Luật hóa quảng cáo trên mạng xã hội

Vấn nạn quảng cáo sai sự thật, hàng hóa kém chất lượng, vi phạm pháp luật trên môi trường mạng đang gây bức xúc trong dư luận.

 

Lỗ hổng khiến vi phạm quảng cáo tràn lan

Vấn nạn quảng cáo sai sự thật, hàng hóa kém chất lượng, vi phạm pháp luật trên môi trường mạng đang gây bức xúc trong dư luận. Vì thế quảng cáo trên mạng xã hội là nội dung quan trọng trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, sẽ được thảo luận, xem xét tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sắp tới.

Dự báo của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, năm 2024, quảng cáo trực tuyến có thể đạt 3 - 4 tỷ USD, 70% doanh thu nằm trong tay các mạng xã hội xuyên biên giới như Meta, Google, TikTok…, nhưng Việt Nam chỉ thu được một phần nhỏ trong những khoản thuế liên quan đến lĩnh vực này. Trong khi đó, quảng cáo xuyên biên giới bộc lộ nhiều vấn đề lớn như quảng cáo sai sự thật, hàng hóa kém chất lượng, vi phạm pháp luật (cờ bạc, cá độ, tín dụng đen…), gây bức xúc trong dư luận.

Hoạt động quảng cáo đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ quảng cáo theo hình thức truyền thống sang hình thức quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới (báo điện tử, mạng xã hội, ứng dụng di động…) kéo theo sự khó khăn trong công tác quản lý nhà nước do việc ràng buộc trách nhiệm, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên phương tiện này áp dụng với một loại chủ thể không giới hạn phạm vi lãnh thổ.

          Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo. Theo đó, bổ sung quy định tại Điều 23 và Điều 23a quy định về quy trình, biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam tuân thủ các quyền, nghĩa vụ và thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan có thẩm quyền; không đặt sản phẩm quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật và thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền...

Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng.

Cần có chế tài để ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm

Hiện nay, chuỗi giá trị dịch vụ quảng cáo trên không gian mạng thường liên quan đến ít nhất 6 chủ thể: người quảng cáo (các nhãn hàng, cá nhân mua không gian quảng cáo); người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (các công ty truyền thông); người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; doanh nghiệp trung gian trên Internet (Google, Facebook, TikTok…); người bán không gian quảng cáo (chủ sở hữu website, kênh nội dung) và người tiếp nhận quảng cáo (người tiêu dùng). Trong đó, các doanh nghiệp trung gian trên Internet có vai trò cung cấp nền tảng công nghệ kết nối người muốn mua không gian quảng cáo với người muốn bán không gian quảng cáo. Theo bà Nguyễn Lan Phương, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), Dự thảo nên bổ sung một số quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp trung gian trên Internet như: cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước khi có yêu cầu; phát triển chính sách quảng cáo phù hợp với thị trường Việt Nam; cho phép người dùng báo cáo nội dung vi phạm pháp luật liên quan đến quảng cáo thương mại...

          Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh: Để bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh quảng cáo lành mạnh, an toàn, cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng và các nền tảng tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung. Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng. Các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới nếu không tuân thủ luật pháp Việt Nam sẽ không được tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam./.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận