Dệt may, da giày lao đao vì thiếu nguyên liệu sản xuất

Mặc dù tỷ lệ nội địa hóa cao nhưng nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày vẫn gặp khó khăn nghiêm trọng về nguyên liệu sản xuất.

 

Da giày và dệt may là 2 doanh nghiệp có quy mô khác nhau, thế nhưng, trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì cả 2 ngành đều có điểm chung là thiếu nguyên liệu sản xuất nghiêm trọng. Điều này khiến doanh nghiệp có thể phải giãn sản xuất trong tháng 3 – 4 tháng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây cho biết, Công ty chuyên sản xuất giày lưu hóa, giày thể thao, ép phun với công suất tối đa đạt 120.000 đôi/tháng, tỷ lệ nội địa hóa trên 70% (đế giày, vải thô, lót và một phần PU, một số phụ kiện trang trí, đinh tán). Một số vải đặc chủng như: vải dệt kẻ, vải in hoa... thì vẫn cần nhập khẩu. Do đó, dù tỷ lệ nội địa hóa cao nhưng cũng như nhiều doanh nghiệp da giày khác, công ty đang gặp khó khăn trong vấn đề nguyên liệu.

Thị trường xuất khẩu chính hiện nay là châu Âu, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó, 60% xuất sang thị trường Anh. Dịch bệnh bùng phát mạnh thời gian qua đã ảnh hưởng khá lớn tới hoạt động của công ty, dù nhập khẩu 10% song lại nằm rải rác trong từng chi tiết của đôi giày, nếu không có sẽ không lên thành phẩm được.

Dệt may và da giầy là 2 ngành sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 dẫn đến thiếu nguyên liệu sản xuất.

Trước Tết, công ty đã có kế hoạch nhập khẩu vật tư, song do giáp Tết nên lượng dự trữ chỉ có thể dùng đến 15/3 và việc vật tư về chậm đã khiến công ty giảm nhịp độ sản xuất, có thể từ 15/3 sẽ phải tạm dừng sản xuất khoảng 10 ngày để đợi đáp ứng đủ vật tư, dự kiến 20/3 mới có nguyên liệu để tiếp tục sản xuất.

Ông Tùng quan ngại, khi phát dịch bệnh thì Trung Quốc là thị trường phục vụ đầu vào còn đầu ra lại là Hàn Quốc, do vậy dịch bệnh ở Hàn Quốc khả năng sẽ kéo giảm nhu cầu tại thị trường này.

Mặc dù trong ngắn hạn dịch bệnh chưa tác động nhiều vì các hãng đặt hàng trước 3 - 6 tháng, còn khi phát sinh dịch bệnh, nhu cầu giảm xuống thì đối tác sẽ đánh giá lại nhu cầu tiêu thụ và điều chỉnh lại đơn đặt hàng. Đơn hàng có thể sẽ sụt giảm trong 6 tháng cuối năm, trường hợp xấu hơn, đối tác có thể hủy đơn hàng.

"Nếu đàm phán được với khách hàng thì có thể phải giao hàng bằng đường hàng không, sẽ tăng chi phí. Ngoài ra, nguy cơ thiếu nguyên liệu sẽ dẫn đến việc phải dừng sản xuất, công nhân không có việc làm", ông Tùng nói.

Trước tình hình khó khăn như vậy, ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, vì tháng 2, 3 doanh thu giảm 20-30%, dòng tiền ảnh hưởng nên hạn trả ngân hàng cũng ảnh hưởng, tiền về doanh nghiệp ít hơn nên ảnh hưởng tới trả lãi.

Ngoài ra, lãi suất cũng là vấn đề khó khăn đối với doanh nghiệp bởi khả năng tích trữ thấp, thường sử dụng hết các mức ngân hàng cho phép vay. Doanh nghiệp có thể nợ tiền nhà cung ứng song không thể chậm trả tiền lương cho công nhân, nên việc giảm lãi suất, giãn thời gian trả nợ vốn vay của ngân hàng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều.

Sản xuất và xuất khẩu dệt may đều gặp khó

Về phía doanh nghiệp dệt may, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Công ty May 10 cho biết, sản phẩm chính của May 10 là áo sơ mi, veston và quần âu, trong đó sản xuất 1,2 triệu áo sơ mi/tháng, mỗi tháng phải sản xuất 1.000 mã hàng. Nhưng do nguồn nguyên liệu đang thiếu nên rất khó đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong thời gian tới.

Hiện nay, có 15 nhà máy trực thuộc tổng công ty phải nghỉ tới 39 ngày, có nhà máy nghỉ 1 ngày, có nhà máy nghỉ 2 ngày, 3 ngày... Công ty đang rốt ráo liên hệ với nhà cung cấp để "ép" họ chuyển nguyên liệu cho May 10 đáp ứng các dây chuyền sản xuất.

“May 10 đã định lượng rõ các mức độ giảm, theo đó, ngay trong quý 1, doanh thu gia công giảm 25% trong khi tổng doanh thu giảm 10%. Dự kiến doanh thu cả năm giảm 7% nếu dịch được khống chế trong tháng 4 tới. Doanh thu nội địa vốn góp 10% vào tổng doanh thu của Tổng công ty cũng giảm trầm trọng trong 2 tháng đầu năm”, ông Thân Đức Việt cho hay.

Chia sẻ thêm, ông Việt cho biết, dịch Covid-19 đã khiến May 10 bị gián đoạn sản xuất do vật tư không về kịp theo kế hoạch; không đủ hàng, nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động; trực tiếp ảnh hưởng đến công việc, xáo trộn đời sống công nhân.

"Mặc dù nhiều tổ máy gián đoạn sản xuất, nhưng công ty vẫn phải trả lương tối thiểu cho công nhân, đây là bài toán khó của May 10. Bởi nếu trả lương tối thiểu trong khi các đơn vị khác trả lương cao hơn thì sẽ mất lao động. Nhiều năm nay, ngành dệt may là ngành cạnh tranh lao động khốc liệt nhất, nguy cơ phá sản là rất cao", ông Thân Đức Việt nói.

Trước những tác động của dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, trong đó có kịch bản tốt (dịch có thể kiểm soát được trong quý I,II), kịch bản xấu (cuối năm mới có thể kiểm soát được) và rất xấu (đó là những biểu hiệu cực đoan của dịch).

“Tôi tin rằng, sẽ không có kịch bản rất xấu xảy ra. Nếu kiểm soát tốt, trong quý 2, quý 3 doanh nghiệp phải nỗ lực sản xuất để bù vào những thiệt hại trong quý 1. Đồng thời, doanh nghiệp cần khai thác tối đa lợi thế của Hiệp định EVFTA, phải thể hiện quyết tâm cao hơn, hướng đến những giải pháp căn cơ sau dịch bệnh, tập trung tìm kiếm nguồn cung mới; Ưu tiên khai thác thị trường trong nước, tránh phụ thuộc vào một thị trường cụ thể”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh./.

Chung Thủy/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận