Quốc hội thảo luận toán và phân bổ ngân sách

Ngày 5/11, Quốc hội bước vào ngày thứ 3 thảo luận phiên toàn thể về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước.

 

Ngày 5/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc toàn thể thứ 3, với 29 đại biểu đã đăng ký và sẽ tham gia thảo luận, trong đó tập trung vào dự thảo Nghị quyết về kinh tế - xã hội, điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 và các nội dung quan trọng khác.

Trong ngày làm việc 4/11, nghị trường tiếp tục nóng lên với chủ đề sách giáo khoa (SGK), theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Phó Thủ tướng ghi nhận những ý kiến tâm thuyết, trách nhiệm với mong muốn góp ý cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho ngành giáo dục để có bộ SGK tốt, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giải trình, làm rõ một số vấn đề về SGK được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quốc hộiTrước nhiều ý kiến bức xúc của dư luận và đóng góp của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng nói riêng và Bộ GD-ĐT nói chung phải hết sức chú ý, bởi những sai sót đấy có thể tránh được thì rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, để quy trình biên soạn SGK lớp 2, lớp 6 năm nay và các năm tiếp theo không xảy ra tình trạng này.

"Bộ GD-ĐT phải tận dụng công nghệ thông tin, đưa bản thảo các bộ SGK lên sớm trước khi phê duyệt, thậm chí trong quá trình thẩm định để mọi người dân góp ý, qua đó tiếp thu, chắt lọc những ý kiến đúng. Những ý kiến chưa đúng có thể giải thích lại để toàn xã hội đồng thuận", Phó Thủ tướng nói.

Tham gia giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói về các dự án thủy điện nhỏ và vừa. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, thủy điện có tính 2 mặt và có tác động đến rừng: "Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo rất quan trọng, độ ô nhiễm ít. Chính vì vậy, quản lý và khai thác được nguồn năng lượng tái tạo này như thế nào để đảm bảo giảm thiểu những tác động môi trường và phát huy tối đa hiệu quả là việc rất quan trọng".

Tranh luận vấn đề liên quan đến vận hành đập hồ thủy điện trong phòng, chống lụt bão để giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân địa phương, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) đồng tình với Bộ trưởng Bộ Công Thương việc thủy điện đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, và tính 2 mặt của thuỷ điện.

"Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng ta lấy thước đo nào để khẳng định mặt tốt là ưu việt và mặt xấu chỉ là tạm thời. Tôi không chống lại vấn đề làm thủy điện nhưng làm thế nào để đất nước không đau đớn, không thấy xót xa?", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói./.

PV/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận