Bảo hiểm tiền gửi sẽ cạnh tranh khốc liệt?

CPTPP, tăng cơ hội lựa chọn dịch vụ cho người dùng. Nhưng sẽ tạo áp lực cạnh tranh trực tiếp với các đơn vị bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

 

Người dân có nhiều lựa chọn

Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích và thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính. Theo các chuyên gia kinh tế, các cam kết thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính của CPTPP hướng tới đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở các nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Các cam kết của CPTPP bao gồm, mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đảm bảo không gian chính sách pháp lý ổn định để xây dựng một nền tài chính vĩ mô ổn định.

Thông qua CPTPP, Việt Nam cam kết mở cửa bổ sung đối với một số loại hình dịch vụ mới như: Mở cửa dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới, đối xử quốc gia với các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài về một số dịch vụ như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới, dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng. Đồng thời mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới.

Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, sự mở rộng sẽ làm tăng cơ hội lựa chọn người cung ứng dịch vụ bảo hiểm tiền gửi có chất lượng cho các ngân hàng thương mại và người dân. Tăng khả năng bảo vệ quyền lợi và sự ổn định chung, chống đổ vỡ hệ thống ngân hàng, duy trì lòng tin của người dân. Giúp tăng huy động tiền gửi với qui mô lớn và thời gian gửi dài hơn, giảm thiểu tình trạng rút tiền ồ ạt hoặc gửi tiền ngắn hạn kiểu phòng ngừa rủi ro. Mặt khác, sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn giữa cơ quan bảo hiểm tiền gửi cũng như các ngân hàng thương mại. Từ đó sẽ tạo ra những sản phẩm, dịch vụ hay phí tiền gửi hợp lý hơn.

Ngoài ra, việc thực thi CPTPP với các cam kết về dịch vụ tài chính sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý tại Việt Nam, thúc đẩy môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và không phân biệt đối xử.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, CPTPP sẽ mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thông qua đó, thu hút, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp FDI.

Đánh giá về lợi thế mà CPTPP mang lại, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho hay, CPTPP sẽ góp phần mở rộng thị trường tài chính với các tổ chức tài chính nước ngoài. Điều này sẽ giúp người dùng có thể sử dụng được các dịch vụ ngân hàng từ xa. Các dịch vụ cũng như sản phẩm sẽ đa dạng, linh động hơn. Đồng thời, họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi tìm đến các ngân hàng có giá cả, biểu phí hợp lý.

Tăng mức bảo hiểm và cải thiện chất lượng dịch vụ

Cũng theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, bên cạnh những mặt tích cực thì CPTPP cũng đặt ra thách thức không nhỏ với lĩnh vực tài chính. Trong khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới có mức bảo hiểm tiền gửi từ vài chục nghìn cho đến vài trăm nghìn USD thì mức bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam chỉ 75 triệu đồng, tương đương 3300 USD. Cụ thể, Thái Lan đang có mức chi trả cho người gửi tiền hơn 709.220 USD, Indonesia 153.257 USD, Malaysia 59.666 USD, Singapore 35.971 USD, Philippines 10.346 USD và Mỹ là 250.000 USD khi ngân hàng bị phá sản. Điều này dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn, người gửi tiền cá nhân sẽ rút tiền từ ngân hàng có bảo hiểm tiền gửi thấp hơn sang ngân hàng có bảo hiểm tiền gửi cao hơn. Dẫn đến sự sụt giảm thị phần cùng khả năng huy động vốn của ngân hàng Việt và tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường tài chính.


Các ngân hàng trong nước cân nhắc tăng mức bảo hiểm và cải thiện, chất lượng dịch vụ

Đồng thời, thách thức cũng đến từ những hạn chế của thị trường tài chính Việt Nam, như thị trường vốn có quy mô còn quá nhỏ, thanh khoản yếu, thiếu hấp dẫn, chưa đủ khả năng thu hút mạnh các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn tồn tại tình trạng mất cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ dễ dẫn đến nguy cơ mất thanh khoản của ngân hàng. Nợ xấu và xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập, chất lượng dịch vụ hệ thống của ngân hàng còn thấp.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích, sự có mặt của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi ngoại sẽ tạo áp lực cạnh tranh trực tiếp về thị phần trên thị trường tài chính. Cụ thể, sẽ có một số khách hàng truyền thống của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chuyển sang mua bảo hiểm tiền gửi ngoại. Khi đó, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ phải cân nhắc tăng mức bảo hiểm và cải thiện điều kiện, chất lượng dịch vụ của mình theo hướng thị trường hơn.

Để tận dụng được cơ hội, theo các chuyên gia, các ngân hàng phải có cơ chế quản lý rủi ro, các sản phẩm ngân hàng cần phải phát triển theo hướng kỹ thuật số. Chủ động đa dạng hóa và tái cơ cấu, nâng cao chất lượng các sản phẩm bảo hiểm tiền gửi theo hướng thị trường và hài hòa lợi ích, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền hơn.  Tăng cường xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Cải thiện năng lực và lòng tin vào hoạt động của các ngân hàng. Tăng cường thông tin và bảo đảm an ninh thông tin trên thị trường tài chính tiền tệ.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu: CPTPP sẽ góp phần mở rộng thị trường tài chính với các tổ chức tài chính nước ngoài. Điều này sẽ giúp người dùng có thể sử dụng được các dịch vụ ngân hàng từ xa. Các dịch vụ cũng như sản phẩm sẽ đa dạng, linh động hơn. Đồng thời, họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi tìm đến các ngân hàng có giá cả, biểu phí hợp lý.
 

Bình luận

    Chưa có bình luận