Những 'chiến sĩ thông tin' nơi tuyến đầu

Sẵn sàng lên đường bất kể ngày đêm

 

Sẵn sàng lên đường bất kể ngày đêm, lao vào vùng dịch, họ không chỉ phản ánh tình hình dịch Covid-19 mà còn ghi nhận những câu chuyện chân thực về các y, bác sĩ, cán bộ y tế, chiến sĩ công an, cán bộ địa phương, lan tỏa thông điệp về tình đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm khống chế và chiến thắng dịch bệnh.

Sức ép lớn về thông tin

Chúng tôi trò chuyện với nhà báo Việt Anh của Báo Bắc Ninh khi anh mới tác nghiệp vùng dịch về. Việt Anh chia sẻ, đưa tin chân thực về tình hình dịch bệnh là trách nhiệm của các tòa soạn và nhà báo. Bởi thế, những ngày cao điểm, chỉ cần nhận được thông tin mới về tình hình dịch bệnh, các phóng viên ngay lập tức có mặt tại hiện trường, dù là ngày hay đêm.

Tác nghiệp trong vùng dịch, Việt Anh và nhiều phóng viên khác có thể gặp rủi ro nhiễm Covid-19. Ngoài áp lực công việc, Việt Anh phải mang trên mình đồ bảo hộ “kín mít” để tránh nguy cơ lây nhiễm. Toàn bộ trang thiết bị như máy quay, máy ảnh, micro... thường xuyên phải khử khuẩn. Nhiều lúc phải đứng cách xa hàng mét để phỏng vấn.

Nhiều nhân vật chỉ có thể trao đổi qua những cuộc điện thoại vào lúc nửa đêm - khi họ tranh thủ thời gian nghỉ ngơi ít ỏi để chia sẻ về công việc…

Dịch bệnh đợt này vô cùng nguy hiểm, nên Việt Anh và nhiều phóng viên khác luôn luôn tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh... Vất vả, rủi ro là vậy, nhưng Việt Anh và nhiều phóng viên vẫn hăng say, hứng thú khi có được tin, bài, hình ảnh chân thực nhất về tình hình vùng dịch, về các y bác sĩ, tình quân dân, quyết tâm phòng chống dịch bệnh của các cấp, các ngành.

Nhà báo Việt Anh tác nghiệp trong khu cách ly tại một bệnh viện.

Chỉ riêng tháng 5/2021, nhà báo Việt Anh đã có hơn 120 tin, bài, ảnh, clip về công tác phòng, chống dịch tại Bắc Ninh. Tiêu biểu như chùm phóng sự đa phương tiện (gồm tin, bài, ảnh, clip) tại tâm dịch khu phố Thượng, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh - nơi ghi nhận hơn 200 ca mắc Covid-19. “Với những nỗ lực ngày đêm của chính quyền địa phương tỉnh Bắc Ninh và Ban Chỉ đạo Quốc gia, đến nay tình hình dịch bệnh tại Bắc Ninh đã cơ bản được kiểm soát, nhưng sự tận tụy, hy sinh của các lực lượng tuyến đầu sẽ mãi lưu lại trong tâm trí chúng tôi.

Đó là hình ảnh đôi mắt thâm quầng, rơm rớm của một bác sĩ khi chia sẻ về quá trình điều trị bệnh nhân; hình ảnh cô y tá dỗ con qua màn hình điện thoại khi con khóc đòi mẹ; hình ảnh bên lề hội nghị khi Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan thở dài “Năm nay con thi Đại học mà mẹ hơn 1 tháng chưa về nhà!”; hình ảnh những chiến sĩ gặt lúa giúp các gia đình đang cách ly…”, Việt Anh tâm sự.

Cũng tác nghiệp trong tâm dịch lớn nhất của cả nước, nhà báo Thu Phong, Báo Bắc Giang có mặt tại 3 ổ dịch lớn: Ổ dịch xã Phương Sơn (huyện Lục Nam), ổ dịch KCN Vân Trung, ổ dịch KCN Quang Châu (huyện Việt Yên).  Khó khăn ập đến với Thu Phong khi nhiều cơ sở từ chối gặp với lý do là phóng viên đi nhiều nơi “nhạy cảm”, tiếp xúc với nhiều ca nghi nhiễm, hoặc bị nhiễm có thể mang mầm bệnh đến cho họ. Thu Phong đã phải thuyết phục là đã chuẩn bị các biện pháp phòng vệ như tiêm vaccine 2 mũi và có đủ đồ bảo hộ như bác sĩ. 

“Tôi còn nhớ, vào một buổi tối khi tác nghiệp ở xã Phương Sơn, anh Đoàn Văn Thắng, Phó Chủ tịch xã có đưa một lá thư của một em học sinh lớp 4 ở Hà Nội (quê mẹ ở xã Phương Sơn) ủng hộ 5 triệu đồng cho xã. Lúc đó, anh Thắng chia sẻ, tấm lòng của cháu nhỏ hướng về quê hương thật đáng quý.

Bức thư này đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi trong cuộc chiến cam go, đầy thử thách để đẩy lùi dịch bệnh. Rồi cũng chính mẹ của em này đã kết nối Hội anh chị em yêu Hoa Lan Việt Nam ủng hộ 3 tỷ đồng cho xã…”. Những câu chuyện đó là tư liệu, chi tiết được Thu Phong sử dụng trong bài viết, chuyển tải những tình cảm ấm áp, nghĩa cử cao đẹp của nhân dân cả nước với người dân vùng dịch. 

Nhóm phóng viên VOV2 tại nhà văn hóa thôn Núi Hiểu (Việt Yên, Bắc Giang).

Là một trong những phóng viên nhiều lần được cử đi tác nghiệp tại những điểm nóng trong 4 đợt dịch, nhà báo Thu Trang, Trưởng phòng Phòng Y tế, Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2), Đài Tiếng nói Việt Nam, chia sẻ: Chiều 19/5, khi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Bắc Giang thông tin, có thể tất cả công nhân trong khu công nghiệp đã mắc Covid-19 thì lãnh đạo Ban đã giao nhiệm vụ cho nhóm phóng viên theo dõi y tế là 6h-6h30 tối phải có một phiên livestream về tình hình thực tế tại tâm dịch Bắc Giang.

Nhận “lệnh” lúc 3h chiều, khoảng 30 phút sau cả nhóm lên đường đến Bắc Giang. Nhận thức được sự vất vả và những rủi ro khi tác nghiệp, nhất là ở đợt dịch thứ 4 này tốc độ lây nhiễm cực nhanh, khi làm việc với các cán bộ Trung tâm Y tế huyện Việt Yên, cán bộ y tế thôn Núi Hiểu, nhóm của Thu Trang vẫn “giật mình” khi biết về tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 trong số các mẫu xét nghiệm. Chiều tối 19/5, nhóm của Thu Trang thực hiện livestream tại thôn Núi Hiểu - điểm nóng nhất về dịch bệnh tại huyện Việt Yên.

Khoảng 6h30 tối, trên đường đi vào thôn, nhóm phóng viên không khỏi bàng hoàng khi thấy mọi thứ ở đây khác xa những hình ảnh mình đã từng xem trên các phương tiện truyền thông. Cả một khoảng sân lớn trước nhà văn hóa thôn dày đặc bóng những cán bộ y tế trong bộ đồ bảo hộ màu trắng di chuyển tất bật và hàng trăm công nhân và người dân đứng xếp hàng chờ để lấy mẫu xét nghiệm lần 2. “Trong lần tác nghiệp đó chúng tôi đã không thể quên hình ảnh các y bác sĩ nằm vật dưới sàn nhà, bậc cầu thang hay ngủ ngục ngay trên ghế. Khi máy quay hướng đến những hình ảnh đó, nước mắt và mồ hôi hòa vào nhau khiến mắt tôi cay xè”, Thu Trang chia sẻ.

Trong 2 ngày 18, 19/5 nhóm của Thu Trang đã thực hiện 3 phiên livestream. Phiên livestream lúc 6h30 tối tại thôn Núi Hiểu đã thu hút lượt xem, lượt share khá lớn. “Sau khi livestream được 1 tiếng, cả 3 chúng tôi đều cảm thấy rất mệt, chúng tôi ngồi bệt ngay xuống sân nhà văn hóa để thở vì có cảm giác như mình bị rút kiệt sức. Nhưng chưa kịp nghỉ ngơi bao lâu thì điện thoại đổ chuông. Chúng tôi nhận nhiệm vụ tiếp theo: Thực hiện 1 phiên livestream nữa tại cổng của Công ty Hosiden Việt Nam - khu công nghiệp xuất hiện ca đầu tiên tại Bắc Giang. Ngày hôm đó chúng tôi làm từ chiều đến đêm mà không kịp ăn uống gì, về đến nhà đã là gần 12 giờ đêm...”, Thu Trang tâm sự.

Yêu nghề, chấp nhận rủi ro

Theo phóng viên Thu Trang, khi được yêu cầu đi tác nghiệp trong vùng dịch Covid-19, ai cũng có những băn khoăn, lo lắng - cho dù có đầy đủ đồ bảo hộ. “Thế nhưng khi đã nhập cuộc, đôi khi chúng tôi cũng quên mất phải đảm bảo an toàn cho chính mình. Những nguyên tắc nằm lòng như: Nên giữ khoảng cách với người được phỏng vấn là 2m, không nên đứng thẳng mà nên đứng chếch với người được phỏng vấn, thế nhưng không phải lúc nào những nguyên tắc này cũng được tuân thủ một cách tuyệt đối. Thường thì khi trở về với gia đình những lo lắng mới bắt đầu xuất hiện” - Thu Trang chia sẻ. 

Ngày 7/5, Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) bị phong tỏa. Ngay buổi chiều hôm đó, nhóm Thu Trang đã thực hiện một phiên livestream tại cổng bệnh viện. Để có nhân vật xuất hiện trong buổi livestream, nhóm PV đã phải tiếp xúc với một số bệnh nhân, rồi thuyết phục họ tham gia buổi livestream đó.

Lúc ấy, phóng viên phải đứng trò chuyện ở khoảng cách rất gần, bởi nếu đứng xa họ sẽ cảm thấy mình đang sợ họ. “Thực sự lúc đó tôi không nghĩ nhiều đến sự nguy hiểm, thế nhưng khi về tới nhà thì thực sự cảm thấy rất mệt và chợt giật mình vì đã tiếp xúc quá gần với người bệnh. Về nhà chúng tôi cũng không có điều kiện để cách ly, bởi vì sinh hoạt chung với người thân trong diện tích nhỏ hẹp thì sự va chạm với nhau là điều không thể tránh được nên cũng có lúc tôi khá lo lắng. Thế nhưng rất mừng là đến thời điểm này tất cả phóng viên đi vào vùng dịch của VOV2 đều an toàn...”, Thu Trang nói. 

Còn nhà báo Thu Phong chia sẻ, ban đầu khi nhận nhiệm vụ xâm nhập vào các ổ dịch để lấy thông tin trong thâm tâm tôi cũng lo ngại việc lây nhiễm, lo ảnh hưởng đế bản thân và gia đình, nhưng khi đến tận nơi chứng kiến những việc làm của nhân dân địa phương, cấp chính quyền, các cấp đoàn thể thì tôi tan biến hết lo sợ. Thu Phong tự nhủ, mình chỉ ở trong vùng dịch thời gian rất ngắn so với cán bộ, nhân dân, khi họ từ ngày này qua ngày khác, thức bao đêm mệt mỏi, rã rời,… “Vì thế không cớ gì mà mình lại e ngại, như thế thì cuộc chiến chống Covid-19 của địa phương sẽ khó đạt được kết quả như mong đợi...”, Thu Phong nói. 

Sau những quyết tâm cao, tình hình dịch Covid-19 ở Bắc Ninh đã được kiểm soát, Bắc Ninh đang cân nhắc nới lỏng các biện pháp chống dịch; đầu tuần này tình hình dịch Covid-19 ở Bắc Giang đã được kiểm soát. Với những người làm báo, họ cảm thấy tự hào khi được góp sức vào mặt trận phòng, chống dịch, được đồng hành với những lực lượng nơi tuyến đầu, được tới và trải nghiệm cuộc sống của những người trong khu cách ly, vùng phong tỏa, được trò chuyện tìm hiểu và sẻ chia với những người chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.





 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận