Sự cần thiết để lắp đặt các phòng vắt, trữ sữa là một trong những vấn đề được quan tâm tại Hội thảo công bố “Kết quả khảo sát đời sống gia đình công nhân lao động và tình hình hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với sự hỗ trợ của Alive & Thrive tổ chức sáng 8/12, tại Hà Nội.
Kết quả khảo sát trong 1.000 công nhân lao động, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện công đoàn cơ sở tại 20 doanh nghiệp thuộc 10 tỉnh/thành phố do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện, cho thấy: trên 98% người lao động tham gia hài lòng và gắn bó hơn khi làm việc tại doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tốt và ủng hộ quy định “Mỗi doanh nghiệp nên có tối thiểu một phòng vắt, trữ sữa”. 95% đại diện doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng ý rằng doanh nghiệp hoàn toàn có thể chi trả được chi phí trung bình cho việc thiết lập một phòng vắt, trữ sữa ở khoảng 15-20 triệu đồng.
Việc thiết lập cabin vắt trữ sữa tại nơi làm việc là biện pháp thiết thực nhằm đảm bảo cho lao động nữ vừa làm tròn vai trò người mẹ mà vẫn đảm bảo tốt công việc. Nghị định 85/2015/NĐ-CP ngày 1/10/2015 của Chính phủ quy định, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi sẽ được 60 phút/ngày trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Việc lắp đặt phòng vắt, trữ sữa là việc làm thiết thực của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền lợi lao động nữ và góp phần xây dựng doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đã lắp đặt đầy đủ phòng vệ sinh, phòng tắm, không gian vắt trữ sữa tại nơi làm việc cho lao động nữ nuôi con nhỏ. Các doanh nghiệp cũng đã chú trọng đảm bảo bình đẳng giới trong môi trường làm việc, cải thiện dinh dưỡng bữa ăn cho công nhân, bổ sung chế độ phụ cấp đi lại.
Theo anh Đức Long, Trưởng ban Nữ công Ngân hàng VPBank, việc lắp đặt phòng vắt và trữ sữa nhằm hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp trẻ mạnh khỏe, tiết kiệm được nhiều chi phí như khám, chữa bệnh, mua sữa công thức cho trẻ... Đồng nghĩa với việc giảm số giờ vắng mặt của người lao động do nghỉ chăm con ốm. Từ đó, người lao động toàn tâm, toàn ý với công việc, nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. “Các lao động nữ đã có phản hồi rất tốt khi VPBank có phòng vắt trữ sữa và cho rằng, đây thật sự là một mô hình thiết thực, giúp chị em có thể duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ khi đi làm trở lại. Vì nuôi con bằng sữa mẹ giúp chị em tiết kiệm được chi phí và giúp con phát triển khoẻ mạnh”.
Đánh giá về các biện pháp các công đoàn cơ sở và doanh nghiệp đã thực hiện, bà Phan Thị Hồng Linh, Phó giám đốc Alive & Thrive khu vực Đông Nam Á cho biết, một trong những đầu tư hiệu quả của doanh nghiệp nhằm đảm bảo đời sống gia đình công nhân lao động chính là hỗ trợ lao động nữ duy trì nuôi con bằng sữa mẹ thông qua lắp đặt phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc.
“Trẻ được bú mẹ có nguồn dinh dưỡng tốt nhất, giảm nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và con. Gia đình cũng có thể tiết kiệm được khoảng 12% thu nhập khi không phải mua sữa công thức và giảm rất nhiều chi phí khám chữa bệnh. Nhờ đó mà bố mẹ có thể tập trung vào công tác”, bà Linh giải thích.
Mặc dù đời sống được cải thiện, nhưng một số người lao động vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do hạn chế về thu nhập và kiến thức như vẫn còn tình trạng công nhân nhập cư phải thuê trọ, một số gửi con về quê cho ông bà trông, tình trạng tăng ca, làm thêm giờ, ít có thời gian nghỉ ngơi và tái tạo sức lao động. Một số doanh nghiệp được khảo sát chưa có thời gian và nhân lực để quan tâm sâu sát đến đời sống hôn nhân gia đình của người lao động, một số lao động nữ gặp khó khăn trong phân công công việc nhà, đảm bảo bình đẳng giới và duy trì đời sống hôn nhân lành mạnh, gây ảnh hưởng tới hiệu quả công việc. Điều này đòi hỏi nhiều giải pháp quyết liệt và sáng tạo hơn nữa từ các cấp chính quyền và doanh nghiệp.
Tính đến 5/2020 sau gần 5 năm thực hiện Nghị định 85/2015/NĐ-CP, cả nước có 826 phòng vắt trữ sữa được thiết lập ở 515 cơ quan, doanh nghiệp ở 40 tỉnh và thành phố (năm 2014 chỉ có 70 phòng tại 14 tỉnh thành). 75% doanh nghiệp phản hồi phòng vắt, trữ sữa hoạt động hiệu quả, chỉ 25% doanh nghiệp nhận xét phòng vắt, trữ sữa hoạt động ít hiệu quả hoặc không hiệu quả. |
Chia sẻ về giải pháp nhằm giúp công nhân cải thiện đời sống gia đình, bà Trịnh Thanh Hằng, Trưởng ban Nữ công, Tổng liên đoàn cho biết: “Chúng tôi kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần quan tâm quy hoạch các khu công nghiệp có tính toán đến các dịch vụ phụ trợ phục vụ sinh hoạt vật chất và tinh thần cho công nhân lao động như nhà trẻ, mẫu giáo, nhà ở, nhà văn hóa và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm nghiên cứu ban hành các quy chuẩn về buồng tắm, buồng vệ sinh, phòng vắt trữ sữa để đảm bảo tốt sức khỏe sinh sản và nuôi con bằng sữa mẹ của lao động nữ”.
Tại hội thảo, các đại biểu đều đồng ý sự cần thiết để phát huy và đẩy mạnh các nhóm giải pháp hỗ trợ công nhân nâng cao chất lượng đời sống gia đình, phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ trong đó quan tâm cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ và lắp đặt phòng vắt trữ sữa tại doanh nghiệp, đặc biệt là phát huy những ý tưởng sáng tạo từ công đoàn cơ sở. Nhờ đó, mà họ có thể tập trung và tăng cường hiệu quả công việc./.
L.H