Tỷ lệ nữ tham gia Trung ương, Quốc hội hiện đạt bao nhiêu?

Tỷ lệ nữ tham gia các cấp uỷ Đảng khoá XII đều tăng so với khoá XI. Đại biểu QH và HĐND nhiệm kỳ sau cũng cao hơn nhiệm kỳ trước, nhưng chưa đạt chỉ tiêu đặt ra

 

Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới năm 2019 và giai đoạn 2011-2020 cho thấy, sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược, trong 22 chỉ tiêu có 13 chỉ tiêu dự kiến đạt, 9 chỉ tiêu chưa đạt hoặc chưa có đủ cơ sở để đánh giá kết quả.

Tuy vậy, có thể khẳng định, kết quả triển khai thực hiện các Mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới trong các lĩnh vực có những tiến bộ rõ nét. Trong giai đoạn này, lần đầu tiên phụ nữ tham gia một số vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và cơ quan lập pháp.

Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế và có nhiều cơ hội để có những việc làm tốt, mang lại thu nhập cao hơn. Một số chỉ số phát triển được cải thiện đã đưa Việt Nam lên các bậc xếp hạng cao hơn và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới.

Lần đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: VOV - Đông Bắc

Tuy vậy, Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, một trong những tồn tại, hạn chế là một số chỉ tiêu đặt ra quá cao, không có tính khả thi nên mặc dù các cấp, các ngành đã rất nỗ lực nhưng không thể thực hiện được.

Về Mục tiêu “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”, kết quả thể hiện sự tiến bộ, song so với yêu cầu đặt ra vẫn chưa đạt.

Chỉ tiêu 1 phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp uỷ Đảng nhiệm kỳ 2016-2020 từ 25% trở lên; Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016-2021 trên 35%.

Thống kê của Chính phủ cho thấy, tỷ lệ nữ tham gia các cấp uỷ Đảng khoá XII đều tăng hơn so với khoá XI. Như tỷ lệ nữ tham gia BCH Trung ương Đảng từ 8,62% lên 10%. Ở Đảng bộ trực thuộc Trung ương thì từ 11,4% lên 13,3%. Cấp huyện từ 14% lên 14,3%. Còn cấp cơ sở từ 18,1% tăng lên 19,07%.

Nhiệm kỳ này, lần đầu tiên có 3 nữ Uỷ viên Bộ Chính trị, chiếm tỷ lệ 15,78% (Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng - PV). Tỷ lệ nữ tham gia Ban Bí thư đạt 14,3%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nữ tham gia BCH Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng uỷ ở Đảng bộ Khối ở Trung ương lần lượt là 10,7% và 19,4%; Cấp tỉnh 14,2% và 10,9%. Nhiều Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ là nữ.

Tương tự, tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đều cao hơn nhiệm kỳ trước. Trong đó, tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội khoá XIV là 27,31%, tăng 3,11% so với khoá XIII và lần đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội.

Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ, kết quả trên chưa đạt chỉ tiêu phấn đấu đã đề ra trong Chiến lược.

Chỉ tiêu 2 trong Chiến lược phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và đến 2020 đạt trên 95% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ, Chính phủ cho biết vẫn chưa hoàn thành.

Bởi tính đến hết tháng 2/2015, có 15/30 Bộ, cơ quang ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt (50%). Con số này đến hết tháng 7/2020 chỉ 11/30 (36,6%).

Cuối nhiệm kỳ 2011-2015, tỷ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ ở cấp tỉnh đạt 34,92%, cấp huyện 26,51, cấp xã 17,91%. Tỷ lệ này ở đầu nhiệm kỳ 2016-2021 lần lượt là 32,14%, 32,64% và 21,95%.

Hay Chỉ tiêu 3 phấn đấu đến năm 2015 đạt 70% và đến 2020 đạt 100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Chính phủ cho biết, hiện mới chỉ thực hiện thống kê được tại khối cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương với tỷ lệ năm 2019 ở cấp bộ, ngành đạt 44,53%, cấp tỉnh 45,52%, cấp huyện 53,74%, cấp xã 35,64%, tức cũng chưa đạt chỉ tiêu phấn đấu đã đề ra trong Chiến lược./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận