Đại hội XI của Đảng đã xác định ba đột phá chiến lược giai đoạn 2011-2020 là: “(1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; (3) Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn” .
Đại hội XII của Đảng đã đánh giá việc thực hiện ba đột phá chiến lược và tiếp tục nhấn mạnh 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của đất nước là: “Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đổng bộ), cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...”.
Việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, XII về kinh tế - xã hội, trọng tâm là thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện tương đối khẩn trương từ Trung ương đến địa phương, đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đất nước bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Thể chế kinh tế thị trường cơ bản được hình thành, các loại thị trường từng bước phát triển thống nhất trong cả nước, gắn kết ngày càng tốt hơn với thị trường thế giới. Cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được triển khai mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh, thực hiện các giao dịch. Quy mô giáo dục và đào tạo tăng nhanh, chất lượng nguồn nhân lực có bước cải thiện đáng kể. Khoa học - công nghệ có bước phát triển. Kết cấu hạ tầng từng bước được nâng cấp phát triển, nhất là lĩnh vực giao thông đường bộ, đường hàng không, bưu chính viễn thông...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện ba đột phá chiến lược vẫn thiên về hướng tiệm tiến, chưa thực sự quyết liệt và thiếu đồng bộ, sức sản xuất chưa được giải phóng triệt để, cụ thể là:
(a) Đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN...
Hệ thống pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước được bổ sung, nhưng chưa đồng bộ, hoàn thiện. Việc tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế tuy đã đạt được kết quả bước đầu, song sự phân biệt đối xử vẫn tồn tại một cách dai dẳng khó xoá bỏ ở nhiều cấp độ đang là rào cản lớn đối với phát triển nói chung. Những căn bệnh cũ của nền hành chính nhà nước vẫn chưa được khắc phục một cách cơ bản đã và đang gây nhiều bức xúc xã hội cản trở mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Hơn nữa, những yếu kém kéo dài này gắn liền với tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng là một trong những nguyên nhân làm mất lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý, điều hành của Nhà nước...
(b) Đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...
Lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật và chiến lược, quy hoạch như Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/ 2013 Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Luật Giáo dục Đại học, Chiến lược phát triển nhân lực, Chiến lược giáo dục, Chiến lược dạy nghề, Quy hoạch phát triển nhân lực… Nhiều chương trình thử nghiệm về nội dung và giải pháp quản lý giáo dục được tổ chức thành công... Lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) có nhiều khởi sắc. Hệ thống chính sách, pháp luật về KH&CN được tiếp tục hoàn thiện theo tinh thần đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động KH&CN...
Tuy nhiên, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu, chưa thực sự trở thành động lực quan trọng nhất cho phát triển. Nhiều hạn chế, yếu kém của giáo dục và đào tạo đã được nêu từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII cho đến nay vẫn chưa được khắc phục cơ bản, thậm chí có mặt lại nặng nề hơn: chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp; mâu thuẫn giữa tăng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo có xu hướng ngày càng trầm trọng; nội dung giáo dục nặng về lý thuyết, chưa gắn với thực tế, nặng về dạy chữ chưa chú trọng dạy người; phương pháp dạy và học chậm được đổi mới, chưa thực sự hướng tới phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học; bất bình đẳng trong thụ hưởng dịch vụ giáo dục - đào tạo có xu hướng gia tăng… Khoa học – công nghệ còn nhiều hạn chế, yếu kém cả trong hoạt động nghiên cứu đến hoạt động quản lý, ứng dụng vào sản xuất và đời sống...
(c) Đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ...
Kết cấu hạ tầng nước ta đã có bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng của nước ta vẫn thấp xa so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đang là cản trở lớn của sự phát triển. So với các nước tiên tiến trong khu vực, hệ thống giao thông của Việt Nam chỉ ở mức dưới trung bình, tiêu chuẩn kỹ thuật ở mức thấp và lạc hậu; chưa bảo đảm sự liên kết giữa các tuyến đường và các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế; mạng đường sắt còn lạc hậu, mạng đường cao tốc còn sơ khai... Ngoài khó khăn về vốn đầu tư, hầu như tất cả các dự án phát triển giao thông đều gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, làm chậm trễ tiến độ thi công. Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội... tại các đô thị lớn không theo kịp tốc độ đô thị hóa nhanh, đang tồn tại nhiều bất cập cản trở phát triển kinh tế và bảo đảm chất lượng cuộc sống của dân cư, trong đó nổi bật là hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, hệ tầng giáo dục, hạ tầng y tế.... Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các đô thị lớn có xu hướng gia tăng...
Những hạn chế, yếu kém nêu trên cần phải tập trung sức giải quyết, tháo gỡ, để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững trong 5, 10, 15 năm tới. Chính vì vậy, tại Hội nghị Trung ương 11, khóa XII từ ngày 7-12/10/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cần: "Xác định mục tiêu, đột phá chiến lược, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội sao cho thật đúng, thật sát với tình hình thực tế". Tại buổi làm việc với Hội đồng Lý luận Trung ương, ngày 15/10/2019, khi xác định nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương trong thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng nhấn mạnh, cần: “... làm rõ nội hàm 3 đột phá chiến lược...”.
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII (tr.62-63) nêu: Ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong 5 năm tới, để phù hợp với điều kiện, yêu cầu mới cần tập trung vào các đột phá cụ thể sau đây:
(1) Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chể phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
(2) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trong 10 năm (2021 - 2030), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng xác định ba đột phá chiến lược với nội hàm rộng lớn hơn...( tr. 43 – 44 và xin không trích lại ở đây)
Trong bối cảnh mới, nhất là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đại dịch Covid-19… đang đặt ra nhiều vấn đề, thì việc xác định các đột phá chiến lược như trong các dự thảo văn kiện sẽ trình Đại hội XIII (Báo cáo chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030) đã thực sự đầy đủ chưa?, cần bổ sung thêm đột phá nào nữa hay không?
Theo chúng tôi, cần xác định năm đột phá sau đây:
Thứ nhất, đột phá phát triển con người mà trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là giới tinh hoa, những chuyên gia, những nhà khoa học giỏi, những nhà lãnh đạo, quản lý giỏi, những nhân lực công nghệ kỹ thuật số giỏi…là đột phá gốc, đột phá nền tảng…vì như Bác Hồ nói: cán bộ là gốc của mọi công việc, con người là chủ thể của sự phát triển đất nước, từ người lao động bình thường cho đến người lãnh đạo cao nhất. Do đó, phải lấy con người là chủ thể, là trung tâm, là nguồn lực, động lực, là mục tiêu phát triển quan trọng nhất của đất nước.
Nhấn mạnh đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi lẽ, một là, nguồn nhân lực phải chất lượng cao mới đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Hai là, chú ý đến nhân lực chất lượng cao trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý như hội nghị Trung ương 7, khóa XII đã nêu “phải xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Ba là, nguồn nhân lực chất lượng cao trước hết đáp ứng cho những ngành, lĩnh vực trọng tâm then chốt.
Trong điều kiện chúng ta chưa thể đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, thì trước hết tập trung những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế để tạo sự bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực. Bốn là, nguồn nhân lực chất lượng cao phải có cơ chế vượt trội, đặc thù để thu hút trọng dụng nhân tài, những chuyên gia, những nhà khoa học giỏi, những nhân lực công nghệ kỹ thuật số giỏi cả trong và ngoài nước...Phải thực sự phát triển con người toàn diện, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam. Phải có cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước.
Tập trung nâng cao, tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo đại học, đào tạo nghề nghiệp. Đồng thời, mọi chính sách của Đảng, Nhà nước, đều phải xuất phát từ lợi ích chính đáng của nhân dân, phục vụ cho nhân dân và nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, làm cho nhân dân được hạnh phúc thực sự đúng như Quốc hiệu của chúng ta: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, độc lập, tự do, hạnh phúc. Chúng ta hướng đến mục tiêu cao cả là cuộc sống của nhân dân phải được hạnh phúc…
Thứ hai, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đất nước bền vững, toàn diện về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng, đối ngoại…, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Lấy cải cách, hoàn thiện toàn diện, đồng bộ và nâng cao chất lượng thể chể phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực thi hiệu lực, hiệu quả hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật. Giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, nguồn lực trí tuệ…theo cơ chế thị trường.
Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại. Thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng thời bảo đảm quản lý thống nhất, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Phát triển nhanh, hài hòa, đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực kinh tế, các vùng, các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; phát triển kinh tế nhà nước là chủ đạo, kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Thứ ba, có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá nâng cao về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực mới cho phát triển đất nước theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới. Phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa chủ yếu vào khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số.
Thứ tư, tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu, các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, hạ tầng các đô thị lớn, hạ tầng năng lượng, các công trình thích ứng với biến đổi khí hậu, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dự liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ năm, xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; xây dựng và phát huy tối đa giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thực sự trở thành nền tảng, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là cơ bản, lâu dài, là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên./.
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản