Ứng dụng công nghệ làm lạnh HYOKAN SOKO trong vận chuyển hàng hóa

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đang triển khai nghiên cứu áp dụng công nghệ mới về thiết bị vận tải.

 

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đang triển khai nghiên cứu áp dụng công nghệ mới về thiết bị vận tải nhằm chuyển đổi dần các phương thức vận chuyển nông, thủy, hải sản bằng container lạnh từ vận chuyển đường bộ sang đường biển mà vẫn có khả năng duy trì độ tươi của sản phẩm, giảm thiểu sự hư hỏng, giảm chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển.

Hợp tác giữa VIMC và O's & Tec

VIMC hợp tác với Công ty cổ phần O's & Tec (Nhật Bản) triển khai dự án vận hành kho lạnh thế hệ mới HYOKAN SOKO, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Container lạnh Hyokan Soko 20 feet có chức năng bảo quản và duy trì độ tươi của thực phẩm để vận chuyển các mặt hàng nông thủy sản trong nội địa Việt Nam. Đây là loại container lạnh với công nghệ mới sử dụng từ trường để bảo quản các loại thực phẩm có yêu cầu độ tươi ở nhiệt độ thấp như trái cây, rau, thủy sản,... Thông qua việc sử dụng 70 chiếc container lạnh Hyokan Soko sẽ thay đổi phương thức vận chuyển khoảng 110.000 tấn hàng hóa/năm từ vận chuyển bằng đường bộ sang vận chuyển đường biển, với mức giảm phát thải khoảng 10.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm.

Sử dụng container lạnh HYOKAN SOKO sẽ giữ cho thực phẩm độ tươi trong suốt quá trình vận chuyển đường dài. Điều này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế nhờ việc cắt giảm lượng thực phẩm bị bỏ đi do hư hỏng trong quá trình vận chuyển bằng container lạnh thông thường.

Phát triển các chuỗi cung ứng lạnh còn đồng thời giúp thực phẩm được bảo quản trong môi trường tốt hơn, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn với hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Về môi trường, việc giảm các phương tiện, mật độ vận tải bằng đường bộ, chuyển sang đường thuỷ sẽ giúp giảm sự phát thải lượng CO2 ra môi trường (nguyên nhân hàng đầu gây lên hiện tượng hiệu ứng nhà kính); Giảm áp lực, ùn tắc và tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ (là vấn đề giao thông nhức nhối đối với nước ta hiện nay).

Trước đó vào đầu năm 2018 tại Hải Phòng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã phối hợp với công ty cổ phần O's & Tec Nhật Bản giới thiệu với các khách hàng về công nghệ làm lạnh này dưới sự chứng kiến của đại diện sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và ngài nghị sĩ Nhật Bản Hideki Miyauchi.

Một số ưu điểm của container lạnh Hyokan Soko

Hiện nay, phương pháp làm lạnh gián tiếp bằng quạt lạnh với dải nhiệt độ rộng từ +30oC đến -30oC phù hợp với nhiều loại hàng hóa khác nhau từ rau củ quả chạy nhiệt độ dương, đến thịt cá chạy nhiệt độ âm. Cách làm lạnh thông thường này gây ra sự đóng đá và khi muốn sử dụng sản phẩm phải tiến hành "giã đông". Điều này phần nào làm cho chất lượng sản phẩm không được đảm bảo.

“HYOKAN SOKO” là công-te-nơ thông thường được gắn thêm hệ thống làm lạnh và HYOKAN để bảo quản thực phẩm mà không làm đóng băng, nhưng vẫn giữ được độ tươi trong thời gian dài. Nhờ khả năng quản lý nhiệt độ ổn định với pin lưu trữ khi vận chuyển và nguồn điện từ bên ngoài khi bảo quản. Đây có thể nói là một cuộc cách mạng trong việc chỉ cần 1 container có thể vừa bảo quản vừa vận chuyển.

Container lạnh Hyokan; Container lạnh Hyokan đi bằng đường  sắt

Với container “HYOKAN SOKO” trữ lạnh được cài đặt điện áp cao với cường độ dòng điện thấp để làm chậm quá trình oxy hóa ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật. Công nghệ này vừa duy trì được độ tươi của thực phẩm các loại mà không bị đóng băng ngay cả khi ở nhiệt độ đông lạnh, vừa bảo quản được trong thời gian dài. Đối với tất cả các sản phẩm nhìn chung đều phát huy được hiệu quả bảo quản và duy trì độ tươi cao, riêng với gạo và thịt kết quả kiểm nghiệm còn cho thấy sự tăng hiệu quả ngon ngọt do sự chín muồi.

Container lạnh Hyokan đi bằng đường biển; Xe tải Hyokan

Công nghệ mới Hyokan cho container lạnh ra đời sẽ giúp giải quyết các mặt hạn chế của container lạnh thông thường hiện nay, trong việc bảo quản khi vận chuyển nông, thủy sản, bằng cách giúp kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm. Qua đó có thể giúp chuyển đổi phương thức vận chuyển thực phẩm tươi sống từ đường bộ sang vận tải bằng đường thủy mà vẫn có thể giữ được độ tươi mới của thực phẩm, giảm chi phí vận chuyển (giá cước vận tải thuỷ hiện nay rẻ hơn bằng đường bộ). Đồng thời hạn chế được tình trạng tổn thất, hỏng, thối thực phẩm trong quá trình vận chuyển, từ đó lượng hàng hóa hao hụt sẽ giảm đi, lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường sẽ tăng lên, tránh được những thất thoát đáng tiếc gây lãng phí thực phẩm.

Hiện trạng bảo quản nông, thủy sản sau thu hoạch tại Việt Nam

Thất thoát trong quá trình thu hoạch, chế biến, lưu trữ, vận chuyển luôn là bài toán khó với nông, thủy sản của nước ta. Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó việc phát triển hệ thống logistics mà cụ thể chuỗi cung ứng lạnh được xem như là một giải pháp hữu hiệu.

Chuỗi cung ứng lạnh là các chuỗi cung ứng có khả năng kiểm soát và duy trì nhiệt độ thích hợp với các loại hàng hóa có yêu cầu bảo quản lạnh khác nhau, giúp kéo dài tuổi thọ của các mặt hàng nhạy cảm với nhiệt độ, trong đó có sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, hàng đông lạnh chế biến,… Chuỗi cung ứng lạnh bao gồm hai hệ thống logistics cơ bản là: Mạng lưới nhà kho lạnh và hệ thống vận tải lạnh như xe tải lạnh, container lạnh,... Nếu được bảo quản trong chuỗi cung ứng lạnh, hàng hóa sẽ duy trì được sự tươi mới, không chỉ đảm bảo về chất lượng mà còn đảm bảo về số lượng.

Trong chuỗi cung ứng lạnh của Việt Nam, mặt hàng thủy sản do chủ yếu được xuất khẩu nên khâu lạnh được hiện đại hóa. Trong khi nhiều mặt hàng nông sản khác chủ yếu là xuất khẩu thô thì khâu bảo quản lạnh còn kém, dẫn đến tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch là tương đối lớn. Theo số liệu thống kê của ABA Cooltrans (một doanh nghiệp Việt Nam hoạt động lâu năm trong chuỗi cung ứng lạnh) thì có đến 95% sản lượng thủy sản được bảo quản lạnh trong khi chỉ có 7% sản lượng rau củ được hưởng chế độ này. Cũng theo kết quả khảo sát khác của CEL Consulting Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng khâu cung ứng, quá trình từ trang trại đến nhà bán lẻ, đã có hàng trăm tấn thực phẩm bị thất thoát mỗi năm bởi việc bảo quản sau thu hoạch và vận chuyển không đảm bảo. Trong đó rau, củ, quả có mức độ thất thoát cao nhất, chiếm khoảng 25÷30% trên tổng khối lượng thu hoạch; Lúa gạo mất khoảng 14%, mặt hàng thịt là 14% và thủy sản là 12%. Mức thất thoát thực phẩm khá cao này khiến một lượng lớn thực phẩm, ước tính gần 50% không bao giờ đến được tay người tiêu dùng và nguy hại hơn, lượng thực phẩm thất thoát còn gây ra các vấn đề về ô nhiễm môi trường, lãng phí thực phẩm. Theo một báo cáo vào năm 2011 của Tổng cục Môi trường, ước tính chuỗi thực phẩm tại Việt Nam thất thoát khoảng 5,75 triệu tấn mỗi năm, tương đương với 60% lượng chất thải rắn của cả nước. Nguyên nhân chính là do sự yếu kém trong công tác xử lý, bảo quản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, hệ thống logistics phục vụ lưu trữ, vận chuyển của nước ta cũng chưa được hoàn thiện. Không chỉ yếu kém về hạ tầng giao thông, khiếm khuyết trong chuỗi cung ứng lạnh cũng khiến gia tăng tổn thất trong chuỗi cung ứng hàng hóa.

Tại Việt Nam, tỷ lệ thất thoát các sản phẩm tươi sống của nông nghiệp do hạn chế trong quá trình vận tải ước tính khoảng 25%. Các thực phẩm tươi sống được vận chuyển bằng vận tải đường bộ cũng không được quản lý nhiệt độ bảo quản. Kể cả được vận chuyển bằng container lạnh thì do các điều kiện như đường xá xuống cấp làm xe rung lắc cũng trở thành nguyên nhân làm cho máy lạnh không phát huy được hiệu quả, dẫn tới các vấn đề như giảm chất lượng hàng hóa và tỉ lệ thối, hỏng cao.

Tuy nhiên ngay cả các phương tiện vận chuyển container lạnh bằng đường bộ hiện nay vẫn còn thiếu, chất lượng vận hành không đảm bảo dẫn đến chi phí tăng cao. Đơn cử như khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu của cả nước, có chi phí cho hoạt động vận tải lạnh thủy sản khá cao, chiếm khoảng hơn 25% giá thành sản phẩm./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận