Bảo tồn nhà Pháp cổ: Không cần nhiều, chỉ cần tinh

Với hơn 1.000 năm tuổi, Hà Nội là nơi kết tinh văn hoá, lịch sử của biết bao thế hệ, sản sinh ra những giá trị mà chỉ Hà Nội mới có

 

Với hơn 1.000 năm tuổi, Hà Nội là nơi kết tinh văn hoá, lịch sử của biết bao thế hệ, sản sinh ra những giá trị mà chỉ Hà Nội mới có. Tuy nhiên, việc gìn giữ, bảo tồn những tinh hoa ấy cần phù hợp để vừa giữ được, vừa phát huy giá trị mà lại không làm cho nó trở nên lạc hậu, ảnh hưởng đến xu thế phát triển chung của vùng đất ngàn năm văn hiến.

Giá trị cần được bảo tồn

“Phố cổ, nhà cổ, tôi vẫn thường túc tắc đạp xe lên khu phố cổ vào những ngày rảnh rỗi để ngằm nhìn, để không quên những ký ức về nơi mình từng sinh ra, lớn lên… Nói bóng bẩy như thế thôi, để nhớ lại những ký ức cũng không cần người ta mỗi tuần lại đạp xe lên phố như thế. Thực ra là tranh thủ thời gian tập thể dục, đạp xe qua các con phố và hoài niệm cũng là một công đôi việc. Có điều, rõ ràng là có điều gì đó, như là một thứ tình cảm, một loại phản xạ tự nhiên đã tồn tại sẵn, để mỗi khi rảnh rỗi là lại đạp xe lang thang như thế”.

Từng sinh ra và lớn lên trong một ngõ nhỏ gần chợ Đồng Xuân, anh Chung (hiện đang sống trong một căn hộ chung cư trên phố Minh Khai), vừa cười vừa chia sẻ về thói quen đạp xe lên khu phố cổ mỗi sáng cuối tuần. Không chỉ với cá nhân anh Chung mà với mọi thành viên trong gia đình anh, người quen cũ, những người cùng sinh ra và gắn bó nhiều năm trong những ngôi nhà cổ rêu phong trong khu phố cổ Hà Nội đều có chung cảm xúc không thể nói thành lời một cách mạch lạc, nhưng rất dễ cảm nhận, hoài niệm và đồng cảm về khu phố cổ khi phải rời xa.

Không thể không công nhận giá trị của những ngôi nhà cổ, biệt thự xây từ thời Pháp thuộc, có bề dày lịch sử, hình thái kiến trúc đặc thù, gắn liền với vùng đất, con người Hà Nội, tạo ra quỹ “di sản” kiến trúc đồ sộ và rất có giá trị.

Như khu “phố tây” ở Hà Nội, bắt đầu xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ XIX, được quy hoạch và xây dựng theo mạng lưới hình ô bàn cờ theo nguyên tắc thiết kế tạo nên những ô phố vuông. Trên các con phố, từng lô đất được chia để xây dựng nhà ở loại biệt thự độc lập, có vườn rộng, cây cao. Trải qua chiều dài lịch sử, khu “phố tây” dần hình thành, ghi dấu đậm nét vào giai đoạn phát triển của Hà Nội, để lại di sản đô thị mang phong cách đặc biệt, đan xen văn hoá “đông tây kim cổ”, vừa cũ kỹ, vừa hiện đại cho đến ngày nay. Cùng với lối sống mang phong cách Hà Nội, những công trình kiến trúc cổ, những khu “phố tây” này chính là dấu ấn, nơi lưu giữ ký ức, tình cảm của người dân Thủ đô, đồng thời tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến với Hà Nội, mang lại giá trị to lớn về kinh tế, văn hoá cho Thủ đô ngàn năm văn hiến.

KTS Lê Văn Lân, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho rằng, kiến trúc trong giai đoạn mới đòi hỏi phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, dù đổi mới như thế nào thì yếu tố cần giữ chính là nét đặc trưng tính văn hiến trong đô thị Hà Nội, sự khác biệt của Hà Nội với những TP khác. Phải làm thế nào để bạn bè thế giới khi đến với Hà Nội không phải trầm trồ khen ngợi những công trình cao tầng, khu đô thị hiện đại mà bị thu hút bởi hệ thống di sản, trong đó có kiến trúc của những tòa biệt thự Pháp cổ cần được bảo tồn.

Lựa chọn, phân loại để bảo tồn

Bây giờ, rất nhiều người - giống như anh Chung - đã bán nhà trong khu phố cổ để chuyển đến nơi mới có điều kiện sống tốt hơn. Anh Chung chia sẻ: “Bây giờ xã hội phát triển, văn hoá sống cũng khác so với trước kia, không thể khư khư ôm những ký ức cũ kỹ, những kỷ niệm đã qua để sống mãi trong những khu biệt thự chật chội, cũ nát, vừa không an toàn, lại không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt. Việc thay đổi để phù hợp với xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển là không thể tránh khỏi, cái gì cần giữ, phải giữ thì vẫn phải giữ. Nhưng cũng không thể khư khư ôm giữ kỷ niệm mà “mắc kẹt” lại trong những ngôi nhà cổ được”.

Không phải cứ công trình nào xây lên, tồn tại theo thời gian hàng trăm năm cũng đều trở thành di sản, cần được bảo tồn. Cơ quan quản lý nhà nước cần thống kê, phân loại và thông báo rộng rãi để người dân hiểu được đâu là những công trình có giá trị, cần bảo tồn; Đâu là những công trình lâu năm nhưng ít giá trị, có thể phá huỷ để xây dựng các công trình mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô. “Không thể giữ khư khư cái ký ức biệt thự để rồi không chịu thay đổi. Ký ức lúc này nó cũng khác nhau lắm rồi! Biệt thự mà phải gánh chức năng của khu tập thể thì chỉ còn là sự bất tiện mà thôi”, nhà văn Đỗ Phấn bày tỏ.

Năm 2015, UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cùng Sở Xây dựng, căn cứ trên Luật Nhà ở, Luật Di sản Văn hóa, Luật Thủ đô… lập một danh sách thống kê và phân loại các biệt thự có giá trị để bảo tồn. Ban đầu danh sách gồm 1.540 biệt thự, sau rồi chốt lại còn 1.253 và được chia thành 3 nhóm, gồm: Nhóm 1, được đánh giá là rất có giá trị, cần bảo tồn nguyên trạng, ưu tiên đầu tư phát triển bảo tồn, trong trường hợp xuống cấp nghiêm trọng, được cơ quan thẩm quyền thẩm định, quyết định phải phá dỡ thì phải xây theo nguyên gốc; Nhóm 2, khi các cơ quan thẩm định, kiểm định quyết định được phép phá dỡ, có thể xây dựng lại nhưng phải giữ cấu trúc, có thể thay đổi công năng; Nhóm 3 là nhóm đã bị biến dạng, ít giá trị hơn nếu phá dỡ, khi cải tạo được phép đổi mới cho phù hợp với quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực và các luật định.

“Việc thống kê, phân hạng biệt thự nếu đã hợp lý rồi thì rất cần quản lý và thực hiện giải pháp đồng bộ. Tức là, đã đi đến thống nhất bảo tồn giá trị, chính quyền và các cơ quan quản lý đã quan tâm chỉ đạo thì cũng cần đánh giá thực tiễn, đồng thời rà soát lại nguồn lực thực hiện. Nếu nguồn lực còn hạn chế thì nên chăng, học cách làm của các nước như Thụy Điển hay Nhật Bản, cần tinh không cần đại trà”, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội nêu ý kiến.

Cũng theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, danh mục bảo tồn của Hà Nội là 1.253 biệt thự, nếu xét theo tiêu chí Nhật Bản thì con số này ít hơn nhiều. Cụ thể, các chuyên gia Nhật Bản căn cứ bảo tồn một công trình kiến trúc dựa trên nguồn gốc, lịch sử, biến dạng như nào, bên cạnh đó còn cân nhắc cả vấn đề nguồn lực. Cả Thủ đô Tokyo rộng lớn, hiện cũng chỉ bảo tồn có 20 căn biệt thự cổ mà thôi. Trong khi, ở Hà Nội, với phạm vi nội đô 37km2 đã có tới 1.253 biệt thự nằm trong danh mục bảo tồn từ cấp 1 đến cấp 3.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận