Chỉ 3% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được các gói hỗ trợ
Đánh giá về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020, đa số đại biểu Quốc hội đều đồng tình với các báo cáo trình Quốc hội và báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Cụ thể, các đại biểu cho rằng, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt trên 2% trong khi hầu hết các nước trong khu vực và thế giới đều có tăng trưởng âm. Tuy bị dịch bệnh như nhưng nền kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương là điều rất đáng mừng. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức dưới 4% đạt mục tiêu đề ra. Khu vực nông lâm thủy sản tiếp tục tăng trưởng cao và cao hơn năm 2019, là trụ đỡ của nền kinh tế trong thời điểm khó khăn đã góp phần giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội. Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao khoảng 20,2%, tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%.
Song nhiều đại biểu cũng lo ngại về việc các gói hỗ trợ Covid-19 khó tiếp cận. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá kết quả việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng sâu do tác động của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt các doanh nghiệp, người lao động trực tiếp. Đại biểu Cao Đình Thưởng - Phú Thọ cho rằng, theo báo cáo tiến độ thực hiện giải ngân quá chậm, chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đang cho thấy nhiều bất cập, lúng túng trong việc thực thi, ảnh hưởng đến nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm đông đảo nhất cần hỗ trợ lại là nhóm tiếp cận khó nhất. Đây chính là nhóm động lực của năm 2021. Theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, cho đến giữa tháng 9 chỉ có khoảng 3% doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ gói hỗ trợ này. Nguyên nhân của tình trạng trên phải chăng đó là sự ngại ngùng, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của bộ phận triển khai khiến tiến độ bị chậm trễ.
Còn đại biểu Nguyễn Minh Sơn - Tiền Giang lo ngại, tình trạng nợ công tăng cao khó kiểm soát. Nợ công năm 2020 dự kiến sẽ vượt 3,6 triệu tỷ đồng, nghĩa vụ trả nợ gốc lẫn lãi khoảng 360.000 tỷ đồng. Năm 2021 nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 368.276 tỷ đồng. Năm 2021 nợ công sẽ vượt mốc 4 triệu tỷ đồng, với nghĩa vụ trả nợ ngày càng lớn, dù dự báo đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP đánh giá lại và khoảng 58,6% GDP chưa đánh giá lại, chưa vượt trần, nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách có thể vượt mức 27,4% so với nợ công ngày 31/12/2016 là 2.868.881 tỷ đồng thì 5 năm tăng 56,6%, bình quân 1 năm tăng 11,32%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Với tốc độ tăng như vậy, rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất đều cao hơn. Điều này tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia.
Truy cứu trách nhiệm hành vi in ấn trái phép, làm giả sách giáo khoa
Bàn về lĩnh vực giáo dục, câu chuyện biên soạn, lưu hành sách giáo khoa tiếp tục được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, tranh luận. Theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo - Nam Định, tháng 9/2020, ngành giáo dục bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, sử dụng sách giáo khoa mới cho đối tượng học sinh lớp 1 bước đầu thực hiện đương nhiên khó tránh sai sót, song việc kéo theo nhiều bất cập nổi lên thì thiết nghĩ, cần phải nhìn nhận lại. Cụ thể các bất cập này là năm học này mỗi nhà trường được lựa chọn các cuốn sách giáo khoa, lớp 1 trong số 5 bộ sách khác nhau. Một số bộ sách còn có sự thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic và chưa khai thác được kho tàng văn hóa dân gian của Việt Nam dẫn tới giáo viên phải vừa dạy và vừa điều chỉnh. Đây là một tình trạng thực tế và đang để lại dư luận không tốt. “Tôi đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng từng khâu để làm rõ mức độ sai sót. Pháp luật đã có đầy đủ các quy định tạo căn cứ để có thể tiến hành xử lý hay kỷ luật các cá nhân có trách nhiệm khi có dấu hiệu sai phạm... Để tránh làm tăng bức xúc cho nhân dân, tôi đề nghị cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra xét xử để truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi in ấn trái phép, làm giả sách giáo khoa, sách tham khảo để đảm bảo công bằng về quyền tác giả, về quyền xuất bản của từng bộ sách”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nói.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, tỉnh Tiền Giang băn khoăn: “Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này phải chăng đến từ việc chúng ta quá vội vàng trong khâu thẩm định nội dung sách giáo khoa của Hội đồng thẩm định, vấn đề thiếu kiểm tra, giám sát của chính cơ quan chủ quản giáo dục trong việc thực hiện thẩm định hay chính trong sự quyết định lựa chọn sách giáo khoa của các địa phương để thực hiện lộ trình theo Thông tư 32 kể trên”.
Trước những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã bày tỏ sự cảm ơn tới các đại biểu, người dân và đồng tình với ý kiến đại biểu là sai đến đâu, đến mức nào thì phải do cơ quan chuyên môn đánh giá. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, những sai sót này phải được tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn - TP Đà Nẵng: Số người thất nghiệp gần 1,2 triệu người
Theo các đại biểu, thị trường lao động đang chịu tác động tiêu cực từ Covid-19, tăng trưởng kinh tế thấp, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản cao, nguồn cung lao động và số lượng lao động có việc làm giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 10 năm qua. Cụ thể, theo Báo cáo của Chính phủ, cả năm đã tạo việc làm cho khoảng 1,27 triệu người, trong đó tạo việc làm cho trong nước là 1,2 triệu người. Tuy nhiên, theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động của 9 tháng năm 2020 đã gần 1,2 triệu người, tăng 132,1 ngàn người so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, 40% phải giảm giờ làm và 14% phải tạm nghỉ. Điều này cho thấy, đời sống người lao động nói chung đang bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Bình Phước: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 57%
Năm 2020 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 57% kế hoạch, chưa đạt theo kỳ vọng của Chính phủ đề ra, nhưng kết quả khá tích cực so với cùng kỳ và cả giai đoạn 2016-2020, trong khi vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng đầu năm chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 so với cùng kỳ. Tốc độ tăng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 9 tháng tăng tới 33% so với cùng kỳ và cao nhất từ năm 2016 đến nay. Tính đến ngày 30/9 thì có 8 bộ, cơ quan ngang bộ và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%, trong đó có 6 bộ ngành trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 70%. Tuy nhiên, vẫn còn 11 bộ cơ quan trung ương và một địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Nguyên nhân giải ngân chậm thì bên cạnh các yếu tố chủ quan như năng lực chuyên môn của cán bộ, sự chậm trễ của các nhà đầu tư thì một số nguyên nhân khách quan cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc giải ngân vốn đầu tư công, đó là sự chồng chéo, rườm rà về mặt thủ tục do các quy định ở các luật theo quy định của pháp luật dẫn đến khó thực hiện và khó khăn thứ hai là vướng trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.