Giai đoạn 2 mở rộng Gang thép Thái Nguyên - 'để chết' hay 'cứu sống' hiệu quả hơn

Chuyên gia ngành thép nghĩ gì về ý kiến máy móc dự án mở rộng giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) chỉ có thể 'bán sắt vụn'?

 

Thưa ông Phạm Chí Cường - nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Đúc - luyện kim Việt Nam - sau khi Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra đối với Tisco, điều mà dư luận quan tâm chính là xử lý như thế nào đối với khối tài sản máy móc, công nghệ của Công ty này, đặc biệt là những thiết bị, công nghệ được nhập khẩu từ giai đoạn 2007. Theo ông nên xử lý vấn đề này như thế nào?

Tôi đã từng theo dõi những tồn đọng của Tisco giai đoạn 2, ảnh hưởng đến hoạt động của Tổng công ty Thép và toàn ngành thép. Với kinh nghiệm nửa thế kỷ gắn bó với ngành thép, tôi thấy rằng hiện trạng của Tisco không đến mức như nhiều cơ quan báo chí đề cập, rằng công nghệ lạc hậu, máy móc để hàng chục năm phơi nắng phơi mưa nên chỉ còn là đống sắt vụn... Đó chỉ là đứng ở ngoài nhìn vào thôi. Nếu như những người quản lý, những người đang lãnh đạo trực tiếp và các cơ quan quản lý lắng nghe ý kiến của CBCNV trong ngành thép và đặc biệt của Tisco, và quyết tâm xử lý thì không đến nỗi là không có lối thoát. Tisco giai đoạn 1 với công suất hiện tại 500.000 - 600.000 tấn thép/năm vẫn sản xuất có lãi và đang nuôi số lượng công nhân gần 5.000 người. Tại sao chỉ vì đầu tư giai đoạn 2 dở dang lại để cho nó khó khăn như vậy, và có nguy cơ nếu không sớm có giải pháp giải quyết thì sẽ phá sản cả khu gang thép và không biết rằng các vấn đề xã hội có thể phát sinh như thế nào? Tất nhiên, để giải quyết vấn đề hiện tại của Tisco có những khó khăn nhất định, nhưng theo tôi thì vẫn có phương án giải quyết để có thể thoái được vốn nhà nước, thu hút đầu tư và đảm bảo an sinh xã hội cho toàn khu gang thép.

Như vậy, ông có thể khẳng định là công nghệ và thiết bị đã được Gang thép Thái Nguyên nhập khẩu về giai đoạn 2007 đến giai đoạn này vẫn không lạc hậu?

Về mặt công nghệ, tôi khẳng định công nghệ của Gang thép Thái Nguyên hoàn toàn không phải lạc hậu đến mức chỉ có thể “bán sắt vụn”. Mấy năm đắp chiếu, cỏ mọc lút chỉ có thể tác động và han gỉ bên ngoài đối với phần cơ, chỉ cần đánh gỉ, sơn lại, tra dầu mỡ là lại hoạt động bình thường. Phần điện vẫn ở trong kho. Linh hồn của nhà máy là phần điều khiển với các thiết bị tự động, hiện đại thì do chúng ta chưa có tiền để trả cho đối tác nhập khẩu nên vẫn chưa được chuyển về tới nhà máy. Hiện nay có đến 90% các nhà máy gang thép trên thế giới vẫn đang sử dụng công nghệ này, chỉ khác là quy mô nhà máy của họ lớn hơn, còn quy mô sản xuất của Gang thép Thái Nguyên thì nhỏ. Ngay tại Việt Nam, công ty Thép Hòa Phát vẫn đang sử dụng đúng công nghệ đó, với đúng công suất 500.000 tấn/năm giống như ở Tisco và mang lại lợi nhuận khoảng 8.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp này.

Vậy với kinh nghiệm nửa thế kỷ gắn với ngành thép, theo ông cần những giải pháp như thế nào để xử lý đối với Gang thép Thái Nguyên đạt được hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội cao nhất?

Tôi thấy Chính phủ và Bộ Công Thương đang nỗ lực chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn Nhà nước ở Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco). Đó là việc làm cần thiết và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Thế nhưng, song song với hoạt động đó thì cần thúc đẩy xử lý các vấn đề tồn đọng của dự án này.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận