Thi công xuyên Tết xây khát vọng 'đại lộ đại phú'

Phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam ghi nhận không khí thi công trên công trường các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Nghi Sơn

 

Ngay sau chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính “xuyên Tết, xuyên Việt” kiểm tra tình hình thực hiện dự án giao thông trọng điểm, Bộ Giao thông vận tải đã lập tức quán triệt chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.

Đón Tết ở công trường

Trong cái rét “cắt da cắt thịt” đầu xuân Nhâm Dần, chúng tôi có mặt tại công trường đường hầm Tam Điệp thuộc cao tốc Bắc - Nam (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45) nơi hàng chục công nhân và xe máy đang miệt mài làm việc. Tiếng động cơ xe tải, xe lu, đầm nén… rộn vang cả một vùng. Không khí lao động rất khẩn trương.

Kỹ sư Hà Quang Đức, quê Quảng Bình, Đội phó chỉ huy công trường của gói thầu số 10, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, cho biết, sau bảy năm đầu quân cho Tập đoàn Sơn Hải, tham gia thi công các công trình giao thông đường bộ La Sơn - Túy Loan, gói 10 và 13 thuộc Quốc lộ 1…, đến giờ Đức được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia thi công cao tốc Bắc Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể về đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, anh và hàng trăm cán bộ, người lao động đã bám trụ và đón Tết tại công trường, phối hợp với bộ phận tư vấn giám sát, kỹ thuật hiện trường, kỹ thuật văn phòng để đẩy nhanh tiến độ thi công. “Đến thời điểm hiện tại chúng em vẫn chưa được về và cũng nhớ nhà. Tuy nhiên, được sự động viên của Bộ trưởng thì chúng em thấy được trách nhiệm của mình với công trình của quốc gia nên mọi người đều cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ…” - Đức tâm sự.

Thi công xuyên màn đêm ở nút giao Đông Xuân

Trong màn mưa buốt giá, kỹ sư Đỗ Trọng Nam, cán bộ Ban quản lý dự án (QLDA) Thăng Long, gói thầu số 14, chia sẻ: “Tôi đã có nhiều năm thi công công trình ở các dự án khác nhau. Làm nghề cầu đường vất vả xa nhà quanh năm, nhưng riêng Tết Nguyên đán Nhâm Dần này tôi cùng các anh em trên công trường cùng xác định sẽ không đón Tết ở nhà mà ăn Tết ngay trên công trường để phấn đấu thực hiện kỳ vọng của Thủ tướng rút ngắn tiến độ 3 tháng”.

Theo ông Dương Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Ban điều hành liên danh Vinaconex - Công ty Trung Nam EC, phần thi công đường của gói thầu số 14 XL được chia làm 7 mũi thi công với tổng chiều dài tuyến 16,5 km, trong đó có 12,6km phải xử lý đất yếu, khó khăn rất nhiều. Thời kỳ cao điểm có khoảng 600 cán bộ công nhân viên trên toàn tuyến. “Trước thời điểm nghỉ tết của người lao động, các chỉ huy và lãnh đạo ban điều hành liên danh đã quán triệt tới từng tổ, mũi, đội thi công để sớm triển khai ngay sau Tết. Anh em ở xa chiều mùng 2 có mặt trên công trường, những anh em ở gần tham gia khai xuân từ mùng 1. Từ mùng 3 Tết tất cả công việc trở lại bình thường. Để các nhà cung cấp đồng hành với nhà thầu kể cả trong tết, trước tết, đơn vị tổ chức họp mặt, trao đổi, cơ chế vận hành thanh toán trơn tru, không vướng mắc về tài chính nên tạo được niềm tin với các nhà cung cấp, khi ra quân lập tức có vật liệu ngay” - ông Dương Mạnh Tuấn cho biết thêm.

 

Thi công trên tuyến Quốc lộ 45 - Nghi Sơn bất chấp thời tiết

Còn ở Dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, dù trời mưa, cản trở công tác đắp đất, những tất cả các công đoạn thi công không ảnh hưởng thời tiết như các hạng mục phần cát và những phần liên quan đến kết cấu bê tông (cầu, cống, rãnh...) đều đang được tiến hành hết sức khẩn trương.

Trên địa bàn các tỉnh từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh có 5 dự án đường bộ cao tốc thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt.

Đồng hành để thành công

Khi nói về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, phát triển đường cao tốc sẽ tạo ra động lực mới phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương mà tuyến cao tốc đi qua. Nếu đường cao tốc được làm sớm thì sẽ giảm chi phí rất lớn. Một số tuyến cao tốc đã được quy hoạch cách đây nhiều năm, nhưng vẫn chưa triển khai được, "bây giờ, chúng ta cố gắng triển khai, tạo ra động lực lớn và chi phí sẽ thấp hơn so với để lại sau này triển khai".

Hầm Tam Điệp đang dần thành hình

Tinh thần khẩn trương, tích cực của Chính phủ đã lan tỏa đến các Ban QLDA, các nhà thầu thi công và các địa phương. Theo ông Đỗ Mạnh Hà, Phó văn phòng điều hành dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, phụ trách trực tiếp gói thầu số 10, thực hiện chỉ đạo chung của Bộ GTVT, đơn vị đã lập kế hoạch thi công xuyên Tết. Hai nhà thầu Xuân Trường và Sơn Hải phấn đấu ngoài phạm vi khu vực đất yếu đến 30.7.2022 sẽ thảm xong toàn bộ mặt đường, còn phần xử lý đất yếu do đặc thù phải xử lý kỹ thuật và phải có thời gian chờ gia tải nên sẽ chậm hơn một chút. Ông Đỗ Mạnh Hà cho biết: "Tinh thần chung là sẽ tìm mọi giải pháp để khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ kể cả trong mùa mưa, phấn đấu đến 30.9.2022 kết thúc quá trình xử lý đất yếu. Còn với phạm vi ngoài đất yếu thì chúng tôi tự tin là chủ động được tiến độ, đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng. Chúng tôi sẽ tăng cường quan trắc, khi có những yếu tố thuận lợi sẽ tăng tải để giảm được thời gian lún cấu kết. Tỉnh Ninh Bình và các huyện dự án đi qua cũng phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu không chỉ đẩy nhanh công tác GPMB, bàn giao mặt bằng sạch sớm mà còn tháo gỡ những vướng mắc phát sinh”.

Nhà thầu Sơn Hải nỗ lực đẩy nhanh tiến độ

Trong số các dự án trên tuyến cao tốc từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh hiện mới có dự án Cao Bồ - Mai Sơn đạt tiến độ và khánh thành; dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 đạt trên 50% tiến độ và các dự án còn lại đạt từ 10 - 15%, riêng dự án Diễn Châu - Bãi Vọt mới đạt 1,5%. Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, tiến độ các dự án chậm một phần do công tác giải phóng mặt bằng chậm; một phần do chủ đầu tư chưa ký được hợp đồng tín dụng để đầu tư; năng lực một số nhà thầu chưa đáp ứng được năng lực trên thực tế; nguồn vật liệu đất đắp nền đường khó khăn...

Nguồn vật liệu chính là khó khăn mà dự án cao tốc đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn thuộc Ban QLDA 2, Bộ GTVT gặp phải. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc dự án, chia sẻ: Tập quán của các nhà cung cấp nguyên vật liệu và đơn vị vận tải địa phương nghỉ từ 26 đến mùng 3 Tết nên tiến độ bị chùng lại, chỉ duy nhất nhà thầu Công ty TNHH Định An có mỏ và đội vận tải riêng vẫn làm việc xuyên Tết. Để tháo gỡ khó khăn này, tỉnh Thanh Hóa đang đồng hành với Ban QLDA, các nhà thầu để giải quyết. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh nhận định: “Thanh Hóa là địa phương rất tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng nên về cơ bản đã bàn giao đầy đủ mặt bằng sạch đồng thời phối hợp với Ban QLDA tháo gỡ những vướng mắc cục bộ. Nguồn vật liệu ở địa phương đủ để đáp ứng nhu cầu xây dựng cao tốc, tuy nhiên lâu nay vẫn khai thác quy mô nhỏ. Hiện nay, Thanh Hóa đã cho phép nâng công suất không giới hạn theo quy định của Nghị quyết 133, từ đó gỡ khó cho công tác thi công. Sau những ngày mưa phùn, dự án sẽ đẩy nhanh tiến độ, làm 3 ca 4 kíp để đảm bảo chất lượng và tiến độ”.

Sau thời tiết mưa phùn sẽ đẩy nhanh tiến độ đảm bảo yêu cầu

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa, khẳng định: Thanh Hóa tập trung cho giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư. Bởi vậy Ban Thường vụ tỉnh ủy đã phân công trách nhiệm tới từng cán bộ trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành để đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng hiệu quả. Thanh Hóa xác định, "giao thông đi trước" chính là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế chung của cả nước, của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và của riêng tỉnh Thanh Hóa nên luôn sẵn sàng phối hợp với các Bộ ngành, các Ban QLDA và đơn vị thi công nhằm tháo gỡ khó khăn.

Bạt núi băng rừng xây khát vọng...nỗ lực thi công ở gói thầu số 11 đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45

Tất cả vì khát vọng "đại lộ đại phú"

Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã có chỉ đạo ưu tiên nguồn lực để phát triển đường cao tốc trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Quốc hội đã có nghị quyết dành nguồn lực lớn cho phát triển hạ tầng giao thông trong Chương trình phục hồi kinh tế xã hội. Đối với những dự án thuộc giai đoạn 2017 - 2020, các Ban QLDA, nhà thầu đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ. Ngày 4.2.2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi thực tế hiện trường, kiểm tra dự án đã đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị tham gia dự án, biểu dương, động viên cán bộ công nhân viên. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và các nhà thầu nghiên cứu, tăng cường máy móc thiết bị để phấn đấu rút ngắn thời gian thi công 3 tháng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo Ban QLDA đã họp với các nhà thầu để triển khai nhiều giải pháp.

Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải bảo đảm giải ngân vốn của Chương trình trong 2 năm 2022 và 2023 nhằm góp phần phục hồi, phát triển nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng nền kinh tế; đồng thời, với vai trò, ý nghĩa của các tuyến đường bộ cao tốc trong phát triển kinh tế xã hội các vùng kinh tế, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm chính trị, vì lợi ích của đất nước cần quyết tâm, tập trung hơn nữa trong quá trình triển khai các Dự án.

Khởi công từ ngày 30/9/2020, sau hơn 1 năm thi công, tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài gần 63,4 km, với tổng mức đầu tư trên 12 nghìn tỷ đồng giờ đã thành hình. Một loạt các công trình như hầm Tam Điệp nối thông Ninh Bình, Thanh Hóa; hầm Thung Thi qua địa bàn xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung Thanh Hóa; cầu Núi Đọi dài 1,9km bắc qua sông Chu, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá... đã hoàn thành tiến độ đề ra, hứa hẹn sớm đi vào khai thác, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế toàn vùng Bắc bộ.

Ông Lương Văn Long - Giám đốc điều hành dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (thuộc Ban QLDA Thăng Long, Bộ GTVT), cho biết: "Trong dịp Tết chúng tôi bố trí tối thiểu khoảng 30% nhà thầu tham gia thi công xuyên Tết, có những nhà thầu bố trí cán bộ, công nhân viên đến 50%. Đồng thời sát cánh với các nhà thầu để rà soát, xem xét từng vị trí cụ thể báo cáo Bộ đưa ra giải pháp rút ngắn về mặt thời gian. Vấn đề quan trọng nhất là yếu tố kỹ thuật trong xử lý nền đất yếu, không thể đốt cháy giai đoạn, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Do đó chúng tôi đang xem xét giải pháp “mặt đường quá độ”, tức là cho phép lún, chưa hoàn thiện mặt đường, chỉ rải lớp bê tông nhựa rỗng, sau đó là cho xe lưu thông được trên tuyến. Sau một thời gian theo quy chuẩn kỹ thuật, chúng tôi sẽ hoàn thiện theo yêu cầu của dự án".

Cầu Núi Đọ, Thanh Hóa - một trong những hạng mục thi công quan trọng

Tại cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan phải bám sát tiến độ, quyết liệt tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư tất cả các dự án đường bộ cao tốc trọng điểm khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025./.

"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm và sẽ đồng hành cùng với các địa phương để bảo đảm chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng các đoạn, tuyến cao tốc mới, đẩy nhanh tiến độ triển khai các đoạn tuyến cao tốc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư" - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận