Sáng nay 19/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân chủ trì Lễ đón Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Phu nhân trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 18 - 20/10. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide và lần thứ hai liên tiếp Thủ tướng mới của Nhật Bản chọn Việt Nam là nước đi thăm đầu tiên ngay sau khi nhậm chức.
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục đà phát triển tốt đẹp, thực chất; chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Suga Yoshihide thể hiện sự tin cậy, hợp tác gắn bó giữa hai nước với mong muốn đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới.
Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973. Kể từ đó đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, sự tương đồng về văn hóa, về lịch sử, về truyền thống là những yếu tố quan trọng cấu thành chất keo gắn kết hai đất nước, hai dân tộc.
Sau gần nửa thế kỷ, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp, trở thành tài sản chung quý báu của cả hai quốc gia. Nếu như năm 2002, Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”, thì chỉ 2 năm sau đó, quan hệ hai nước được nâng cấp lên “Đối tác bền vững”. Đến năm 2009, Việt nam - Nhật Bản đã thiết lập “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Nhật Bản cũng là nước G-7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam và công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Đến năm 2014, Việt Nam - Nhật Bản ra “Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”.
Đánh giá về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, nhiều nhà phân tích cho rằng, quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử với sự tin cậy cao. Các nhà Lãnh đạo Nhật Bản và Việt Nam đã đến thăm lẫn nhau thường xuyên. Riêng Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo thăm Việt Nam 4 lần. 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Abe Shinzo, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã có những bước tiến mạnh mẽ.
Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư thứ hai, đối tác du lịch thứ ba, thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Về giáo dục, Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành Giáo dục đào tạo của Việt Nam. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện đạt hơn 80.000 người.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Việt Nam và Nhật Bản vẫn duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần điện đàm với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, cùng bàn giải pháp hợp tác chống lại đại dịch. Việt Nam đã hỗ trợ nhân dân Nhật bản 1.190.000 khẩu trang y tế và 20.000 khẩu trang vải. Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế và đưa công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản vào đối tượng được cấp khoản tiền hỗ trợ 100.000 Yên/người (khoảng 950 USD). Mới đây nhất, ngày 15/9/2020, Việt Nam - Nhật Bản đã mở lại đường bay thương mại (4 chuyến/tuần). Hiện các bộ, ngành hai nước đang tích cực trao đổi về quy chế đi lại ưu tiên cho đối tượng là doanh nhân, nhà đầu tư, chuyên gia, kỹ sư… làm việc ngắn ngày.
Những lĩnh vực hợp tác này cho thấy quan hệ Việt - Nhật đã trở thành kiểu mẫu cho mối quan hệ hữu nghị, đôi bên cùng có lợi, tạo ra nền tảng cho sự hợp tác vì ổn định và hòa bình của khu vực Đông Nam Á và khu vực rộng lớn hơn.
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang tiếp tục phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Suga Yoshihide và Phu nhân cho thấy sự tin cậy chính trị ngày càng được củng cố giữa hai quốc gia.
Quan trọng hơn, việc đón Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thăm chính thức Việt Nam lần này là cơ hội khẳng định với cộng đồng quốc tế về một Việt Nam an toàn, hiệu quả trong đối phó dịch Covid-19, đồng thời đề cao thành tựu đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao vị thế quốc tế, triển khai đường lối đối ngoại, quyết tâm hội nhập quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động sau đại dịch./.
Hồ Điệp/VOV1