Bão số 8 đổ bộ vào khu vực Bắc và Trung Trung Bộ từ đêm 24 và sáng 25/10
Sáng 21/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức họp khẩn cấp bàn các phương án ứng phó với bão số 8 và tình hình mưa lũ tại miền Trung. Dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cùng đại diện các bộ, ban, ngành có liên quan.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định: “Bão số 8 có phổ và hướng di chuyển và cường độ rộng khi khu vực ảnh hưởng kéo dài từ Bắc Bộ đến Nam Trung Bộ. Bão số 8 có thời điểm có cường độ mạnh nhất tới cấp 11 - 12 giật cấp 13 - 14 rơi vào thời điểm di chuyển gần đảo Hoàng Sa. Khi vào gần bờ thì giảm xuống cấp 8 - 9”.
Theo ông Khiêm, trong ngày và đêm nay (21/10), khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6 - 7, gần tâm bão cấp 8 sau đó mạnh lên cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 12. Ở vùng Vịnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió mùa Đông Bắc cấp 6, giật cấp 8.
“Nếu cứ duy trì theo hướng này, khi vào bờ, bão số 8 sẽ gây mưa chủ yếu từ 200 - 300mm, bão và hoàn lưu sau bão không gây mưa lớn như những đợt vừa qua. Dự báo khu vực chịu ảnh hưởng chính là vùng Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ, khu vực này đang bị tổn thương sẵn vì vậy cần hết sức lưu ý. Dự báo thời điểm bão vào từ đêm 24/10 – ngày 25/10”, ông Khiêm nhấn mạnh.
Ông Khiêm cho biết thêm, trong ngày hôm nay tại khu vực Trung Trung Bộ mưa đang giảm dần, trong những ngày tới mưa chủ yếu do nhiễu động từ dông, thường diễn ra vào khoảng đêm và sáng.
Ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cho biết, ngay chiều và tối nay trên biển Đông đã có sóng gió rất lớn ảnh hưởng trực tiếp đến các tàu thuyền. Dự báo vào khoảng sáng thứ Hai bão sẽ vào bờ, 9h sáng thứ Hai thủy triều bắt đầu lên sẽ tương tác với bão vào nên cần hết sức chú ý.
“Hiện nay các cơ quan đã thông báo tới trên 52.000 tàu thuyền trong đó còn 10.000 tàu thuyền còn đang hoạt động trong khu vực có thể ảnh hưởng của bão để biết thông tin để di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các hồ thủy lợi, thủy điện ở khu vực miền Trung cơ bản đã đầy nước. Riêng ở Bắc Trung Bộ, dung tích 65-90% dung tích thiết kế, 1.249 hồ đầy nước, 55 hồ hư hỏng nặng, 41 hồ đang thi công. Hồ Kẻ Gỗ mực nước hiện tại 31,97, dưới mực nước dâng bình thường 0,53m; dung tích còn 17,52 triệu m3“, ông Hoài thông tin.
Theo ông Hoài, giai đoạn (ngày 9/10, 17/10 và 19/10), Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng gửi tin nhắn đến 25,8 triệu thuê bao để ứng phó với bão và mưa lũ; tăng cường tuyên truyền qua mạng xã hội (trang Fanpage Thông tin phòng chống thiên tai với hơn 57.000 người theo dõi; trang Zalo Phòng chống thiên tai với hơn 730.000 lượt xem).
Tính đến 19h ngày 20/10, còn 124.569 hộ dân tại 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình còn ngập lụt. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã sơ tán tổng số 59.296 hộ với 206.755 người; Quốc lộ 1 cũ qua tỉnh Quảng Bình còn 1 đoạn bị sâu 60cm; đường Hồ Chí Minh nhánh Tây còn 1 điểm bị ngập sâu 1m; Quốc lộ 49 còn 6 điểm bị sạt lở gây ách tắc. Tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua khu gian Phú Hòa - Mỹ Trạch, tỉnh Quảng Bình còn phải phong tỏa do ngập sâu.
Thiếu tướng Doãn Thái Đức - Chánh Văn phòng UBQG Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, thực hiện Công điện số 29 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã tập trung ứng phó với bão số 8, sẵn sàng 678.337 lượt người với hơn 5.000 phương tiện ứng trực để ứng phó với bão số 8.
Tiếp tục chỉ đạo, quán triệt nghiêm theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ, ứng trực 24/24h, chỉ đạo đơn vị tiếp tục kiểm tra, sẵn sàng các phương án ứng phó với bão số 8. Phối hợp với các ngành và địa phương để đảm bảo an toàn cho người dân, giúp dân di chuyển tài sản, di dời dân vào khu vực an toàn…Chủ động xuất cấp áo phao, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, các hàng dự trữ,…để khắc phục hậu quả của bão số 7 và mưa lũ đang gây ra.
Không được để giọt nước làm tràn ly
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết: “Mặc dù bão số 8 còn cách xa, nhưng hiện tại gió mạnh trên biển đã tương tác với gió mùa Đông Bắc gây ra những nguy hiểm trên biển ngay từ hôm nay (21/10). Đề nghị các ngành, địa phương tập trung thông báo đến các tàu thuyền, đảm bảo an toàn kinh tế biển. Các tàu vãng lai trên biển cực kỳ rủi ro do không thông thạo luồng lạch. Tâm lý ngư dân nằm bờ quá lâu nên muốn ra đánh bắt cần hết sức lưu ý. Hiện còn 44 điểm sạt lở tại bờ biển đề nghị đảm bảo an toàn ở khu vực này nhất là khi bão vào gây ra những nguy cơ rất lớn”.
Theo ông Cường, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ đang bị thiệt hại nặng nề do bão, mưa lũ, dễ bị tổn thương, khi bão số 8 vào cần hết sức lưu ý. Hiện nay tất cả 2.600 hồ ở khu vực miền Trung cơ bản đã đầy ắp nước, cần lưu ý các hồ chứa, hồ thủy lợi nhất là hồ nhỏ và vừa hồ đang sửa chữa, xuống cấp không được để giọt nước làm tràn ly.
“Bão số 8 càng vào gần bờ kết hợp với nhiều hình thái sẽ gây ra nguy hiểm rất lớn. Biến đổi khí hậu khiến thiên tai không tuân theo quy luật nào. Quy luật duy nhất hiện nay là “bất tuân quy luật”, vì vậy, cần tập trung ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ vì có những thời điểm nước xa không cứu được lửa gần”, ông Cường nhấn mạnh.
Đề nghị hỗ trợ mỗi tỉnh 5 tấn xúc xích
Phát biểu Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng BCĐ Trung ương về PCTT đề nghị các cơ quan cần tập trung quyết liệt ứng phó với bão số 8 và khắc phục hậu quả mưa lũ ở các địa phương nhất là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị khi người dân đang gặp rất nhiều khó khăn.
“Nhiệm vụ số 1 hiện nay là tập trung cứu trợ người dân đặc biệt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị. Cuộc sống người dân ở khu vực này đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường hợp đáng thương, thiếu thốn đủ bề. Do không có điều kiện nấu nước, đề nghị ngoài hỗ trợ gạo, mỳ tôm và các nhu yếu phẩm khác thì cần hỗ trợ ngay mỗi tỉnh 5 tấn xúc xích chín đề người dân ăn chống đói. Cùng với đó, cần bổ sung các phương tiện cứu nạn cứu hộ, từ ca nô cho đến trực thăng để kiểm tra, cứu trợ, cứu nạn kịp thời”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu cần đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền, người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh trên biển. “Những trường hợp nào cố tình không vào khu vực an toàn thì phải cưỡng chế”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Tất cả các địa phương có liên quan phải xây dựng phương án ứng phó, trước hết là sơ tán dân trước khi bão vào bờ; Chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lũ, bão. Kiểm tra tất cả các hồ đập, đảm bảo an toàn cho những công trình này.
Đảm bảo an ninh nguồn nước, các hồ chứa nước ngọt. Đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhất là thời điểm mưa lũ, bão vào. Bảo vệ sản xuất, các cơ sở du lịch, mùa màng,…Cần tập trung xử lý, không để dịch bệnh xảy ra khi lũ rút.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương Bộ TT&TT và các cơ quan truyền thông, báo chí trong thời gian qua đã hết sức tận tụy, có mặt rất nhanh ở những nơi khó khăn nhất. “Các nhà báo đã không quản hiểm nguy, vượt suối băng rừng đến đưa tin và giúp đỡ người dân đang gặp nạn. Có những thời điểm có mặt trước những cơ quan có liên quan”./.
Tình hình thiệt hại do mưa lũ
Tổng số thiệt hại về người từ 6/10-20/10 là 133 người, trong đó có 111 người chết (Nghệ An 2; Hà Tĩnh 3; Quảng Bình 9; Quảng Trị 49; Thừa Thiên Huế 28, Đà Nẵng 3, Quảng Nam 11, Quảng Ngãi 1, Kon Tum 2, Gia Lai 1, Đắk Lắk 1, Lâm Đồng 1); 22 người, mất tích (Hà Tĩnh 1; Quảng Trị 4, giảm 4 người đã về nhà; Thừa Thiên Huế: 15 người (tại Rào Trăng 3), Đà Nẵng 1, Gia Lai 1).
Sạt lở đất: 60 người; lũ: 60 người; tai nạn trên biển: 8 người; nguyên nhân khác: 5 người.
Về nông nghiệp: 371ha lúa bị ngập; 7.126ha hoa màu bị ngập, hư hại; 5.876 con gia súc, 685.225 con gia cầm bị chết, cuốn trôi./.
Công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xuất gạo dự trữ quốc gia và tạm cấp từ dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 hỗ trợ 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ, thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, an sinh xã hội.
Quân khu 4 đã cử các đoàn công tác đến thăm và trao 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo, 8,5 tấn lương khô hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các huyện, thị xã và thành phố Huế huy động lực lượng hỗ trợ người dân tập trung khắc phục nhà cửa bị hư hỏng, tổ chức dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo sinh hoạt trở lại của người dân; tập trung chỉ đạo khôi phục đường giao thông, hệ thống điện, viễn thông sau khi lũ rút; cấp phát và phân phối 78 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo và 38.700 mì tôm, 150 suất hàng hỗ trợ khẩn cấp.
Các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và quân khu 4 huy động nhiều phương tiện, vật tư, máy móc, nhân lực để tổ chức di dời dân và khắc phục hậu quả do mưa lũ, ngập sâu diện rộng, sạt lở đất.
|
Theo VOV.VN