Thời gian qua, việc phá dỡ công trình cũ ở 61 Trần Phú cạnh quảng trường Ba Đình, Hà Nội đã thu hút sự quan tâm lớn của giới quy hoạch, kiến trúc, những người yêu di sản và người yêu Hà Nội nói chung. Mặc dù công trình này không nằm trong danh mục bảo tồn, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng trong quá trình phát triển đô thị rất cần sự cân nhắc khi ứng xử với các công trình kiến trúc cũ.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Đình Thành - Chuyên gia truyền thông văn hóa về việc ứng xử với những công trình cũ tại Hà Nội từ cách tiếp cận văn hóa.
Hà Nội cuốn hút chính là nhờ sự cùng tồn tại hài hòa giữa cái hiện đại, cái cổ, cái cũ
PV: Trong xu thế tất yếu của sự phát triển, những mâu thuẫn gay gắt thường nảy sinh giữa việc bảo tồn và phát triển. Thời gian qua chứng kiến việc dỡ bỏ nhiều công trình cũ gắn với một thời kỳ lịch sử ở Hà Nội, ông có suy nghĩ như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Thành: Cũng giống như nhiều thành phố khác trên thế giới, Hà Nội cũng bị "giằng xé" giữa những quan điểm và nhu cầu, đôi khi trái ngược. Giữ lại các công trình cũ, đôi khi không còn sử dụng được hoặc không được sử dụng; hay phá bỏ và thay vào bằng các công trình mới có nhiều công năng tiện ích hơn? Phát triển một khuôn mặt hiện đại, tiện nghi, thông minh với các ứng dụng của công nghệ hay giữ nét trầm mặc, uy nghi, cổ kính chứng nhân của những thời kỳ đã qua?
Chúng ta chứng kiến ngày càng nhiều công trình xây dựng từ thời Pháp đã bị dỡ bỏ như nhiều ngôi biệt thự kiến trúc Pháp cổ trong rừng hoặc trong phố, nhiều tòa nhà hành chính thời Pháp thuộc. Thậm chí những công trình nghệ thuật mang phong cách hoành tráng thời bao cấp như 2 bức tranh tường trước cửa chợ Mơ, Hà Nội cũng chỉ giữ được một, còn một bị phá dỡ, làm mất đi một chứng tích về nghệ thuật thời bao cấp. Ngôi biệt thự tại ngõ 128C Đại La thuộc trạm phát sóng Bạch Mai nơi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên và đọc mật lệnh toàn quốc kháng chiến cũng đã bị phá bỏ.
Thử tưởng tượng một Hà Nội với những ngôi nhà chọc trời, không còn những khu tập thể thời bao cấp, không còn những đài phun nước, biệt thự Pháp, các công trình kiến trúc Đông Dương, không còn khu phố cổ, những hàng cây lâu năm... thì du khách có đến để thấy một thành phố giống hệt nơi họ đang sống? Hà Nội đẹp, Hà Nội đáng sống, Hà Nội cuốn hút chính là nhờ sự cùng tồn tại hài hòa giữa cái hiện đại, cái cổ, cái cũ.
PV: Hiện nay ở nội đô Hà Nội còn nhiều công trình, biệt thự cũ. Khi những công trình này xuống cấp hoặc cần chuyển đổi công năng, thì giải pháp nào sẽ hài hòa và hợp lý nhất, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Thành: Nguyên tắc tiếp cận về vấn đề này theo tôi có 3 yêu cầu chính:
Nền tảng là phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên có liên quan. Người dân cần nhà an toàn và đáp ứng được các yêu cầu của cuộc sống hiện đại ngày càng cao. Nhà đầu tư cần lợi nhuận. Nhà phát triển đô thị cần những giá trị mới có thể quy đổi sang tài chính. Nhà nước cần bảo tồn di sản, những dấu ấn vết tích văn hóa lịch sử để giữ lại cho các thế hệ mai sau và cả thế hệ bây giờ nhưng nhà nước lại có ngân sách hết sức hạn chế.
Cơ chế là tạo dựng sự đồng thuận cần sự đối thoại tích cực, mang tính xây dựng giữa các bên liên quan.
Cách thức triển khai là minh bạch quyền lợi, trách nhiệm, quy hoạch, quy định của pháp luật.
Chỉ khi đảm bảo các yếu tố này thì việc ứng xử với di sản mới đạt được hiệu quả mong muốn. Hợp tác công tư là hướng đi cần phát triển trong lĩnh vực này.
Cần nhìn nhận các chứng tích của quá khứ như một tài nguyên văn hóa
PV: Cách tiếp cận văn hóa khi ứng xử với các công trình này sẽ mang lại ý nghĩa và giá trị gì?
Ông Nguyễn Đình Thành: Cách tiếp cận hợp lý, hài hòa sẽ mang lại lợi ích kinh tế, ổn định chính trị xã hội, lan tỏa về mặt truyền thông đồng thời cũng mang lại cuộc sống chất lượng cao cho người dân.
Tại châu Âu, việc thay đổi công năng của các công trình cũ hoặc không còn sử dụng để biến thành địa điểm văn hóa là việc thường xuyên. Một đường tàu bỏ đi không dùng có thể biến thành một vườn hoa lộ thiên, nhiều đường tàu bỏ đi được biến thành một tour tham quan thành phố (chỉ riêng nghĩa trang cổ Père-Lachaise ở Pháp đã có tới 14 cách tham quan theo chủ đề khác nhau). Một kho hàng cũ được biến thành một trung tâm văn hóa nơi trẻ em có thể đến chơi và bố mẹ xem phim.
Vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thành phố Bilbao ở Tây Ban Nha là một thành phố đang đi xuống vì công nghiệp không còn phát triển. Thành phố đã chọn xây dựng một bảo tàng nghệ thuật đương đại và biến đổi thành một thành phố của văn hóa và nghệ thuật. Giờ đây Bilbao đã là một địa chỉ nổi tiếng toàn thế giới.
Singapore bảo tồn những con phố thời thuộc Anh để biến thành điểm du lịch dù giá trị kiến trúc không cao nhưng khách du lịch khó thể bỏ qua nếu muốn biết quốc đảo này ngày xưa trông như thế nào. Thái Lan tạo dựng lại một bến tàu nơi ngày xưa người ta vận tải gạo từ trên bờ xuống thuyền như thế nào và chỉ với vài bức tượng đồng, một bến sông biến thành một địa chỉ tham quan với khách du lịch. Hàn Quốc trưng bày những cổ vật đào được dưới đất và tái tạo một cung điện xưa trên đó, cộng với nghệ thuật ánh sáng vào buổi tối, thì địa điểm này trở thành một nơi khó bỏ qua với du khách…
Trên thực tế, không thành phố nào có thể gìn giữ tất cả chứng tích của quá khứ nhưng nên nhìn các yếu tố này như một loại tài nguyên - tài nguyên văn hóa. Nếu biết tận dụng và khai thác thì lợi ích mang lại vô cùng lớn, biên độ mở rộng là không giới hạn và giúp chủ thể phát triển bền vững.
PV: Theo ông cần làm gì để không xảy ra những ồn ào như vụ việc tại 61 Trần Phú vừa qua? Làm sao để bảo vệ các giá trị ẩn chứa trong những công trình chưa được xếp hạng di tích hoặc trong diện được bảo tồn?
Ông Nguyễn Đình Thành: Theo tôi cần đối thoại. Sắp tới Luật Di sản có lẽ cũng sắp được quốc hội thảo luận và chỉnh sửa. Nên điều chỉnh các quy định pháp luật; tiến hành kiểm kê, công bố danh sách và đánh giá giá trị các công trình từ nhiều góc độ (sử học, di sản, tâm lý học, xã hội học, phát triển bền vững, bảo tàng, kiến trúc, mỹ thuật,...). Danh sách này được thảo luận công khai trên mạng internet.
Như thế ta sẽ có những góc nhìn đa dạng, trong và ngoài nước, Việt Nam và quốc tế, cơ quan quản lý, cơ quan khai thác, nhà đầu tư, nhà tài trợ, đối tượng được hưởng lợi, nhà khoa học,...và công tác bảo tồn, phát triển sẽ thực tế hơn, dân chủ hơn, hiệu quả hơn.
PV: Nếu được quyết định, ông sẽ làm gì với khu đất 61 Trần Phú sau khi công trình đã bị phá dỡ?
Chuyên gia Nguyễn Đình Thành: Việc chuyển đổi công năng của công trình nếu còn có thể thì có rất nhiều sự lựa chọn: từ trung tâm nghệ thuật, giải trí, trung tâm văn hóa đến quảng trường, bảo tàng... Có rất nhiều sự lựa chọn.
Hà Nội không cần thêm các trung tâm ở trong nội đô vốn đã quá chật chội mà cần thêm các trung tâm văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt tập thể cho người dân thủ đô và cả nước. Cần nâng cao năng lực sáng tạo sản phẩm dịch vụ mới và thay đổi cách truyền thông.
Đặc biệt, bức phù điêu là một chứng nhân lịch sử của một sự kiện lịch sử; một tác phẩm nghệ thuật mang phong cách của cả 1 thời kỳ. Nên giữ lại trên chính địa điểm ấy. Đó là một tác phẩm sẽ điểm trang cho công trình mới nếu nó được xây dựng. Đó không phải là một “vết xước” (như lời một nhà nghiên cứu văn hóa đã nói) mà sẽ là một viên ngọc trên công trình mới.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Hải Nam - Hà Phương/VOV.VN