Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết điều này khi thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Chuyển biến tích cực
Như lĩnh vực Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ cho biết, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả thực chất hơn.
Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự đi vào cuộc sống; tiến độ một số công trình trọng điểm quốc gia chưa đạt yêu cầu; giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016 – 2019, nhất là vốn ODA còn chậm.
Với lĩnh vực tài chính, công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đạt một số kết quả, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn bám sát kế hoạch Quốc hội giao. Thị trường tài chính tiếp tục có những bước phát triển tích cực, hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch đề ra. Cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ bội chi giai đoạn 2016 – 2020 dưới 4%.
“Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt kế hoạch đề ra; còn tình trạng thất thu, trốn thuế, nợ đọng thuế; sử dụng vốn vay tại một số dự án chưa hiệu quả” - Phó Thủ tướng cho biết.
Còn trong lĩnh vực Công-Thương, báo cáo nhấn mạnh việc triển khai chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011 - 2020 đạt và vượt nhiều chỉ tiêu; xuất siêu 5 năm liên tiếp, nhất là trong bối cảnh đại dịch covid-19 tác động, 10 tháng đầu năm 2020 đã xuất siêu kỷ lục, đạt trên 18,7 tỷ USD.
Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương được tập trung chỉ đạo, từng bước phân nhóm các dự án để xác định phương án xử lý cụ thể, khả thi, dứt điểm, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị và theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chính phủ cho biết, nếu tháo gỡ được vướng mắc về thuế suất GTGT 5% đối với phân bón (Quốc hội sẽ có ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thuế GTGT phân bón tại kỳ họp này), bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu thì sẽ tháo gỡ được cho các dự án DAP-1 Hải Phòng, DAP-2 Lào Cai, Đạm Ninh Bình và có thể đưa DAP-1 Hải Phòng ra khỏi danh sách 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả trong thời gian tới.
Một số dự án đã tìm được đối tác hợp tác đầu tư hoặc đang có nhà đầu tư quan tâm mua lại tiếp tục đầu tư, hiện đang thương thảo với nhà đầu tư vào các dự án như: Nhà máy sản xuất sơ xợi Đình Vũ, Nhà máy gang thép Thái nguyên GĐ 2 và Dự án Thép Việt Trung.
Liên quan đến Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ cho biết đã ban hành Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa và các đề án có liên quan, bảo đảm đồng bộ các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Chỉ đạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới; tổ chức biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa; thẩm định, phê duyệt được 5 bộ sách giáo khoa lớp 1. Xếp hạng giáo dục Việt Nam tăng. Tuy nhiên chưa tổ chức biên soạn được 1 bộ sách giáo khoa lớp 1 đầy đủ các môn học theo NQ 88 của Quốc hội; một số sách giáo khoa như cuốn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có nội dung chưa phù hợp, sai sót, cần phải chỉnh sửa bổ sung.
Xử lý tham nhũng chưa tương xứng với tình hình thực tế
Trong lĩnh vực Nội vụ, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ, bảo đảm liên thông, đồng bộ, thống nhất, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước.
Công tác tinh giản biên chế đã bám sát lộ trình, đã giảm 334.548 biên chế do Chính phủ quản lý; bảo đảm đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015 theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy cơ quan chuyên môn ở một số địa phương vẫn chưa như mong muốn, tổ chức bộ máy chưa tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Việc thực hiện cơ chế tự chủ của một số đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm.
Công tác phòng, chống tham nhũng được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, đã thực hiện nhiều nhiệm vụ theo chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng; đã tiến hành thanh tra và kết luận nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có một số vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, mang tính đột phá trong đấu tranh xử lý tham nhũng; kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm, thu hồi nhiều tiền, tài sản, đất đai có giá trị lớn.
Tuy nhiên, còn một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ, chưa gắn việc tiếp công dân với đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng chưa tương xứng với tình hình thực tế.
“Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém” - Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh./.
Theo VOV.VN