Phải để dân ta giàu hơn, nước ta mạnh hơn bằng trí tuệ và khoa học

Gặp mặt các đại biểu trí thức, nhà khoa học, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần chú trọng tới nông nghiệp, biến đổi khí hậu, năng lượng…

 

Sáng 29/1, tại Hà Nội,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt các đại biểu trí thức, nhà khoa học.

Tại buổi gặp mặt này, Thủ tướng nhấn mạnh rằng sự kiện này không chỉ đơn thuần là chúc Tết mà là dịp đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học, trí thức, một việc quan trọng đối với công tác chỉ đạo, điều hành, chứ không chỉ là cuộc gặp mặt lấy lệ, hình thức, “chuồn chuồn đạp nước”. Vì vậy, để phát triển đất nước nhanh và bền vững, đòi hỏi chúng ta cần phát huy mạnh mẽ nguồn vốn trí thức, khơi dậy và huy động được sức sáng tạo của người Việt Nam. Đây là thách thức, là bứt phá, đồng thời là cơ hội cho những người làm khoa học, công nghệ đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Nhấn mạnh cần chú trọng tất cả các lĩnh vực, tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý tập trung hơn cao hơn vào một số lĩnh vực: Một là, biến đổi khí hậu khi Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng này; Thứ hai là an toàn, an ninh năng lượng - một cân đối lớn của nền kinh tế, “bánh mì” của sự phát triển; Thứ ba, chăm sóc con người, khoa học của sự sống; Thứ tư là nông nghiệp, bởi đa số người dân sống ở nông thôn, “làm sao người dân ở vùng sâu, vùng xa có thể thanh toán điện tử thông qua điện thoại thông minh”. Thứ năm là khoa học xã hội, đặc biệt là khoa học quản lý để phát triển, khoa học pháp lý để bảo về quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Đóng góp ý kiến tại cuộc gặp mặt, ông Phạm Thành Công - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Công nghệ GFS, Chủ tịch Tập đoàn GFS cho biết: Năng suất lao động quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của xã hội. Sự gắn chặt quyền và nghĩa vụ tỷ lệ thuận với năng suất lao động. Năng suất lao động không chỉ phụ thuộc vào khoa học công nghệ mà còn phụ thuộc vào khoa học quản lý, phụ thuộc vào văn hóa giáo dục truyền lửa khát vọng tốt đẹp cho từng nhân cách, từng doanh nghiệp vì một Việt Nam Phồn vinh - Văn minh - Bền vững. “Ba nông dân bằng một Gia Cát Lượng”, cũng như các nhà khoa học, nhà trí thức, chúng tôi tha thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ trong năm Kỷ Hợi tổ chức Hội nghị Diên Hồng về Phát triển Kinh tế xã hội bền vững trên nền tảng khoa học công nghệ để mọi khó khăn và giải pháp, mọi sáng kiến tích cực sẽ được ghi nhận và nhanh chóng đưa vào cuộc sống.

Trong năm qua, các nhà khoa học của Viện Công nghệ GFS đã tích cực, chủ động hợp tác cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước tích hợp các công nghệ hàng đầu trong các lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế, đặc biệt đi thẳng vào các nhu cầu bức thiết của Việt Nam như công nghệ được ứng dụng trong nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng, công nghệ vật liệu mới vermiculite, công nghệ Neoweb, công nghệ xử lý nước sinh hoạt và nước thải môi trường, công nghệ vi sinh,… Bước đầu, công nghệ Neoweb, công nghệ vi sinh cho chăn nuôi, công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ của Viện Công nghệ GFS đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá đạt trình độ cao.

Ngay những ngày đầu năm 2019, Viện Công nghệ GFS đã liên tục triển khai nhiều hoạt động quan trọng, tiếp tục tích hợp công nghệ với đối tác ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực nóng như: Môi trường, chống biến đổi khí hậu, năng lượng hoàn nguyên, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao đặc sắc.Với những công nghệ mới này, Viện Công nghệ GFS đã và đang xúc tiến áp dụng vào nhiều địa phương trên địa bàn cả nước như: Quảng Ninh, Yên Bái, Thanh Hóa, Bình Thuận, Cà Mau, Bạc Liêu. GFS kì vọng khi công nghệ được áp dụng vào các địa phương sẽ góp phần tạo ra một nông thôn Hiệu quả - Bền vững - Văn hóa, góp phần thúc đẩy các sản phẩm đồng hành như du lịch điều dưỡng đặc sắc và là bà đỡ cho các sản phẩm Ocop đặc sắc của các địa phương vươn ra thị trường quốc tế.

Những năm gần đây, chỉ số đổi mới sáng tạo tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 14 bậc lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế. “Thành quả của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước có sự đóng góp to lớn, trực tiếp của lực lượng trí thức và các nhà khoa học nước ta”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao vai trò của lực lượng trí thức và các nhà khoa học.

Tài nguyên thiên nhiên dù có giàu có đến đâu cũng sẽ có ngày cạn kiệt nhưng giá trị sáng tạo của con người là vô hạn. Thủ tướng mong muốn đội ngũ trí thức, khoa học, kể cả trong nước và Việt kiều, kể cả các nhà sáng chế không chuyên, học sinh, sinh viên đóng góp vào khát vọng dân tộc, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập cao, “làm sao dân ta giàu hơn, nước ta mạnh hơn”. Trong tương lai xa, chúng ta cần vươn lên làm chủ cả 5 không gian: Đất, nước, trời, vũ trụ, không gian mạng và các nhà khoa học có vai trò rất lớn giúp làm chủ các không gian này.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận