Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Quyết định nhiều vấn

Sau gần một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, Quốc hội đã hoàn thành chương trình với nhiều nội dung quan trọng, để lại dấu ấn với cử tri cả nước

 

Để lại nhiều dấu ấn

Ngay ngày đầu kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Theo đó, 99,79% đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại lễ nhậm chức, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tuyên thệ “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp”.

Chia sẻ trước Quốc hội sau lễ tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm. Đồng thời nhấn mạnh, đây là một vinh dự vô cùng to lớn, đồng thời cũng là một trách nhiệm hết sức nặng nề nên sẽ nỗ lực cố gắng thực hiện những lời vừa tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước.

Một trong những nội dung quan trọng khác được Quốc hội triển khai ngay trong tuần đầu tiên của kỳ họp là việc lấy phiếu tín nhiệm.  Và cũng là lần đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở các đại biểu Quốc hội vì kỳ họp có khối lượng công việc lớn nên các đại biểu phải nêu gương tập trung họp, không tập trung giao lưu tiệc tùng. Sau khi biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Đây là lần thứ 3 Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Theo các đại biểu Quốc hội, trải qua 2 lần lấy phiếu tín nhiệm vào năm 2013 và 2014 cho thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm đã phát huy tác dụng tốt, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động người lấy phiếu. Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Đồng thời giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Cũng thông qua con số phần trăm tín nhiệm, cơ quan Đảng cũng biết người mà Đảng giới thiệu làm các nhiệm vụ của Nhà nước có đầy đủ phẩm chất và năng lực để giữ trọng trách này hay không. Những lá phiếu tín nhiệm như là lời nhắc nhở, thậm chí là răn đe các bộ trưởng, trưởng ngành cần hành động quyết liệt hơn, tạo ra sự chuyển biến thực sự.

Thực tế có những người ở kỳ trước phiếu tín nhiệm thấp thì kỳ sau đã cao hơn hẳn. Bên cạnh đó, có sự chuyển biến rất rõ nét ở các ngành, các lĩnh vực đó. Tức là sau mỗi kỳ lấy phiếu tín nhiệm, họ đã soi lại mình, phát huy các kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, tồn tại và có biện pháp tổ chức thực hiện năng động, sáng tạo hơn để thực hiện nhiệm vụ được giao.

 Theo các đại biểu, đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện mức độ tín nhiệm và sự ghi nhận, đánh giá công tâm, khách quan về những nỗ lực, kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Thông qua 09 luật và cho ý kiến 06 dự án luật

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 09 luật và cho ý kiến về 06 dự án luật khác. 09 Luật được thông qua gồm Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Công an nhân dân; Luật Đặc xá; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Cho ý kiến 06 dự án luật là Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.


Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước

Đồng thời, Quốc hội quyết định đưa dự án Luật Hành chính công ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và dừng việc xây dựng dự án Luật này; xem xét, thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019); mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung và đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự thành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). 

Đáng chú ý, Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được thông qua ngay trước phiên bế mạc. Nhưng riêng vấn đề xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, vì chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất nên Quốc hội đã quyết định để lại nội dung này để tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Theo nhiều chuyên gia pháp lý, quyền sở hữu tài sản là qyền cơ bản của công dân được Hiến pháp công nhận và bảo vệ. Vì thế, việc các đại biểu Quốc hội thể hiện sự cẩn trọng đối với quy định này là điều cần thiết.

Phát biểu tại lễ bế mạc, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, kỳ họp thứ 6 là kỳ họp cuối năm 2018, cũng là kỳ họp có ý nghĩa sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước.

Qua việc đánh giá cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm qua vẫn phát triển khá toàn diện, việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt mục tiêu, tiến độ đề ra, GDP tăng trưởng tích cực, an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động tư pháp, công tác xây dựng chính quyền có nhiều đổi mới, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao.

Quốc hội đánh giá cao sự điều hành quyết liệt và sát sao của Chính phủ, sự chủ động, nỗ lực, phối hợp hiệu quả của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương, lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp, cùng các tầng lớp Nhân dân về những thành tích nổi bật của năm 2018 và trong 3 năm qua; đồng thời, đã phân tích, chỉ ra những bất cập, hạn chế, khó khăn, thách thức của nền kinh tế nước ta và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm tiếp tục phát triển bền vững trong bối cảnh mới. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã quyết định và thông qua 04 nghị quyết về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước.

Phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với sự đồng thuận rất cao, là quốc gia thứ 7 phê chuẩn Hiệp định này, điều đó có ý nghĩa quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta trong việc chủ động hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Việc thông qua Hiệp định CPTPP là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với các tác động của kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp với chiều hướng bảo hộ thương mại gia tăng của các nền kinh tế lớn.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. Với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động. Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP sẽ giúp ta có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp ta nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Đồng thời, Việt Nam có điều kiện rất tốt để thu hút đầu tư FDI của 10 thành viên còn lại. Thông qua thành viên của hiệp định, là các nước có nền kinh tế phát triển cao, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, chúng ta sẽ học tập, trao đổi kinh nghiệm để hoàn thành hệ thống pháp luật nước ta, cũng như việc quản lý, điều hành nền kinh tế thị trường.

Nói về cơ hội mà Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mang lại, các đại biểu Quốc hội đều khẳng định, CPTPP là một Hiệp định quan trọng, khẳng định nước ta chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực, khả năng ứng phó với tác động của kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do khác.

Quan trọng nhất, CPTPP được đánh giá là “cơ hội vàng” để Việt Nam đẩy nhanh cải cách thể chế trong nước, thúc đẩy vận hành nền kinh tế thị trường một cách toàn diện, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận