ĐH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX: Không gian phát triển mới, tạo đột phá mới

Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kì 2020 – 2025, diễn ra từ ngày 26-28/10.

 

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa trả lời VOV trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kì 2020 – 2025, diễn ra từ ngày 26-28/10.

Trong các nội dung hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII, nhiệm kì 2015-2020 đã đề ra, theo đồng chí, đâu là dấu ấn khẳng định nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa?

Nhiệm kỳ 2015-2020, Thanh Hóa phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vượt qua tất cả, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã kết thúc nhiệm kỳ 2015 - 2020 với rất nhiều thành công và thắng lợi; trong đó nổi bật là:

Thứ nhất, Kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức cao, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt hai con số; bình quân giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến đạt 12,1%, vượt mục tiêu Đại hội, gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Quy mô GRDP của tỉnh năm 2020 dự kiến đạt 131.199 tỷ đồng, gấp 1,77 lần năm 2015, đứng thứ 8 cả nước, cao nhất trong các tỉnh Bắc Trung Bộ; GRDP bình quân đầu người dự kiến đạt 2.616 USD, gấp 1,8 lần năm 2015. Thu ngân sách nhà nước luôn vượt dự toán và tăng cao so với đầu nhiệm kỳ; tốc độ tăng thu bình quân hằng năm ước đạt 18,1%, trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước; năm 2020 ước đạt 29.000 tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2015.

Thứ hai, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt kết quả cao; Thanh Hóa là địa phương đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và là một trong những tỉnh có số xã, huyện đạt chuẩn NTM cao nhất nước. Đến nay, toàn tỉnh có 8 đơn vị cấp huyện, 379 xã (sau sáp nhập là 312 xã) và 961 thôn, bản (sau sáp nhập là 756 thôn, bản) hoàn thành xây dựng NTM; bình quân toàn tỉnh đạt 17,01 tiêu chí/xã. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư; tỷ lệ đô hóa ước đạt 35%; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc theo hướng hiện đại, văn minh.

Thứ ba, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Sau nhiều quyết tâm lãnh đạo, đã xác định được năm 1029 - năm Thiên Thành thứ hai, đời vua Lý Thái Tông là năm đầu tiên xuất hiện danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao luôn trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; xã hội hóa y tế được đẩy mạnh, đã ứng dụng, chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật mới tại các bệnh viện tuyến tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Thứ tư, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế; sự phối hợp với các cơ quan Trung ương, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được đẩy mạnh. Vai trò, vị thế, uy tín của tỉnh Thanh Hóa ngày càng được nâng cao.

Thứ năm, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, sáng tạo, đạt nhiều kết quả. Thanh Hóa là một trong các tỉnh đi đầu trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố.

Những kết quả nêu trên, cùng với việc lần đầu tiên Thanh Hóa được Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng - Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 05-8-2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã tạo động lực mạnh mẽ cả về nguồn lực vật chất và tinh thần, mở ra những thời cơ, vận hội mới rất nổi trội và khác biệt để Thanh Hóa tiếp tục phát triển đột phá trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc và sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Đồng chí đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa”.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, khẳng định bước trưởng thành, lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh – một trong những Đảng bộ có bề dày truyền thống cách mạng, được thành lập từ rất sớm và là Đảng bộ có số lượng đảng viên đông, lớn thứ hai cả nước (sau Đảng bộ thành phố Hà Nội). Nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội chính là tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 -2020 và quyết định phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trong 5 năm tới, tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045.

Càng đặc biệt hơn, khi Đại hội lần này là nhiệm kỳ đầu tiên Thanh Hóa triển khai thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05-8-2020 của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bởi vậy, việc tổ chức thành công Đại hội có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đối với sự phát triển của tỉnh trong 5 năm tới và những năm tiếp theo.

Ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của Nghị quyết này đối với sự phát triển của Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung?

Việc Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa, là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là sự ghi nhận, đánh giá cao của Trung ương về những đóng góp của Thanh Hóa cho đất nước từ trước đến nay; đồng thời mở ra cho tỉnh Thanh Hóa những thời cơ, vận hội mới rất nổi trội và khác biệt, để Thanh Hóa tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, đột phá trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Đây không chỉ là mốc son trong chặng đường xây dựng và phát triển của tỉnh, mà còn khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thanh Hóa đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Thực hiện thắng lợi Nghị quyết, tôi tin rằng, Thanh Hóa sẽ hiện thực hóa được “khát vọng thịnh vượng” và sẽ sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” theo lời dạy của Bác Hồ lúc sinh thời.

Công tác nhân sự có ý nghĩa quyết định sự thành công trong thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng. Thanh Hóa đã chuẩn bị công tác nhân sự như thế nào, thưa ông?

Lựa chọn nhân sự tham gia cấp ủy các cấp là công việc đặc biệt hệ trọng, quyết định đến sự phát triển của mỗi ngành, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Do đó, quán triệt sâu sắc Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước về công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức quán triệt và ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể các bước quy trình nhân sự đại hội đảng bộ các cấp.

Trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thống nhất chỉ đạo: kiên quyết đưa ra khỏi phương án nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tiếp theo đó, với quy trình 5 bước theo Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2007 và quy trình nhân sự cấp ủy được quy định trong Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, khách quan, từ hội nghị cán bộ chủ chốt, hội nghị ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy các cấp, cho đến lấy ý kiến nhận xét, đánh giá của tập thể cán bộ, cấp ủy nơi nhân sự làm việc, công tác và nơi nhân sự cư trú... tôi nghĩ đã lựa chọn được những người có đức, có tài, tâm huyết tham gia vào cấp ủy, để cùng tập thể gánh vác công việc chung của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Trong nhiệm kì tới sẽ có nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh không tham gia Ban Chấp hành khóa mới. Điều này có ảnh hưởng tới việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kì tới không, thưa ông?

Đối với Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2020-2025 là nhiệm kỳ chuyển giao thế hệ, có nhiều đồng chí trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVIII không tái cử khóa mới. Ý thức được điều này, ngay từ đầu nhiệm kỳ (năm 2017), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và xây dựng quy hoạch các chức danh cán bộ chủ chốt của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021-2026.

Trên cơ sở quy hoạch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành cử các đồng chí trong quy hoạch đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn theo chức danh cán bộ quản lý.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mở 02 lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 173 đồng chí trong nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (lớp cán bộ nguồn của tỉnh); đồng thời, đã tiến hành luân chuyển, điều động nhiều cán bộ trẻ, cán bộ trong quy hoạch, từ tỉnh về huyện và từ huyện về tỉnh công tác nhằm tạo điều kiện để các đồng chí đó được rèn luyện, thử thách và có cơ hội khẳng định mình trong thực tiễn công tác.

Với sự chuẩn bị chủ động và có kế hoạch như vậy, tôi tin tưởng Thanh Hóa sẽ tiếp tục có đội ngũ cán bộ tốt, đủ sức gánh vác và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Xin cảm ơn ông!

Bùi Cư thực hiện

“Với không gian phát triển này không chỉ gắn kết các địa phương trong tỉnh mà còn gắn kết Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ, vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Thủ đô và vùng Tây bắc. Đây cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển theo tinh thần của Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”

                                                                               

 

Bình luận

    Chưa có bình luận