Ngày 1/4, tại buổi tọa đàm trực tuyến “Thực hành tâm linh: Cách nào tránh u mê?” do báo Đại đoàn kết tổ chức, với sự tham gia của các vị khách mời ở Hà Nội đã phân tích và hướng dẫn về cách để người dân có thể tránh bị sa vào bẫy u mê tâm linh.
Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: Theo Hiến pháp 2013, mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tất cả tôn giáo đều bình đẳng. Tín ngưỡng dân gian, dù là đạo Phật hay nhiều tôn giáo khác, thì triết lý quan trọng bậc nhất vẫn là hướng thiện. Điều đáng tiếc, ngày nay, tính thực dụng đã chen cả vào chốn thờ tự, đó là tục dâng sao giải hạn, trần tục hóa lễ hội, tranh nhau xin ấn, cướp lộc… Dòng người đổ xô đến chùa, đền phủ ngày càng mang màu sắc thực dụng, xin xỏ Phật, xin xỏ thần linh. Rõ ràng những biến tướng trong thực hành tín ngưỡng, tôn giáo là sự thật. Nhiều nơi tổ chức lễ hội chỉ nhằm được lợi.
Liên quan đến nội dung “giải nghiệp”, “tạo phúc”, Thượng tọa Thích Minh Quang cho rằng, nếu muốn giải nghiệp cho tổ tiên thì phải hồi hướng, làm nhiều điều tốt. Còn việc dùng tiền để giải nghiệp thì không phù hợp với giáo lý nhà Phật.
Thượng tọa Thích Minh Quang nhấn mạnh, u mê trong tín ngưỡng, đặc biệt vấn đề trục lợi tâm linh là việc làm tội lỗi, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống mà còn hủy hoại tư tưởng, tình cảm tâm hồn của chúng ta: “Đức Phật luôn dạy đó là “duy tuệ thị nghiệp”, hãy lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Hãy phân biệt đâu là đúng, đâu là sai, đâu là chính, đâu là tà để mình theo tâm an và mình bớt đi những nỗi khổ niềm đau. Đức Phật luôn dạy là đi theo con đường chính tín đến chân chính. Khi chúng ta có nhận thức chân chính thì sẽ có tư duy chân chính, khi có tư duy chân chính thì sẽ có hành động chân chính, có hành động chân chính rồi thì chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho mình cho người trong cộng đồng xã hội”.
Theo nhà sử học Lê Văn Lan, Tôn giáo và tín ngưỡng đều hướng con người tới việc làm điều thiện, tránh điều ác, thực hành tâm linh là để giúp con người đạt tới an lạc, hạnh phúc. Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà pháp luật không cấm. Thực hành tâm linh là nhu cầu tự thân và đáng tôn trọng của mỗi người, tuy nhiên có những người đi vào mê lầm, rơi vào vòng xoáy của mê tín dị đoan.
“Ngôn ngữ của đạo Phật nhấn rất kỹ về chữ “tuệ”, đó là tuệ giác, tuệ tâm, thậm chí là cái nhìn thôi thì cũng phải là tuệ nhãn. Tôi rất mong mọi người đề cao và nhắc nhở mình và tự rèn luyện cho mình chữ tuệ trong tất cả các lĩnh vực. Chúng ta nên tỉnh táo bình tĩnh sáng suốt để lựa chọn việc đi lễ thế nào để cho nó phù hợp với lợi ích của cả tâm linh, của cả thân xác chúng ta, của cả sự an toàn của cả sự phát triển xã hội”./.
Kim Thanh/VOV1