nhằm thoát khỏi tâm lý căng thẳng (cứa vào tay, châm thuốc đang cháy lên người…); thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi là nhóm có ý nghĩ tự tử cao nhất, nữ có ý nghĩ tự tử cao gấp 2 lần nam.

Thanh Hương/VOV2

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận