Nhằm đảm bảo cho người dân cả nước có một mùa lễ hội vui tươi, an toàn, lành mạnh, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong mùa lễ hội 2021.
Nhiều giải pháp
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 09/12/2020 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2021; Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 5/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc hạn chế tổ chức các lễ hội, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) cho biết, Bộ đã thành lập các đoàn kiểm tra về công tác triển khai thực hiện Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong hoạt động lễ hội tại một số địa phương. Qua kiểm tra, các địa phương đều thực hiện công tác phòng, chống dịch thuộc lĩnh vực VH-TT&DL, dừng các lễ hội chưa khai mạc và giảm các hoạt động phần hội đang diễn ra ở địa phương như: lễ hội Tịch điền (Hà Nam), Hội Lim (Bắc Ninh), lễ Khai ấn Đền Trần (Nam Định), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội bánh dân gian Nam bộ, Festival Trà Thái Nguyên...
Bộ VH-TT&DL cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức các phương án về đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động, khách du lịch, người tham gia hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, khách tham quan bảo tàng và các di sản văn hóa, người tham gia lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh trên các pa-nô, bảng hướng dẫn, tờ rơi, loa phát thanh… cho nhân dân tại các điểm du lịch; bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; các cơ sở hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; địa điểm tổ chức lễ hội. Thực hiện biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức lễ hội để đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh.
Cũng theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục Văn hóa cơ sở đã đưa ra đề xuất cần phân nhóm các địa phương để thực hiện các giải pháp phù hợp. Cụ thể, đối với các tỉnh tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm thấp, các giải pháp được quán triệt gồm: Thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110, đặc biệt cần thống kê, phân loại lễ hội các cấp để có biện pháp quản lý phù hợp; Giảm quy mô, thời gian tổ chức lễ hội, thay đổi hình thức tổ chức các hoạt động hội trong lễ hội; Đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế, yêu cầu bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động lễ hội, tham quan di tích; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân và du khách trong việc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội, phòng chống dịch bệnh Covid-19; Phối hợp với sở y tế và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách; tổ chức tập huấn các biện pháp phòng dịch.
“Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch tại các di tích gắn với hoạt động lễ hội. Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm... luôn là những giải pháp cần thiết, phải được thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời có những giải pháp ứng phó hiệu quả”.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL
|
Các địa phương chủ động chọn phương án phù hợp
Tại Hà Nội, từ ngày 19/1, đoàn kiểm tra của Bộ VH-TT&DL đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị mùa lễ hội xuân Tân Sửu 2021 và kiểm tra tình hình thực tế tại khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội).
Qua kiểm tra, đoàn công tác ghi nhận sự chủ động, vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và Ban quản lý (BQL) di tích, Ban tổ chức (BTC) lễ hội Chùa Hương. Mùa lễ hội năm 2021 được kỳ vọng sẽ diễn ra trong bối cảnh thuận lợi, an toàn và chủ động các phương án sẵn sàng ứng phó nếu đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
“Các phương án cụ thể đã được đưa vào kế hoạch, với những tình huống kèm theo giải pháp ứng phó. Sự chủ động này sẽ giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong bối cảnh đặc thù không ai mong muốn này”, ông Lê Văn Trang, Phó Chủ tịch huyện Mỹ Đức chia sẻ.
Hiện nay BQL di tích, BTC lễ hội Chùa Hương đã cho lắp đặt gần 40 biển tuyên truyền cổ động trực quan dọc hai bên bờ suối Yến với nội dung tăng cường phòng chống dịch Covid-19. Công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội cũng đã được lên kế hoạch sẵn sàng.
UBND tỉnh Nam Định đã quyết định dừng tổ chức lễ hội Khai ấn đền Trần năm 2021 để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Theo UBND tỉnh Nam Định, dừng lễ khai ấn đền Trần nhưng nghi thức khai ấn truyền thống của các cụ cao niên phường Lộc Vượng vẫn sẽ được tiến hành. Ngoài ra, Nam Định cũng quyết định dừng tổ chức chợ Viềng xuân năm 2021.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất tinh thần, bảo đảm mọi nhà, mọi người vui xuân, đón Tết; thực hiện đầy đủ, hỗ trợ kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với gia đình chính sách, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đảo Phú Quý, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở các vùng bãi ngang ven biển,…
Ở nhiều địa phương khác trên cả nước, các biện pháp quản lý, tổ chức lễ hội đảm bảo an toàn, lành mạnh cùng phương án ứng phó chủ động, sẵn sàng với điều kiện dịch bệnh bùng phát, cũng đang được triển khai mạnh mẽ, đảm bảo cho người dân một mùa lễ hội xuân vui vẻ, an toàn./.