Năm 2025, TP.HCM phấn đấu tỷ lệ đất giao thông trên 15%

Đây là 1 trong 26 chỉ tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM đề ra cho nhiệm kỳ tới.

 

Giao thông - đô thị nhiều chuyển biến, song vẫn chưa tương xứng với vị thế

Thay mặt cho Đảng Bộ TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành Ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM đã trình bày báo cáo chính trị tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách như những thay đổi về nhân sự lãnh đạo cấp cao và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song Đảng bộ thành phố đã nỗ lực vượt bậc để có thể hoàn thành 11/14 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, trong đó, 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Đáng chú ý, TPHCM tiếp tục là địa phương có năng suất lao động cao nhất bằng 2,6 lần năng suất lao động bình quân cả nước; đóng góp hơn 22% vào kinh tế cả nước; đóng góp ngân sách lớn nhất, chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia; tăng trưởng bình quân 2016 - 2019 là 7,7%/năm. TP.HCM là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm tỷ trọng 15% công nghiệp và 33% dịch vụ của cả nước.

Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.(Ảnh: Trung tâm báo chí Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI)

Trong lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị ghi nhận có nhiều tiến bộ, chỉnh trang và phát triển đô thị có bước chuyển biến tích cực; thực hiện bước đầu có hiệu quả công tác giảm ngập nước, cơ bản giải quyết tình trạng ngập do triều cường, tình hình ngập do mưa được cải thiện.

Tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc và giảm tai nạn giao thông. Ngoài ra. TP.HCM cũng là địa phương tiên phong triển khai xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh.

Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận rằng, công tác quản lý quy hoạch còn khó khăn, hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng mặc dù có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cơ chế huy động nguồn lực thực hiện dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP) còn nhiều vướng mắc.

Các dự án thuộc chương trình giảm ngập nước triển khai thực hiện còn chậm; tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Vận tải hành khách công cộng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè chưa có giải pháp căn cơ…

Ông Nguyễn Thành Phong - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM trình bày báo cáo chính trị trước Đại hội. (Ảnh: Trung tâm báo chí Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI)

Với quyết tâm tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước và khẳng định vị thế đi đầu trong đột phá về thể chế để phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, Đảng bộ TP.HCM đã nghiêm túc nhìn nhận các hạn chế yếu kém của mình, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá và đề ra các mục tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ 5 năm tới.

Một số chỉ yêu đáng chú ý đến năm 2025 như phấn đấu đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân hàng năm từ 8 - 8,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; Phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt từ 8.500 - 9.000 USD/người; Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 1%/GRDP; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tạo việc làm mới cho 700.000 lao động , tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%....

Trong lĩnh vực giao thông đô thị, an toàn giao thông, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,5 km/km2; diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65m2/người (hướng tới 2030 không dưới 1m2/người). Bên cạnh đó, thành phố sẽ nỗ lực kéo giảm ít nhất 5% số người chết do tai nạn giao thông hằng năm.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Đảng bộ TP.HCM đã đặt ra yêu cầu phải phát huy hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, xem quy hoạch là công cụ quan trọng để quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục phát triển xây dựng thành phố theo hướng đô thị xanh, văn minh.

Đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng xã hội, nâng cao hiệu quả công tác giảm ngập nước, phát huy hiệu quả dự án giảm ngập do triều sau khi hoàn thành.

Xây dựng và triển khai mạnh mẽ các giải pháp giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, đầu tư phát triển giao thông liên vùng, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, phát triển đường sắt đô thị, các đường vành đai. Quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Xây dựng những giải pháp mang tính chất đột phá nhằm nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, có lộ trình tăng tỷ lệ xe ô tô điện toàn thành phố

Phải kiên trì và đảm bảo tốt tiến độ triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh đồng bộ với phát triển kinh tế số và xã hội số; đưa vào khai thác, vận hành có hiệu quả Kho dữ liệu dùng chung; đầu tư hoàn thiện Trung tâm điều hành thông minh và Trung tâm dự báo thuộc Đề án. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi dữ liệu số của toàn thành phố trước năm 2025.

Ủy viên Bộ Chính Trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. (Ảnh: Trung tâm báo chí Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI)

Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP.HCM tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy viên Bộ Chính trị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ vừa qua đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội để đưa Thành phố phát triển, đóng góp quan trọng và thành tựu chung cả nước.

Thủ tướng nhận định bên cạnh những ưu điểm, kết quả nổi bật, thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục. Đáng chú ý là động lực tăng trưởng mới của thành phố còn nằm trên định hướng, chưa định hình rõ nét. Kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập. Quy hoạch và quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

Trong nhiệm kỳ qua, Thủ tướng Chính phủ đã 8 lần trực tiếp làm việc với TP.HCM để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập. Thay mặt Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành để đưa “con tàu” TPHCM tiến nhanh hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn, vững chắc hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị thành phố cần đi đầu trong việc tạo ra cơ chế, chính sách đột phá để huy động phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bởi theo Thủ tướng thì TP.HCM không thiếu nguồn lực, chỉ thiếu cơ chế, chính sách phù hợp. Ngoài ra cần kiên quyết không để tình trạng chậm xử lý công việc, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, “quyền anh quyền tôi”, “trên nóng dưới lạnh” tiếp diễn, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, thiếu trách nhiệm trong phối hợp công tác và xử lý công việc với các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.

Đặc biệt, TP.HCM cần tiếp tục ưu tiên bố trí và huy động nguồn lực để tạo đột phá trong đầu tư phát triển, sớm hoàn thiện đồng bộ, hiện đại hóa, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội của thành phố, nhất là các dự án giao thông ứng phó biến đổi khí hậu và hạ tầng số, giải quyết cho được sớm tình trạng ngập úng và ùn tắc giao thông hiện nay.

Ngoài ra, cần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, chống ngập… trên địa bàn thành phố.

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận