Liên tiếp 2 đợt mưa lũ vừa qua tại tỉnh Khánh Hòa đã làm 19 người chết, gần 30 người bị thương.
Tối ngày 26/11, sau 8 ngày kể từ buổi sáng kinh hoàng 18/11, gây sạt lở làm chết và bị thương hơn 20 người tại xóm Núi, thôn Thành Phát; bà Trần Thị Hoa, Phó trưởng thôn vẫn chạy đôn, chạy đáo lo phân phát cứu trợ các hộ dân bị nạn. Trải qua 2 đợt ảnh hưởng mưa bão, mưa to, gây sạt lở, gần 100 căn nhà ở xóm Núi bị sập, hơn 20 người chết và bị thương. Những người sống sót lâm cảnh trắng tay.
Mọi người ở xóm nghèo này không bao giờ quên buổi sáng định mệnh ngày 18/11, trời mưa lớn, những dòng suối cạn nước dâng cao, chảy xiết, lũ dữ mang theo đá tảng từ trên núi đổ xuống vùi lấp khu dân cư. Mưa tối trời, đường sá ngập sâu, lực lượng chức năng không thể tới ứng cứu được. Ngay lúc đó, 4 cán bộ thôn Thành Phát đã dũng cảm ngược lên núi kêu gọi, hò hét mọi người chạy thoát thân. Nhiều người tìm mọi cách để quăng dây thừng, can nhựa cho người bị cuốn trôi bấu víu thoát chết, có người lao xuống dòng nước dữ cứu người. Bà Trần Thị Hoa may mắn không bị thương nặng, còn 3 cán bộ thôn khác đều bị thương khi chạy đi cứu người.
Sau trận lũ dữ, nhiều gia đình mất nhà, mất người thân. Nhà cửa bị trôi, nhà văn hóa thôn trở thành nơi làm đám tang cho các nạn nhân xấu số. Hàng trăm người sống chỉ còn bộ quần áo mặc trên người. Các cán bộ thôn lại tổ chức tiếp nhận, phân phát các chuyến hàng cứu trợ giúp bà con có thức ăn, nước uống, quần áo mặc trong những ngày sau mưa lũ. Bà Phạm Thị Thực, một nạn nhân thoát chết chia sẻ: “Nước chảy xiết không thể nào đỡ được. May mà tổ dân phố cứu chúng tôi xuống đây chứ không thì chết hết”.
Các cán bộ thôn Thành Phát lập danh sách hỗ trợ người dân sau mưa lũ
Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong đợt mưa lớn ngày 18/11 vừa qua, khi nhân viên trực Tổng đài 115 nhận được yêu cầu trợ giúp, các bác sĩ trực đã điều động tổ cấp cứu lên đường. Họ kịp thời có mặt tại khóm Phương Mai, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang nhanh chóng cứu hộ. Khi xe cấp cứu quay ra, đường đã ngập sâu, nước lên ngang xe cấp cứu. Các bác sĩ trong đội cấp cứu buộc phải đập vỡ kính xe, đưa người bệnh ra khỏi xe để sơ cấp cứu.
Nhờ xử trí kịp thời, các bác sĩ cấp cứu đã nhanh chóng đưa bệnh nhân thoát khỏi dòng nước lũ, cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, lúc đó nước dâng tới ngực, các bác sĩ cấp cứu được người dân hỗ trợ, bất chấp nguy hiểm cứu nạn thành công nhiều trường hợp.
Các bác sĩ cấp cứu bất chấp nguy hiểm đưa bệnh nhân ra khỏi vùng nước lũ
Chỉ trong tháng 11 năm nay, tỉnh Khánh Hòa liên tiếp chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão số 8, số 9. Các lực lượng quân đội đã nhanh chóng triển khai lực lượng ứng cứu nhân dân. Thiếu tá Lê Văn Danh, Đại đội thiết giáp 74 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong lúc di chuyển vào vùng sạt lở, kíp xe thiết giáp DM2 gặp tình huống người dân bị đau tim và suy hô hấp nhưng không có cách nào để tới bệnh viện. Kíp xe đã nhanh chóng chở người bị nạn đi cấp cứu. Trên xe, các chiến sĩ tập trung sơ cứu bệnh nhân, có chiến sĩ đưa tay vào miệng khi người bệnh có dấu hiệu cắn lưỡi khiến tay bị người bệnh cắn rướm máu.
Mới đây, trong lúc cứu hộ tại khu vực sạt lở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, kíp xe thiết giáp DM2 đã đưa một sản phụ sắp sinh đến bệnh viện kịp thời khi các tuyến giao thông bị chia cắt. Thiếu tá Lê Văn Danh bộc bạch, khi nhìn thấy tình hình cấp bách, nhất là sinh mạng con người bị đe dọa thì dù chúng tôi đi làm nhiệm vụ vẫn ưu tiên cứu người là trên hết.
Thành phố Nha Trang trời đã hửng nắng, nước xuống thấp. Nhiều người dắt díu nhau trở về nhà. Họ bắt tay vào dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, ổn định cuộc sống. Những câu chuyện giàu lòng nhân ái, đùm bọc lẫn nhau trong hiểm nguy, hoạn nạn được bà con vùng mưa lũ kể lại với bao ấm áp nghĩa tình đồng bào./.