Vi phạm trật tự ATGT trên cao tốc: Vì sao 'nhờn' luật?

Mặc dù chế tài xử phạt các vi phạm trật tự ATGT trên cao tốc không hề nhẹ, nhưng thời gian qua, những hành vi tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT rất cao.

 

Đặc biệt, vụ việc một gia đình dừng đỗ ăn uống trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai bị lực lượng chức năng xử lý chưa kịp lắng xuống, mới đây mạng xã hội tiếp tục ghi nhận 2 trường hợp tương tự khi các tài xế vô tư dừng xe, tổ chức ăn uống trên đường cao tốc khiến người tham gia giao thông tỏ ra rất bất bình.

Phân tích tình trạng vi phạm của người tham gia giao thông, thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng tuyên truyền, Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người tham gia giao thông vi phạm quy tắc khi tham gia giao thông trên cao tốc xuất phát từ quá trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Thậm chí không ít trường hợp không được truyền tải đầy đủ những kiến thức này. Đề cập cụ thể tình trạng dừng xe ăn uống trên làn khẩn cấp của các tuyến cao tốc, cũng như việc đi lùi, đi ngược chiều, thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng xuất phát từ ý thức của người lái xe: “Bản thân ý thức của người lái xe, người điều khiển phương tiện và những người tham gia giao thông cùng là không có ý thức. Anh tùy tiện dừng đỗ trên đường cao tốc, rồi còn tổ chức ăn uống nữa, mà anh không nhận thức được đó là hành vi vô cùng nguy hiểm bởi nếu chỉ một phương tiện không làm chủ được tốc độ, không giữ được khoảng cách mà lao vào thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng”.

Ông Trần Ngọc Sơn, Chánh Văn phòng Ban ATGT Lào Cai thì cho rằng, tình trạng nhờn luật của một số người tham gia giao thông xuất phát từ việc xử lý của lực lượng chức năng không nghiêm, hình thành thói quen tùy tiện của người tham gia giao thông trên cao tốc.

Dẫn chứng cụ thể, ông Sơn cho biết, lực lượng chức năng Lào Cai vừa xử lý một chiếc xe tải chở quá tải trọng hơn 200%, khi xe có tải trọng 52 tấn nhưng chở đến 110 tấn. Điều đáng nói, chiếc xe này xuất phát từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đi qua cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đến địa phận Lào Cai mới bị xử lý. Ông Sơn khẳng định, khó có thể nói lực lượng chức năng không biết để xử lý: “Tất cả anh em tuần tra trên đường không biết nó quá tải à? Bởi vì xe trên đó tốc độ 80 cận trên và 60 cận dưới, nhưng nó đi có 40km thôi và trông nó lặc lè như thế mà không phát hiện quá tải à? Đấy phải nói là người thực thi công vụ đang có vấn đề”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để ngăn chặn những hành vi vi phạm trên cao tốc, trước hết cần siết chặt khâu đào tạo, cấp giấy phép lái xe. Nghiên cứu sinh Nguyễn Ngọc Quang - Trường ĐH Twente, Hà Lan cũng cho rằng, kinh nghiệm kéo giảm tai nạn giao thông của Hà Lan là thắt chặt quy trình cấp giấy phép lái xe. Tất cả các lái xe ở các quốc gia khác mặc dù được cấp bằng lái xe quốc tế nhưng đều phải đào tạo lại mới được phép điều khiển phương tiện tại Hà Lan: “Ở Hà Lan họ đào tạo lái xe rất kỹ, ngặt nghèo lắm, thực thi luật pháp nghiêm túc, khi mà vi phạm, hệ thống camera người ta thu và gửi giấy phạt tới tận nhà. Cái quan trọng là đào tạo kỹ và nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông. Bản thân ý thức của người dân đã cao rồi và hệ thống giao thông đã hoàn thiện, người ta đã đặt hết tình huống và người dân gần như không thể vi phạm được”.

Ông Bùi Đình Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam cho biết, năm 2018, riêng trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã phát hiện 1.310 trường hơp người điều khiển phương tiện vi phạm. Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình phát hiện 4.177 trường hợp vi phạm. Tình trạng xe chạy ngược chiều, đi lùi, dừng đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định vẫn diễn ra phổ biến và đây cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT trên cao tốc. Từ thực tế này, ông Tuấn kiến nghị: “Cần tăng nặng hình thức xử phạt với các đối tượng vi phạm, đồng thời hình sự hóa một số hành vi có tính chất uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng con người, ví dụ cho xe chạy ngược chiều...”.

 “Em hồn nhiên vì em vẫn bình yên” (Bình luận của nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông)

Liên tiếp các vụ hồn nhiên dừng xe tổ chức ăn uống ngay trên đường cao tốc, bất chấp sự nguy hiểm của người tham gia giao thông xảy ra trong thời gian vừa qua là một chỉ dấu cho thấy người dân chưa thực sự có thói quen sử dụng đường cao tốc.

Việc hồn nhiên dừng xe trái quy định trên đường cao tốc không đơn thuần phản ánh ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông đường bộ. Bởi pháp luật, suy cho cùng là những quy ước được văn bản hóa và ý thức tuân thủ là các thói quen được hình thành dựa trên các khái niệm độc lập và sự thấu hiểu của người dân. Khi người dân thấu hiểu về công năng, và cơ chế vận hành của đường cao tốc, họ mới thực sự có một thói quen sử dụng đường cao tốc một cách hiệu quả và an toàn.

Đường cao tốc ở VN mới chỉ thực sự trở nên phổ biến trong vài năm trở lại đây. Các nguyên tắc sử dụng cao tốc mới chỉ được phổ biến tới dân chúng thông qua kinh nghiệm lái xe, với tính chất là trải nghiệm cá nhân. Trường hợp bị xử phạt vì lỗi dừng đỗ trái quy định trên cao tốc để ăn uống của một gia đình hôm mùng 2 tết vừa qua là trường hợp đầu tiên được truyền thông. Vì thế, việc sau đó liên tiếp có các hành vi vi phạm tương tự cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Đảm bảo an toàn giao thông là một công việc mà vai trò của việc tuyên truyền nhận thức là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, việc truyền thông về an toàn giao thông trên cao tốc còn rất sơ khai. Thậm chí, chưa có bất cứ một bộ tài liệu, cẩm nang đầy đủ nào để làm căn cứ truyền thông một cách có bài bản.

tình trạng nhờn luật của một số người tham gia giao thông xuất phát từ việc xử lý của lực lượng chức năng không nghiêm.

Đường cao tốc là một sản phẩm hạ tầng hiện đại của giao thông đường bộ. Đồng nghĩa với đó là phục vụ các nhu cầu hành trình của người dân tốt hơn, tiện nghi hơn, thoải mái hơn. Tuy nhiên, các tuyến cao tốc hiện nay của chúng ta mới chỉ đáp ứng được việc di chuyển nhanh hơn, trong khi các tiện nghi của nó như hệ thống trạm dừng nghỉ còn rất sơ khai.

Rất nhiều tuyến cao tốc còn chưa có trạm dịch vụ. Trong khi đó, hạ tầng đường cao tốc cần không chỉ cần các trạm dịch vụ, mà còn là những điểm dừng nhỏ để người ta có thể nghỉ ngơi, thư giãn, vệ sinh, ngắm cảnh, thậm chí là tổ chức ăn uống tự do.

Những tuyến đường cao tốc hoàn chỉnh trên thế giới, xen lẫn các trạm dịch vụ còn có những điểm cắm trại, những điểm dừng nhỏ để lái xe có thể vệ sinh, rửa mặt, thậm chí là dừng lại hút thuốc, hoặc đơn giản là ngả lưng.

Những điểm dừng như thế rất khác với các trạm dịch vụ bởi quy mô nhỏ, cự ly gần để khi có nhu cầu là có thể dừng lại ngay, mà lại không bị làm phiền vì quá đông đúc. Cao tốc ở VN cơ bản đều thiếu các tiện nghi này, trong khi nhu cầu của người sử dụng thì luôn có.

Việc thiếu các tiện nghi cần thiết của đường cao tốc không phải lý do để biện hộ cho các hành vi hồn nhiên dừng đỗ, sinh hoạt trên đường cao tốc của nhiều người. Song, khi mà những nhu cầu có thật không được đáp ứng, trong khi khả năng giám sát để nhắc nhở, xử lý lại bị hạn chế, việc tặc lưỡi để vi phạm sẽ tiếp tục còn xuất hiện trên các tuyến cao tốc VN.

Người tham gia giao thông trên cao tốc sẽ vẫn còn hồn nhiên khi mà họ vẫn còn bình yên với sự hồn nhiên ấy, khi mà các vụ tai nạn bởi hồn nhiên vẫn chỉ là hãn hữu, và khi mà các chủ đầu tư đường cao tốc vẫn hồn nhiên cung cấp dịch vụ mà không cần đáp ứng các nhu cầu của người sử dụng.

Theo Phạm Trung Tuyến; Quách Đồng; Hải Hà - Kênh VOV Giao thông

 

Bình luận

    Chưa có bình luận