'Cán bộ làm công tác kiểm tra mà nể nang, bị mua chuộc thì phải loại khỏi cấp ủy'

Ủy ban Kiểm tra các cấp phải gần dân, lắng nghe ý kiến đảng viên. Khi nắm được tình hình, cơ quan kiểm tra cần có đủ bản lĩnh để kiểm tra, giám sát.

 

Từ ngày 20/10/2020 đến ngày 10/11/2020, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được gửi xin ý kiến nhân dân, trong đó có Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Dự thảo báo cáo nêu rõ, công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ này đã đạt được kết quả toàn diện, trong đó nổi bật là: Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, xử lý nghiêm những tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Có thể thấy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã có gần 100 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, một số cán bộ bị xử lý hình sự. Trong đó, ở 3 thành phố đầu tàu là Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, dù chưa hết nhiệm kỳ đã phải thay nhân sự Bí thư do bị kỷ luật.

Nhìn nhận về việc này, ông Lê Truyền - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc xử lý cán bộ là điều đáng buồn, song xét về mặt lãnh đạo, chỉ đạo, trong bối cảnh yêu cầu Đảng phải siết chặt kỷ luật thì đó cũng là điều đáng mừng, góp phần làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, góp phần căn bản lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Ông Lê Truyền – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.Con số kỷ luật cán bộ nêu trên cũng cho thấy những biểu hiện tiêu cực đã len lỏi vào trong tổ chức, nhất là những người có chức, có quyền, bị chi phối bởi các lợi ích nên đã không kiểm soát được bản thân, không rèn luyện ý chí phấn đấu nên rất dễ mắc sai lầm, khuyết điểm. Cho nên việc kỷ luật nhiều cán bộ thời gian qua cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh, răn đe những người đang thi hành công vụ, nhìn vào những mặt trái đó để tự soi, tự đánh giá, tự điều chỉnh mình cả về nhận thức và hành vi, để làm sao xứng đáng với chức vụ, quyền hành, xứng đáng với sự tín nhiệm của dân.

Theo ông Lê Truyền, càng ngày công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng được coi trọng. Trong nhiệm kỳ Đại hội XI, XII của Đảng đều có Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mỗi Nghị quyết đều giải quyết những vấn đề cụ thể, phức tạp, trong đó đề cao công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, đồng thời dựa vào dân để kiểm tra, giám sát những vấn đề mà Đảng yêu cầu.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, ngoài chủ trương chung về xây dựng Đảng, thì chưa có nhiệm kỳ nào như nhiệm kỳ này, Đảng ra nhiều quyết định, quy định rất cụ thể về vấn đề nội bộ Đảng để công khai ra trước nhân dân, như nhận dạng những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hay vấn đề nêu gương, nhấn mạnh trách nhiệm càng cao thì càng phải nêu gương. Hàng loạt quy định gửi tới các chi bộ, công khai để các đảng viên biết, điều đó cho thấy quyết tâm xây dựng nội bộ Đảng mọi mặt sao cho trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.

Tuy nhiên, theo ông Lê Truyền: “Dù có nhiều quy định mới được đặt ra, để đạt được kết quả, cũng như sự chuyển biến rõ rệt hay không là nhờ các tổ chức Đảng cùng làm, cùng kiểm tra, tự kiểm tra để phát hiện ra những tiêu cực. Song, thực tế trong triển khai thực hiện còn nhiều vấn đề, hiệu quả không cao. Tình hình tổ chức, sinh hoạt chi bộ cơ sở hiện nay vẫn còn nhiều biểu hiện không sâu sắc, không trở thành hoạt động sinh hoạt chính trị sâu rộng, chặt chẽ, chưa trở thành nơi nhắc nhở, kiểm tra, đôn đốc nhằm nâng cao chất lượng đảng viên”.

Còn nể nang, né tránh, sợ đấu tranh

Nhiều năm làm công tác kiểm tra, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, việc nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật thời gian qua, ngoài nguyên nhân cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không đủ bản lĩnh để vượt qua cám dỗ về lợi ích vật chất, sa vào chủ nghĩa cá nhân, quyền lực không được kiểm soát tốt thì còn có nguyên nhân đó là tổ chức cơ sở Đảng buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát, không thực hiện nghiêm nguyên tắc phê bình và tự phê bình, còn nể nang, né tránh, sợ đấu tranh.

“Một số vụ việc tiêu cực để kéo dài, sau đó trở thành nghiêm trọng dẫn đến việc cán bộ không chỉ bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng mà còn xử lý về pháp luật, chính là do công tác kiểm tra, giám sát chưa làm tốt. Kiểm tra, giám sát đầu vào, nếu đầu vào là những người có đức, có tài thì quá trình hoạt động của người đó cũng cần phải kiểm tra, giám sát thường xuyên. Nếu vì nể nang, né tránh, bị mua chuộc, sợ liên lụy, sợ trả thù thì những cán bộ làm công tác kiểm tra phải bị loại ra khỏi cấp ủy và cơ quan kiểm tra” – ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh.

Góp ý vào dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, dự thảo báo cáo cần nhấn mạnh trong kiểm tra, giám sát, các cấp ủy vừa phải lãnh đạo chặt chẽ, trong mọi kế hoạch, chủ trương của cấp ủy, mục tổ chức thực hiện phải có công tác kiểm tra, giám sát và chỉ rõ ai kiểm tra, giám sát.

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.Ủy ban kiểm tra các cấp phải gần dân, lắng nghe ý kiến đảng viên để có thông tin về các hoạt động của tổ chức và đảng viên trong phạm vi quản lý. Đặc biệt, khi nắm được tình hình, cơ quan kiểm tra cần có đủ bản lĩnh để kiểm tra, giám sát.

“Công tác kiểm tra, giám sát phải công minh, chính xác, kịp thời. Cấp ủy, người đứng đầu, đặc biệt là những người làm công tác kiểm tra phải có bản lĩnh, không nể nang, né tránh, không sợ liên lụy” – ông Vũ Quốc Hùng cho hay.

PGS.TS Nguyễn Văn Giang (giảng viên cao cấp – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, để tránh những tiêu cực xảy ra, đòi hỏi công tác cán bộ phải được thực hiện với quy trình chặt chẽ để chọn lựa được những cán bộ đủ tầm, đủ năng lực nắm giữ vị trí chủ chốt. Ngoài ra, cần tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực của các cán bộ lãnh đạo mới đảm đương nhiệm vụ, tránh để xảy ra vi phạm, sai phạm do nhận thức; tăng cường giáo dục, nhắc nhở, kể cả người đứng đầu.

“Tăng cường kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện những tiêu cực, nếu để sai lầm tích tụ lâu ngày sẽ dẫn đến làm hỏng cán bộ. Phải có quản lý, giám sát của tố chức, nhắc nhở thường xuyên để các đồng chí nâng cao trách nhiệm của mình. Quyền lực được trao thì phải được kiểm soát bằng nhiều biện pháp, xử phạt nghiêm minh những người làm sai và cố tình làm sai” – ông Nguyễn Văn Giang nói và nhấn mạnh, trong sinh hoạt Đảng phải thường xuyên nhắc nhở, giáo dục cán bộ, đảng viên cần làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, những dấu hiệu mất đoàn kết, chia rẽ cần phải được phát hiện sớm, xử lý sớm./.

Kim Anh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận