Làng du lịch OCOP dưới chân núi Rồng

Làng du lịch OCOP dưới chân núi Rồng

 

Những năm trước, du khách đến tham quan nơi địa đầu cực bắc, nơi có cột cờ quốc gia Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) trên đỉnh núi Rồng, chỉ có thể ghé thăm, check-in rồi chia tay. Hiện nay, du khách có thể lưu lại qua đêm, trải nghiệm dịch vụ theo chuẩn 3 sao du lịch cộng đồng OCOP với nhiều sản phẩm đặc trưng, sinh động, hấp dẫn và đậm đà bản sắc.

Những bước đi đầu tiên

Trò chuyện với anh Sình Gỉ Gai, trưởng bản Lô Lô Chải, cũng là hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn khách tham quan các điểm du lịch tại xã Lũng Cú, anh Gai chia sẻ: Khoảng 10 năm trước, người dân Lô Lô Chải không biết làm du lịch, du khách đến bản chỉ có thể tự đi thăm vòng quanh, chụp vài kiểu ảnh rồi lại rời đi.

Từ năm 2016 trở lại đây, tỉnh có nhiều chương trình tập huấn kỹ năng làm du lịch, dạy tiếng Anh, kỹ năng lễ tân, giao tiếp, nấu ăn… lại tổ chức nhiều chuyến đi tham quan học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng ở các địa phương khác, giúp người Lô Lô thấy được lợi ích của việc làm du lịch, động viên người dân làm du lịch, từ đó, du khách đến bản Lô Lô Chải được trải nghiệm dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp.

Được biết, gia đình anh Gai là hộ gia đình đầu tiên làm du lịch cộng đồng tại bản Lô Lô Chải từ năm 2011 với 1 phòng ngủ đơn sơ cho khoảng 6 khách mỗi đêm. Khi đó, người dân Lô Lô Chải chỉ biết làm nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ. Năm 2014, anh lại tu sửa, chỉnh trang lại ngôi nhà cổ để làm du lịch, đón được khoảng 10 khách. Năm 2017, anh làm tiếp một ngôi nhà truyền thống, bố trí các phòng ăn, nghỉ, cà phê hợp lý, khu vệ sinh sạch sẽ. Nay, với 2 ngôi nhà truyền thống, Homestay Sình Gai có thể đón được 50 khách lưu trú mỗi ngày. Doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt trên 200 triệu đồng mỗi năm. 

Điệu múa trống đồng của người Lô Lô, bản Lô Lô Chải đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bản Lô Lô Chải có 28 hộ làm homestay, thường xuyên đón khách du lịch. Một trong số những địa điểm check-in nổi tiếng ở Lô Lô Chải chính là quán Cà phê Cực Bắc. Quán là 1 ngôi nhà cổ trên 200 tuổi của vợ chồng anh Dỉu Dỉ Chiến và chị Lù Thị Vấn. Kiến trúc ngôi nhà đặc trưng với nhà trình tường, mái ngói âm dương, bao quanh nhà là hàng rào đá.

Du khách đến đây có thể thư giãn thưởng thức cà phê và ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ của Cột cờ Lũng Cú, có thể nghỉ lại qua đêm tại homestay của gia đình, thưởng thức đặc sản ẩm thực của người Lô Lô qua tay nghề của chủ nhà, trải nghiệm một đêm văn nghệ truyền thống với âm thanh trống đồng và những điệu xoè rực rỡ sắc màu của những thiếu nữ Lô Lô...

Lô Lô Chải hiện vẫn giữ nguyên vẹn không gian bản làng truyền thống với những ngôi nhà trình tường cổ, lợp ngói máng, đời sống văn hoá, trang phục, lễ hội, nghề dệt thổ cẩm, ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc Lô Lô. Đặc biệt, lễ cúng tổ tiên và điệu múa trống đồng của người Lô Lô bản Lô Lô Chải đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Chị Vấn cho biết, năm 2017, ông Yasushi Ogura, người Nhật Bản đến thăm bản Lô Lô Chải. Yêu mến cảnh sắc, con người Lô Lô Chải, muốn giúp đỡ người dân khai thác giá trị truyền thống để làm kinh tế, ông Ogura quyết định giúp chị đầu tư, hướng dẫn kỹ năng, xây dựng mô hình quán cà phê Cực Bắc để vừa làm kinh tế, vừa giữ gìn, lan toả giá trị văn hoá đặc sắc của người Lô Lô đến du khách.

Ban đầu, quán chỉ phục vụ khách uống cà phê, sau này khách có nhu cầu, quán có thêm homestay cho khách lưu trú. Mỗi năm, quán Cà phê Cực Bắc giúp gia đình chị Vấn có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng.

Thiếu nữ Lô Lô pha cà phê phục vụ du khách tại quán Cà phê Cực Bắc.

Anh Nguyễn Cường, một du khách Hà Nội, cho biết: “Nhiều lần đến thăm bản Lô Lô Chải, mỗi lần lại chứng kiến sự “thay da đổi thịt”. Thấy những nét đẹp văn hóa truyền thống đang phát huy giá trị, tôi nghĩ bất cứ ai khi đến thăm bản Lô Lô Chải cũng sẽ yêu mến nơi này, bởi người Lô Lô không chỉ biết gìn giữ, phát huy vẻ đẹp của bản làng, của những nét văn hoá truyền thống đặc trưng mà còn vô cùng thân thiện với du khách. Đây cũng là lý do mỗi năm tôi đều quay lại nơi này”.

Làng du lịch cộng đồng OCOP 3 sao

Từ những thành công của Homestay Sình Gai, Cà phê Cực Bắc, khách du lịch đến thăm, lưu trú lại Lô Lô Chải ngày một đông. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch, trưởng thôn Sình Gỉ Gai bắt đầu động viên, hướng dẫn các hộ trong thôn cùng làm du lịch, số lượng homestay trong bản ngày 1 nhiều, với tiêu chuẩn và giá cả tương đồng.

Trưởng thôn Sình Gỉ Gai chủ động điều phối, chia sẻ khách cho các homestay để tránh cạnh tranh không lành mạnh, cùng đạt được hiệu quả kinh tế và nâng cao chất lượng dịch vụ cho du khách. 

Năm 2022, Bản văn hoá du lịch cộng đồng Lô Lô Chải tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (One Commune, One Product - OCOP) và đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh với 12/12 tiêu chí đánh giá đều đạt. Trước kia, du khách đến bản Lô Lô Chải chỉ có cơ hội trải nghiệm du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hoá. Thì nay, với các sản phẩm nông nghiệp OCOP, du khách có thêm cơ hội trải nghiệm đặc sản du lịch nông nghiệp tiêu chuẩn 3 sao ngay dưới chân Cột cờ Cực Bắc.

Khảo sát các tour du lịch đến Hà Giang cho thấy, trong quá trình tham quan, khám phá, trải nghiệm, du lịch nông nghiệp sẽ tạo ra hứng thú mới khi du khách tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân, hoà vào đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân bản địa và được hòa mình với thiên nhiên;

Hiểu được giá trị sức lao động kết tinh trong các sản phẩm nông nghiệp; Từ đó, nâng cao giá trị cho những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuẩn OCOP của địa phương, kích thích xuất khẩu tại chỗ, lan toả rộng rãi tới các vùng miền trong và ngoài nước. 

Chủ tịch UBND xã Lũng Cú, ông Ma Doãn Khánh, cho biết: “Sản phẩm Du lịch cộng đồng Lô Lô Chải được chứng nhận đạt 3 sao OCOP mở ra cơ hội phát triển du lịch bền vững cho người dân địa phương; Đồng thời, tạo nền tảng mẫu cho các thôn bản khác trong xã có điều kiện học tập kinh nghiệm làm du lịch.

Hiện nay, xã đang tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ nâng cao các tiêu chí, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương”.






 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận