Xử lý nghiêm người đứng đầu nếu để xảy ra nhũng nhiễu, sai phạm

Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi và khó phát hiện. 'Lợi ích nhóm', 'sân sau' vẫn còn tồn tại làm giảm niềm tin của nhân dân là những lo ngại của các đại biểu Quốc hội.

 

Tỷ lệ điều tra, phá án đạt 85,69%

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020 (từ ngày 1/10/2019 - 30/9/2020). Cụ thể, năm 2020 đã đấu tranh làm giảm 2,76% số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 85,69 % (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao), triệt phá được nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm, các vụ án gây bức xúc dư luận đều được khẩn trương điều tra làm rõ. Trong đó, đã điều tra, làm rõ 40.026 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 85,69%; triệt phá 3.070 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được khẩn trương điều tra làm rõ.

Về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, năm 2020, đã phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56 %), 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 2,49%).

Đa số đại biểu đều tán thành với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2020 đang được kiềm chế, từng bước được ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Qua đó tạo được sự đồng thuận, củng cố lòng tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, theo số liệu của Tổ chức Minh bạch thế giới, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam trong những năm gần đây đã tăng lên đáng kể, từ 31/100 điểm năm 2012 đến năm 2019 là 37/100 điểm, đứng thứ 96/180 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng toàn cầu, tăng 21 bậc so với năm 2018. Đây là mức điểm cao nhất mà Tổ chức minh bạch thế giới đánh giá đối với Việt Nam và là năm có mức tăng điểm cao nhất từ trước đến nay, góp phần giữ vững ổn định chính trị, môi trường đầu tư kinh doanh.

Xử lý tham nhũng vặt, gây phiền hà cho dân

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số hạn chế, như công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao. Một số cơ chế, chính sách còn chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả, chưa phù hợp với thực tiễn. Vụ việc tham nhũng được phát hiện xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng diễn ra hiện nay. Thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng có lúc, có nơi còn chưa nghiêm, tự phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ chưa đáp ứng yêu cầu.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đồng Tháp cho rằng, việc xử lý tham nhũng vặt, gây phiền hà cho dân, doanh nghiệp ngày càng phức tạp, tinh vi, chưa ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, gây ảnh hưởng tới công tác phòng chống tham nhũng. “Lợi ích nhóm”, “sân sau” vẫn còn tồn tại gây bất công trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công, việc thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ nhưng còn thấp. Tham nhũng không chỉ ở các cơ quan nhà nước mà còn ở một số lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt là ở một số lĩnh vực kinh tế quan trọng, ở một số cơ quan … làm giảm niềm tin của nhân dân.

Đồng quan điểm này, đại biểu Trần Văn Mão, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, cho rằng tội phạm tham nhũng đã và đang diễn ra tinh vi, nghiêm trọng ở các lĩnh vực, đặc biệt ở những lĩnh vực tài chính, thuế, đất đai, tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và các lĩnh vực nhạy cảm khác mà dư luận, cử tri, báo chí phản ánh nhiều lần, đòi hỏi cơ quan chức năng và chính phủ cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, tránh tạo kẽ hở để các đối tượng trục lợi.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang nêu con số công tác thu hồi tiền, tài sản từ các vụ án tham nhũng mới chỉ đạt trên 43%, khoảng 15.000 tỷ đồng. Đại biểu đề nghị cần hoàn thiện chế tài ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm kinh tế, tham nhũng, lãng phí, kiên quyết thu hồi tài sản do chiếm đoạt, tham nhũng, kịp thời công khai cho cử tri và nhân dân biết những vụ việc nghiêm trọng đã và đang xử lý.

Để công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả hơn, các đại biểu đề xuất Chính phủ cần sớm triển khai đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tốt, kịp thời các dịch vụ hành chính công, đẩy mạnh dịch vụ mua sắm bằng giao dịch điện tử, nhằm hạn chế tiêu dùng tiền mặt, phòng ngừa tham nhũng hiệu quả hơn. Tăng cường công khai, minh bạch trong lĩnh vực mua sắm tài chính công, định giá, đấu thầu đất đai, tài nguyên, đấu thầu xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước, kể cả việc chi trả đền bù giải tỏa đất cho nhân dân… Một số cơ chế, chính sách còn chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả, chưa phù hợp với thực tiễn. Vụ việc tham nhũng được phát hiện xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng diễn ra hiện nay. Thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng có lúc, có nơi còn chưa nghiêm, tự phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ chưa đáp ứng yêu cầu. Các đại biểu đề nghị xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị địa phương, thanh tra chuyên ngành nếu để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, sai phạm.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận