Phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng là quan điểm phát triển đúng đắn ngày càng được xã hội quan tâm và khuyến khích. Tại Việt Nam, du lịch cộng đồng cũng đã đem lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội cho cư dân địa phương và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá bản địa.
Mai một truyền thống vì đâu?
“Chị em phụ nữ Dao bây giờ không muốn may thêu vì đây là việc vất vả, tốn nhiều thời gian, trong khi họ có thể làm việc khác kiếm tiền mua được; Giới trẻ hiện nay đang bị nền văn hoá đô thị thu hút mạnh, nhiều người còn đua đòi, sống thiếu trách nhiệm với cộng đồng nên không chịu học văn hoá truyền thống; Mình là cán bộ xã, cũng là thầy cúng nhưng nhiều khi không thể hiểu hết văn hóa của cha ông; có những phong tục cứ thực hành thôi chứ chưa lý giải được; Trước kia khi mới từ núi xuống, thích ở gần núi để tiện làm nương nhưng bây giờ thích ở ngoài mặt đường, tiện đi lại, buôn bán và nhiều thứ khác; Thời đại hiện nay là thời đại luôn phấn đấu làm giàu nên người dân không để ý đến văn hoá truyền thống; Trước kia, ở trên núi chẳng kiếm được tiền nhưng không có nhu cầu tiêu tiền. Nay, kiếm tiền dễ hơn nhưng tiêu nhiều hơn, làm việc gì cũng phải có tiền”… là những ý kiến mà TS Chử Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Đại học Văn hóa Hà Nội, thu được trong quá trình đi thực tế, nghiên cứu để làm rõ nguyên nhân dẫn đến rất nhiều nét văn hoá, truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân tộc thiểu số đang ngày càng mai một.
Tại diễn đàn “Phát huy truyền thống văn hoá các dân tộc trong xây dựng môi trường văn hoá” diễn ra mới đây ở Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, rất nhiều tham luận cũng phản ánh tình trạng mai một nhanh chóng những nét đẹp, truyền thống văn hoá, lao động, sinh hoạt của nhiều cộng đồng dân tộc, đặc biệt là ở các cộng đồng dân tộc ít người. Đây là một thực tế đáng báo động. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới là xây dựng môi trường văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa cần bắt đầu từ các đơn vị cơ sở là gia đình, dòng họ, làng bản, thôn ấp, xã, phường,... ở mọi vùng dân cư từ đô thị, nông thôn cho đến miền núi.
Du lịch cộng đồng, “chìa khoá” xây dựng môi trường văn hoá
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, Bộ VH-TT&DL, mô hình du lịch cộng đồng đã góp phần phát huy tiềm năng phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; tích cực xóa đói giảm nghèo, mang lại nguồn thu nhập bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số. Quan trọng hơn cả là góp phần bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng môi trường văn hoá, kết nối cộng đồng.
Lấy ví dụ mô hình du lịch cộng đồng tỉnh Hòa Bình do đồng bào Mường thực hiện tại ba xóm ở ba xã thuộc huyện Đà Bắc (xóm Đá Bia, xã Tiền Phong; xóm Ké, xã Hiền Lương và xóm Sưng, xã Cao Sơn) đang được đánh giá cao. Nơi đây là điểm đến lý tưởng cho chuyến đi ngắn ngày. Không chỉ ngắm cảnh đẹp nên thơ mà du khách còn có thể khám phá nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với nếp làng, phong tục, văn hóa có từ ngàn xưa: Khu Bảo tồn thiên nhiên Phu Canh, thác Tà Khớp, hang Thần, suối Láo, hang Mưa, hang Sưng, núi Biều, hang Lỗ Làn, vịnh Hiền Lương... Du khách cũng có thể chọn đi thuyền khám phá cảnh quan vùng hồ, bơi mảng, chèo thuyền kayak, thăm thú bản làng, khám phá các hang động nguyên sơ, trải nghiệm hoạt động sản xuất, đi thăm lồng nuôi cá, đánh cá, kéo rọ tôm… cùng người dân.
Đồng bào nơi đây được tập huấn, trau dồi kiến thức, các kỹ năng hướng dẫn khách, thuyết minh, đón tiếp, nghiệp vụ buồng, bàn, kỹ năng nấu ăn, văn nghệ truyền thống, cung cấp nông, thủy sản, đặc sản địa phương, cho thuê phương tiện di chuyển… Địa hình đa dạng, vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên gồm sông, hồ, hang, suối, đồi, rừng ở Đà Bắc đều được đưa vào khai thác du lịch.
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch, sau hơn 20 năm phát triển, du lịch cộng đồng đã mở rộng trên toàn quốc. Cùng với trào lưu khách du lịch quốc tế tham gia loại hình du lịch trải nghiệm cộng đồng gia tăng mạnh trên toàn cầu, hoạt động du lịch cộng đồng ở nước ta đã sôi động hơn; thu hút sự quan tâm, phát triển ở nhiều địa phương, không chỉ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà còn ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng.
Thực tế đã chứng minh, du lịch cộng đồng đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo ra công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống và có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nhiều địa phương kinh tế còn khó khăn, nhờ hoạt động du lịch, sinh kế của người dân đã được cải thiện rõ rệt, từng bước bắt kịp những địa phương có hoạt động kinh tế - xã hội phát triển./.