Doanh nhân Lê Viết Hải: Chiến lược đưa ngành xây dựng ra nước ngoài là rất cần thiết

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) Lê Viết Hải chia sẻ về kế hoạch xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra nước ngoài.

 

“Nếu thành công trong việc xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra thị trường nước ngoài, ngành xây dựng sẽ đưa về cho quốc gia một tỷ trọng GDP đáng kể” -  Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) Lê Viết Hải chia sẻ với phóng viên về kế hoạch xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra nước ngoài cũng như những tâm nguyện của ông về vận dụng kiến thức và kinh nghiệm đã tích lũy để tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo ra môi trường tốt nhất cho sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, cho TP Hồ Chí Minh và đất nước.

Chiến lược đưa ngành xây dựng ra nước ngoài là rất cần thiết

Ở Việt Nam, hiện đang có rất nhiều việc cho ngành xây dựng, các nhà thầu quốc tế đến tìm việc mà tại sao chúng ta lại phải ra nước ngoài? Ngành xây dựng của chúng ta còn quá non trẻ, vậy làm thế nào cạnh tranh được ở thị trường nước ngoài?

Khi nhìn lại toàn cảnh bức tranh công nghiệp xây dựng Việt Nam và thế giới thì riêng Hòa Bình thấy không thể cứ quanh quẩn ao nhà, mà phải đi ra biển lớn. Thời điểm đi ra biển lớn không thể quá chậm, mà thực tế chúng ta đã chậm rồi. Vì Việt Nam đã trải qua thập kỷ đầu của thời kỳ dân số vàng. Giai đoạn 2020 - 2030 vẫn trong thời kỳ dân số vàng, với tỷ lệ người lao động gấp đôi người phụ thuộc, là thời kỳ dân số tối ưu cho kinh tế bứt phá.

Mỗi ngành nghề, mỗi doanh nghiệp cần tận dụng thời gian cơ cấu dân số vàng của quốc gia để xây dựng cho mình các bước đi phù hợp. Riêng Tập đoàn Hòa Bình, doanh nghiệp đang dẫn đầu ngành xây dựng, cần tiên phong đóng góp cho sự thành công của cơ hội này. Chúng tôi đã xác định giai đoạn này phải thực hiện được hoài bão của mình là đưa dịch vụ xây dựng của Việt Nam ra thế giới.

Công trình Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) làm tổng thầu.

Nhưng động lực mang tính kinh tế nào thôi thúc ông đưa Hòa Bình vươn ra thị trường nước ngoài, thưa ông?

Ngành xây dựng trong nước mỗi năm tăng trưởng chỉ 8 - 12%, thì 10 năm nữa giá trị xây dựng toàn ngành chỉ 40 tỷ USD. Trong khi thị trường xây dựng trên thế giới năm 2019 đã là 12.000 tỷ USD, gấp 800 lần Việt Nam. Nếu thành công trong việc xuất khẩu dịch vụ ra thị trường nước ngoài, xây dựng sẽ đưa về cho quốc gia một tỷ trọng GDP đáng kể. Chỉ cần chiếm 1% thị trường xây dựng thế giới thì giá trị là 120 tỷ USD, gấp 8 lần tổng sản lượng ngành xây dựng trong những năm vừa qua.

Quan trọng hơn, xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra nước ngoài kéo theo xuất khẩu các sản phẩm, chuỗi dịch vụ cung ứng liên quan như vật liệu xây dựng rất lớn sẽ mang lại thu nhập cho quốc gia rất cao. Sự bất đối xứng giữa cung và cầu lâu dài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành xây dựng. Ðiều này càng chứng minh chiến lược đưa ngành công nghiệp xây dựng ra nước ngoài là rất cần thiết.

Tiếp thu tinh hoa của thế giới trong hoàn thiện luật pháp

Từng là Kiến trúc sư, hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng và là thành viên của VCCI, ông quan tâm đến vấn đề gì đối với phát triển kinh tế tư nhân?

Ngày nay Nhà nước coi trọng khối DN tư nhân, song hệ thống luật pháp cần phải hoàn thiện hơn để phát triển kinh tế tư nhân, khắc phục những mặt hạn chế khi tư nhân chạy theo lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm xã hội. Do đó, luật pháp không chỉ hỗ trợ mà còn phải giúp kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng, phục vụ sự phát triển của xã hội, của đất nước.

Tôi nghĩ không chỉ là cá nhân mình đưa ra các giải pháp về luật lệ mà mình còn phải biết cách huy động trí tuệ, tâm huyết của rất nhiều người để làm cho hoàn thiện. Hệ thống luật pháp cần sự sáng tạo, không rập khuôn của một quốc gia nào nhưng phải có sự kế thừa, học hỏi từ các nước phát triển. Đòi hỏi phải có sự kết hợp tinh hoa của thế giới và sự sáng tạo của người Việt để có hệ thống luật pháp phù hợp nhất.

Tôi đặc biệt chú trọng việc xây dựng khung pháp lý thông thoáng hơn, minh bạch hơn nhằm mang lại hiệu quả cao hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, của DN cũng như cho việc thu ngân sách của Nhà nước. Đồng thời, có cách kiểm soát hữu hiệu để bảo đảm lợi ích cao nhất của người tiêu dùng trong một môi trường kinh doanh bình đẳng, kỷ cương, minh bạch và có sự cạnh tranh lành mạnh.

Nút giao thông hiện đại tại khu vực Cát Lái - xa lộ Hà Nội, Quận 2 kết nối sang TP Thủ Đức.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn những mong muốn sẽ đóng góp những kiến thức chuyên môn của mình nhằm tu chỉnh, hoàn thiện các điều luật, các tiêu chuẩn  về xây dựng, kiến trúc, qui hoạch cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung?

Là một kiến trúc sư tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch theo hướng hình thành các đô thị vệ tinh cho TPHCM tạo nên một vùng rộng lớn có mối quan hệ kết nối hữu cơ, phát triển một cách hài hoà, cân đối, đồng bộ với sự phát triển của kinh tế - xã hội, có giải pháp hữu hiệu cho việc xử lý những vấn đề nan giải về hạ tầng của đô thị hiện nay. Giải quyết nạn ngập lụt, kẹt xe, ô nhiễm... với một cách làm sáng tạo, một ngân sách hợp lý, nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.

Tôi sẽ nghiên cứu để có góp ý hữu ích trong việc xây dựng cơ chế đặc biệt nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất kể cả nguồn ngân sách cho đầu tư, giúp cho Thành phố Thủ Đức, một đơn vị hành chính mới ở Việt Nam theo mô hình một thành phố trong lòng thành phố, được phát triển nhanh theo đúng kế hoạch, định hướng và mục tiêu đã đề ra.

TP Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao.

Trên cương vị sáng lập một doanh nghiệp mang tên Hòa Bình, ông từng nói rằng sẽ tiếp tục nỗ lực góp phần kiến tạo một nền hòa bình bền vững cho thế giới qua  đó, mang lại hoà bình và nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam. Bằng cách nào thưa ông?

Tôi sẽ vận động thực thi một sáng kiến sẽ được đệ trình lên Liên Hiệp Quốc ngay trong năm nay khi Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Sáng kiến đó là đề nghị Liên Hiệp Quốc tổ chức soạn thảo môn học “Giáo dục Công dân Toàn cầu” và thông qua Liên Hiệp Quốc định hình một cơ chế nhằm đảm bảo 100% trẻ em trên toàn thế giới đều được tiếp thu một cách trọn vẹn môn học đó. Tôi tin rằng khi thành công trong việc thực hiện kiến nghị này nhân loại sẽ có một thế hệ mới đầy lòng nhân ái, vị tha, biết tôn trọng luật pháp và công lý; biết yêu chuộng và gìn giữ hoà bình, biết ghê sợ và xa lánh chiến tranh; từ đó, sẽ có hoà bình lâu dài, bền vững cho thế giới và cho chính Việt Nam chúng ta.

Tất nhiên theo tôi nghĩ, để làm được như vậy, cần có nhiều thời gian. May mắn tôi vừa chuyển giao thế hệ, con trai tôi vừa thay cha làm tổng giám đốc điều hành, nhờ vậy, tôi hoàn toàn có thời gian để tham gia nghị trường nếu trúng cử ĐBQH và dành tâm huyết cho những kế hoạch mới.

Xin cảm ơn ông!

Đức Trí thực hiện

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận