Phân loại rác thải tại các thành phố lớn: Yêu cầu bức thiết

Việc phân loại rác thải tại nguồn góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về việc bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm môi trường.

Người dân TP.HCM ủng hộ phân loại rác thải

Từ ngày 24/11/2018, TP.HCM đã yêu cầu các hộ gia đình phân loại rác thải trước khi chuyển cho đơn vị thu gom, vận chuyển.

Bà Đào Thị Thoa, phường 8, quận Phú Nhuận TP.HCM cho biết, trước khi thành phố yêu cầu các hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải, người dân đã được UBND phường phối hợp cùng Phòng TN&MT quận tuyên truyền về ý nghĩa của việc làm. Theo đó, việc phân loại rác thải tại nguồn góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về việc bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm môi trường, tạo nguồn hữu cơ sạch sản xuất phân bón dùng trong nông nghiệp, tái sinh năng lượng và tiết kiệm chi phí vận chuyển, xử lý rác. Người dân được hướng dẫn cách phân biệt hai loại rác: rác thải hữu cơ gồm rau, củ, quả, thức ăn thừa, xác động vật… bỏ riêng một bao, các loại rác thải còn lại bỏ chung một bao.

Do được tuyên truyền từ trước, gia đình bà Thoa cùng các hộ dân phường 8 thực hiện khá tốt việc phân loại rác thải tại nhà. “Môi trường của chúng ta đang ngày càng ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của từng người. Vì thế, trước việc làm ý nghĩa này tại sao mình không ủng hộ. Bảo vệ môi trường không phải là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nào mà là của từng người dân. Nếu không, chỉ khổ con cháu mình thôi” - bà Thoa bày tỏ. 

Chị Lê Thùy (quận Bình Thạnh) cho biết: “Hôm UBND phường tổ chức tuyên truyền về phân loại rác thải, nhà tôi đi vắng nên tôi phải tự tìm thông tin trên mạng để biết cách phân loại rác thải. Ngoài tuyên truyền ở trụ sở UBND, phường nên phát tờ rơi đến từng hộ dân để thông tin đến với từng người. Ngay cả việc xử phạt những người vi phạm trong việc phân loại rác thải, với những người trẻ hay đọc báo chí còn biết thông tin chứ những ông bà già ở nhà họ không nắm được, đùng một cái xử phạt thì họ sẽ không tâm phục khẩu phục. Hơn nữa, khi đã yêu cầu người dân phân loại rác thải thì những người đi thu gom rác phải thực hiện nghiêm túc, rác nào cho lên xe ấy, chứ nếu họ làm đại khái, chẳng hạn khi thùng rác này đầy thì số rác kia cho hết lên xe còn lại sẽ làm cho người dân không còn tin tưởng vào việc mình làm nữa. Lúc đó có tuyên truyền họ thực hiện cũng khó”.

Người dân Hà Nội chờ đợi chủ trương

Trước việc TP.HCM thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt người dân Thủ đô cũng ngóng chính sách từ thành phố.

Bà Lê Thanh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, thời đại công nghệ, rác thải từ những đồ điện tử khá nhiều. Thế nhưng do thành phố không thực hiện phân loại rác thải nên người dân dù biết những loại rác thải điện tử gây ô nhiễm môi trường nặng nề, nhưng vì không biết bỏ đâu, họ đành bỏ luôn vào thùng rác. Điều này vừa gây lãng phí về nguồn nguyên liệu tái chế, vừa ảnh hưởng đến môi trường sống. Mong rằng Hà Nội sớm theo bước TP.HCM.

Chị Nguyễn Thủy, nhân viên thu gom rác quận Long Biên chia sẻ: “Tất cả các loại rác đều được người dân bỏ vào túi nilon đem đổ vào thùng rác. Chúng tôi thường nhặt nhạnh đồ nhựa hay nhôm, sắt thép bán cho đồng nát, số còn lại được đưa hết lên xe chở rác đổ ra nơi tập kết.

TP.Hà Nội đã từng thí điểm mô hình 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) phân loại rác tại nguồn. Đó là những năm 2006-2009, với sự tài trợ của tổ chức JICA (Nhật Bản), Hà Nội thí điểm phân loại rác thải 3R tại một số phường. Tại những nơi thực hiện thí điểm, số lượng rác thải đi chôn lấp giảm khoảng 30%. Thế nhưng, khi dự án kết thúc, thành phố cũng dừng thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (DN tái chế rác thải) cho rằng, ở giai đoạn đầu, khi yêu cầu người dân thực hiện phân loại rác thải, người dân còn nghi ngại tính khả thi thì các cơ quan quản lý cần tăng cường tuyên truyền về tính hiệu quả của dự án cũng như những lợi ích mà dự án đem lại. Theo ông Thiền, để tái chế rác thải hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường, DN phải đầu tư dây chuyền hiện đại với chi phí lớn. Vì thế, thời gian đầu, Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ chứ dựa vào đóng góp của người dân thì không đủ.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cc Mi trường, sau TP.HCM thì Hà Nội và Đà Nẵng nên triển khai thực hiện. Để thay đổi một thói quen đã có từ lâu không dễ nên thời gian đầu, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền cho người dân thấy rõ tính hiệu quả của dự án, đặc biệt nên có quy định theo hướng người gây ô nhiễm phải trả tiền. Nếu thực hiện tốt quy định này,đảm bảo rác sẽ sạch từ nhà ra đường phố.

Thống kê của Bộ TN&MT, tổng lượng chất thải rắn (CTR) của cả nước mỗi năm ước tính 28,5 triệu tấn, trong đó CTR sinh hoạt khoảng 19 triệu tấn/năm. 2 thành phố lớn là Hà Nội, lượng CTR sinh hoạt lên đến gần 7.000 tấn/ngày, TP.HCM gần 8.000 tấn/ngày.

Theo chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, khoảng 80% lượng rác thải sinh hoạt phải được thu gom và xử lý đảm bảo các yêu cầu về môi trường, trong đó đẩy mạnh việc xử lý tái chế rác thải thành phân hữu cơ vi sinh hoặc đốt rác để phát điện.

Khoản 4, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định: không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng, không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận