'Sự tương thân tương ái ở Việt Nam không phải đất nước nào cũng có'

4 năm tăng trưởng tốt, năm 2020 do Covid-19 mà giữ được tăng trưởng dương là mừng.

 

"Trong đại dịch, bão lũ cũng thấy niềm tin, tương thân tương ái mà không phải đất nước nào cũng có được điều này”.

Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh điều này khi thảo luận tại tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, sáng 2/11.

Lo lắng về nợ công

Các ý kiến đều cho rằng, trong 5 năm qua, đất nước đạt được nhiều thành tựu. Nếu tính 4 năm bình quân GDP 6,8% và vượt mục tiêu. Đến 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, GDP sau 10 tháng chỉ đạt 2,12% và kéo giảm trung bình 5 năm và không đạt so với kế hoạch. Tuy vậy, Việt Nam cũng là số ít nền kinh tế đạt tăng trưởng dương, thậm chí tăng cao nhất khu vực trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới tăng trưởng âm do tác động của đại dịch.

Đảng, Nhà nước kip thời có những chính sách hỗ trợ người dân; cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự “chia ngọt sẻ bùi” của nhân dân đã thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tăng niềm tin của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Nguyễn Hữu Quang - Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, còn nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực cần đánh giá kỹ lưỡng. Cụ thể như tốc độ tái cơ cấu và sắp xếp lại DNNN những năm gần đây giảm xuống, trong đó có việc thoái vốn chưa đạt hiệu quả như mong muốn trong khi “thời gian 20 đến 30 năm có thể một số nước đã “hoá rồng, hoá hổ”.

Bên cạnh đó, hiệu quả tái cơ cấu đầu tư công thời gian đầu có nhiều điểm sáng thì hiện nay còn những quy hoạch, kế hoạch đầu tư của từng ngành, lĩnh vực chưa thật sự trọng tâm, trọng điểm. Thậm chí, có trường hợp kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội còn có vấn đề, như bệnh viện, trường học được đầu tư nhưng giao thông, điện chưa được đồng bộ; hay cầu làm xong lại chưa có đường. Việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập cũng chưa hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang cũng bày tỏ lo lắng về an toàn an ninh tài chính khi tỷ lệ bội chi, nợ công đang ở mức cao và dự báo thời gian tới còn cao hơn nữa. Ông cũng băn khoăn khi báo cáo cho biết năm 2021 dự kiến GDP tăng 6% nhưng dự toán thu ngân sách lại giảm 11% và “chưa bao giờ có con số lập dự toán năm sau lại thấp hơn năm trước như hiện nay”, do đó Chính phủ cần lãm rõ hơn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại thảo luận tổ sáng 2/11.

“Niềm tin người dân tăng lên là phần thưởng vô giá”

Nhấn mạnh những khó khăn, thách thức phải đối diện thời gian qua, song Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định, với sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, có hiệu quả của Đảng, Nhà nước và các cấp uỷ, chính quyền, đất nước ta vẫn đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong năm 2020 cũng như chặng đường 5 năm.

“4 năm tăng trưởng tốt, năm 2020 do Covid-19 mà giữ được thế này là mừng. Chính trị xã hội tiếp tục giữ được ổn định. Kể cả trong đại dịch, bão lũ cũng thấy niềm tin, tương thân tương ái mà không phải đất nước nào cũng có được điều này” - ông Đào Ngọc Dung nói.

Tuy vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý thời gian tới, chúng ta phải dối diện những thách thức mới, trong đó trào lưu cạnh tranh của các nước lớn ảnh hưởng trực tiếp và toàn diện đến Việt Nam. Đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn rất phức tạp trong khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn nên sẽ còn ảnh hưởng lâu dài.

Ông Đào Ngọc Dung cũng bày tỏ lo lắng về nợ công và bội chi ngân sách. Nếu tính tăng trưởng trên 4%, bội chi trên 6% thì nợ công sẽ rất cao và chắc chắn không an toàn. Đây là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu thời gian tới.

Vị đại biểu này cũng cho rằng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thực chất thì mới phát triển được. “Vừa qua có phân cấp, có phân quyền nhưng ở một số lĩnh vực, ngành vẫn còn lơ mơ, phân cấp không ra phân cấp, phân quyền chưa thực sự phân quyền”.

Nhấn mạnh sự hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân vừa qua dù trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn và không phải gói 62.000 tỷ “hoàn toàn là tiền tươi thóc thật mà còn qua các chính sách khác”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, điều này có ý nghĩa rất lớn khi thể hiện được sự quan tâm đầu tư cho xã hội và niềm tin người dân tăng lên là phần thưởng vô giá.

“Báo cáo KT-XH cần nhấn mạnh yếu tố phát triển toàn diện, hài hoà giữa kinh tế và xã hội. Trong chừng mực nào đó, quan tâm vấn đề xã hội, an sinh chưa tương xứng. Kinh tế gạch ngang Xã hội (KT-XH) nhưng không cẩn thận Kinh tế "trừ” Xã hội” - ông Đào Ngọc Dung lưu ý và một lần nữa nhấn mạnh phải đặt nặng phát triển bao trùm bền vững là mục tiêu nhất quán, tập trung./.

Ngọc Thành/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận