“Cha mẹ độc hại”
Vợ chồng chị Thanh Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) đều là giảng viên trường đại học. Vì thế, anh chị đặt nhiều kỳ vọng vào hai đứa con. 2 năm trước, đứa lớn vào cấp II, anh chị cho con thi vào trường chuyên nhưng cháu không đỗ. Thế là bằng mối quan hệ quen biết, hết học năm lớp 6, anh chị đã cậy cục xin cho con vào một trường chuyên. Anh chị còn vạch sẵn kế hoạch cho con cấp III học trường nào, học đại học ở đâu.
Tuy nhiên, cô con gái sau một thời gian theo học ở trường chuyên, từ một cô bé hoạt bát, cháu biến thành người lầm lì ít nói, không muốn giao lưu với bạn bè, ở nhà cũng chỉ thích ở một mình trong phòng. Thêm vào đó cô giáo chủ nhiệm cho biết, kết quả học tập của cháu ngày càng xuống dốc và cô khuyên chị nên xin cho con về trường thường bởi nếu không theo kịp bạn bè cháu sẽ ngày một chán nản, tự ti. Chị Thủy tìm cách nói chuyện với con, cháu đã khóc mà nói rằng: “Ngay từ đầu con đã nói với bố mẹ là con không muốn vào trường chuyên mà bố mẹ cứ ép con. Vào đấy toàn các bạn học giỏi, ganh đua nhau từng tí điểm một con không theo được. Bố mẹ có đi học đâu mà biết con đến lớp mệt mỏi như thế nào”.
Vợ chồng chị Thủy tưởng là đang giúp con nhưng kỳ thực đã vô tình gây hại cho con khi đặt kỳ vọng vượt quá khả năng của con.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, thành viên nhóm dịch giả tâm lý học tội phạm đưa ra lời khuyên, để tránh được những sai lầm đáng tiếc khi dạy con, cha mẹ nên đọc cuốn Toxic parents (cha mẹ độc hại) của nữ bác sĩ Susan Forward. (đưa ảnh dưới đoạn này. CT ảnh: Cha mẹ cần biết cách phát huy tính cách tích cực của con).
Theo chị Thanh Hằng, trong cuốn sách này, chị thấy có những mẫu cha mẹ mà rất nhiều phụ huynh Việt Nam mắc phải: Đó là mẫu cha mẹ hoàn hảo (giống như vợ chồng chị Thủy): Đặt lên vai con những mục tiêu không khả thi, những kỳ vọng vô lý hay kỳ vọng con đáp ứng mức độ trưởng thành chỉ có được thông qua những trải nghiệm cuộc sống mà ở độ tuổi của chúng chưa có được; Mẫu cha mẹ kiểm soát là người có sự kiểm soát quá đà đối với con cái của mình xuất phát từ sự độc đoán và lo lắng, sự sợ hãi cực đoan và không thực tế; và Mẫu cha mẹ bạo hành. Chị Hằng cho rằng, đừng tưởng bạo hành cơ thể mới gây tổn thương cho trẻ mà bạo hành bằng lời nói từ trực tiếp như miệt thị, chửi trẻ là vô tích sự… đến lời nói gián tiếp như chế giễu, mỉa mai, xúc phạm, sỉ nhục trẻ bằng lời nói hài hước cũng làm tổn thương trẻ sâu sắc. Kiểu bạo hành này làm trẻ nhạy cảm, nhút nhát, hồ nghi, cảm thấy thiếu sót, nguy hiểm hơn là trẻ tin và nội tâm hóa điều cha mẹ nói.
Chị Thanh Hằng nhận xét, hành vi của những phụ huynh trong nhóm “cha mẹ độc hại” vô tình gây những hệ lụy tâm lý nghiêm trọng tới con cái và hệ quả có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới hạnh phúc và thành công của con, đặc biệt khả năng rất cao là con cái họ lại tiếp tục tái lặp một khuôn mẫu độc hại lên thế hệ sau.
Hiểu để phát huy tính cách tích cực của con
Để con có những tính cách tích cực, cha mẹ không những phải gạt bỏ mình ra khỏi những mẫu “cha mẹ độc hại” mà còn phải dành tâm sức để tự sửa mình, bồi dưỡng những tích cách tích cực cho chính mình để làm gương cho con.
Vậy có thể bồi dưỡng cho trẻ những tính cách tích cực nào?
Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Hương Trà, trong nhiều thế kỷ qua, thế giới có sự dịch chuyển về mục đích, ý nghĩa cuộc đời. Từ “succesful life” (sống thành công) chuyển sang “meaningful life” (sống có ý nghĩa). Điều này dẫn tới sự ra đời của “tâm lý học tích cực” - chủ đề do bác sĩ, nhà tâm lý Martin Seligman đưa ra.
Tâm lý học tích cực là tiền đề của giáo dục tích cực và bộ 24 tính cách tích cực. Bộ 24 tích cách tích cực chia làm 6 nhóm như: Nhóm thông thái, nhóm can đảm, nhóm nhân văn, nhóm nhận định, nhóm ôn hòa, nhóm trải nghiệm.
Theo chị Trương Trà, những tính cách tích cực kể trên đều có sẵn ở mỗi đứa trẻ với mức độ mạnh yếu khác nhau. Cha mẹ nên quan sát, đánh giá để biết con mạnh yếu ở nhóm tính cách nào để bồi dưỡng, tạo điều kiện cho con phát triển. Ví dụ, một đứa trẻ ham học hỏi, có tính tò mò, sáng tạo… là đứa trẻ mạnh về nhóm thông thái. Nếu cha mẹ biết khuyến khích và cho trẻ một nền giáo dục tốt trẻ dễ gặt hái những thành công trong học tập. “Cha mẹ không được nóng vội mà cần xác định lộ trình phát triển thiết lập hạn mức thời gian và mục tiêu phải đạt được trong từng giai đoạn” chị Hương Trà nhấn mạnh.
24 tính cách tích cực chia thành 6 nhóm:
Nhóm thông thái: Sáng tạo, tò mò, biết phán đoán, ham học hỏi, nhìn đa chiều; Nhóm can đảm: dũng cảm, kiên trì, trung thực, hăng hái; Nhóm nhận định: Công bằng, khả năng lãnh đạo, làm việc nhóm; Nhóm nhân văn: Sự tử tế, tình yêu thương, tính hòa đồng; Nhóm ôn hòa: bao dung, khiêm tốn, cẩn trọng, kỉ luật; Nhóm trải nghiệm: Khả năng duy mỹ, lòng biết ơn, hy vọng, tính hài ước, sự duy tâm.
|