H. John Trần với nông trại không... đất

Từ Mỹ về Việt Nam và dấn thân vào con đường làm nông nghiệp thông minh, H. John Trần đã tạo nên một nét chấm phá trong nền nông nghiệp sạch nước nhà.

 

 

Trăn trở vì nông nghiệp sạch

 Năm 2000 khi lần đầu trở về Việt Nam, H. John Trần không nghĩ mảnh đất này sẽ trở nên gắn bó với mình. Sau vài lần trở về Việt Nam, mỗi lần trở lại là mỗi lần thêm yêu, thêm gắn bó quê nhà. Từ đó John thầm nghĩ “mình phải làm một cái gì đó cho quê hương” và anh quyết về Việt Nam lập nghiệp song vẫn chưa tìm được hướng đi riêng. Mỗi khi thưởng thức ẩm thực Việt tại quê nhà, anh đều nghe mọi người nói đồ ăn ở Việt Nam không an toàn, không đảm bảo vệ sinh, không có nguồn gốc xuất xứ. Câu nói này John được nghe nhiều đến nỗi khiến anh trăn trở và tự hỏi, tại sao ẩm thực Việt ngon và hấp dẫn vậy mà ai cũng bảo không an toàn nhưng lại chẳng có ai đứng ra thay đổi định kiến đó? Chính điều này thôi thúc anh quyết định trở về Việt Nam làm nông nghiệp để đưa sản phẩm sạch ra thị trường phục vụ người tiêu dùng.

Khi nghe tin John trở về Việt Nam để đầu tư nông nghiệp, người thân và bạn bè của anh đều không khỏi ngỡ ngàng. Bởi John xuất thân là dân đầu tư tài chính với  thâm niên trong nghề hơn 20 năm và là người am hiểu sâu sắc về lĩnh vực này. John từng là đồng sáng lập và điều hành công ty đầu tư độc lập về quản lý nợ, bán lẻ và thương mại điện tử. Anh đã đảm nhiệm những vị trí quản lý cấp cao tại các tổ chức tài chính lớn của Mỹ như Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Cơ quan Quản lý Tài chính Hoa Kỳ cùng nhiều vị trí chủ chốt khác trong các tổ chức về tài chính.

H. John Trần với vườn rau trong Container của mình.

Sau 5 năm áp dụng, H. John Trần đã thu được nhiều kết quả. Sản phẩm rau của anh hiện đã có mặt trên thị trường thông qua một số hệ thống siêu thị. Sản phẩm của anh trồng không cần phun thuốc và đảm bảo an toàn 100%, do đó rất hút hàng,  không đủ cung cấp cho thị trường. Hiện anh đang chuyển sang cung cấp tới tận hộ gia đình.Kể về hành trình đến với nông nghiệp thông minh, John cho biết, để có được hệ thống công nghệ như hiện nay, anh đã phải mày mò tìm hiểu các mô hình trồng rau sạch như Vietgap, nông nghiệp hữu cơ và một số chương trình sản xuất rau sạch khác nhưng anh cảm thấy không hiệu quả. Anh quay lại Mỹ tìm hiểu và xây dựng hệ thống sản xuất sạch, thông minh tại Mỹ. Khi có kết quả anh về Việt Nam với hệ thống công nghệ này.

Thay đổi tư duy làm nông nghiệp

Chia sẻ về hệ thống công nghệ của mình, John cho biết, nông trại của anh là những container khép kín đặt rải rác ở nhiều nơi nên không cần đất, không cần ánh sáng mặt trời và có thể tái sử dụng nguồn nước tưới lên đến 90%. Container được lắp đặt máy lạnh, hệ thống vận hành điều khiển bằng phần mềm trên máy tính. Nhiệt độ trong những “nông trại không đất” luôn ở mức 18 độ C. Mỗi luống rau được thiết kế theo giàn treo với hệ thống đèn LED đa sắc màu. Đặc biệt hơn, vườn rau không cần bàn tay chăm sóc hàng ngày của con người. “Mọi việc được thực hiện tự động bằng công nghệ, thông qua hệ thống máy tính và điện thoại thông minh. Với cách làm nông nghiệp của Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ mình có thể giúp người dân thay đổi tư duy về làm nông nghiệp”, John nói. 

Khi được hỏi lý do chọn Việt Nam để đầu tư, anh cho hay, ở những thị trường tiên tiến như Mỹ hay châu Âu, phương pháp trồng rau của anh không còn lạ lẫm. Tuy nhiên, ở Việt Nam phương thức sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu nên anh nghĩ cách làm này có thể giúp người dân thay đổi tư duy về làm nông nghiệp và tiếp cận với các sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn. Đó là lý do anh chọn Việt Nam để “khởi nghiệp” trong lĩnh vực mới này. Song anh vẫn trăn trở do công nghệ anh đang áp dụng đòi hỏi lượng vốn rất lớn khiến giá thành sản phẩm tăng cao nên rất kén người dùng. Vì thế anh đang nghiên cứu giảm giá thành để sản phẩm có thể đến được tay mọi người tiêu dùng, để ai cũng có thể sử dụng được sản phẩm sạch, an toàn. Nhưng để làm được điều này cần rất nhiều vốn và cần cả quãng đường dài, gian khó phía trước. Vì thế, anh mong muốn thị trường đón nhận công nghệ trồng rau của mình như một bước phát triển mới để sản xuất ra nhiều sản phẩm sạch đẩy lùi nạn rau mất an toàn đang tràn lan như hiện nay.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận