“Luồng gió mới” thúc đẩy các địa phương phát triển
Trước thềm Đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương đã có hơn 20 cán bộ Trung ương được điều động, luân chuyển về các địa phương giữ cương vị chủ chốt, trong đó có 16 địa phương có Bí thư Tỉnh ủy ở thế hệ 7X. Nhân dân rất ủng hộ cán bộ trẻ, nhất là cán bộ có năng lực, được đào tạo, rèn luyện thực sự. Đội ngũ cán bộ này được kỳ vọng sẽ là “luồng gió mới” cùng với đội ngũ cán bộ cơ sở phát huy tài năng, sức trẻ, nhiệt huyết của mình góp phần tích cực thúc đẩy địa phương phát triển.
Trao đổi với phòng viên VOV.VN, ông Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị ban hành năm 2002 đã đưa ra chủ trương luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý theo quy hoạch ở các ngành và địa phương, đặc biệt thời gian gần đây, công tác luân chuyển cán bộ càng được đẩy mạnh. Việc luân chuyển cán bộ nhằm tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách trong thực tiễn, vừa giúp cán bộ trưởng thành nhanh hơn và toàn diện hơn, vừa tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước, đồng thời tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn cần thiết.
“Việc luân chuyển giúp cán bộ trưởng thành và khẳng định năng lực bản thân, đồng thời đây cũng là nguồn bổ sung rất tốt cho đội ngũ cán bộ Trung ương và địa phương, đặc biệt là Đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương và Đại hội 13 của Đảng” – ông Nguyễn Tiến Dĩnh nói và khẳng định, việc luân chuyển, điều động cán bộ về địa phương còn nhằm khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, giúp cán bộ tránh được những chi phối trong mối quan hệ họ hàng, dòng tộc, đồng thời góp phần từng bước hạn chế tình trạng nể nang, bè phái, cục bộ trong xử lý, điều hành công việc.
Trước lo ngại việc cán bộ luân chuyển bị cô lập, không phát huy được năng lực, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định khó xảy ra việc này. Bởi những cán bộ được chọn luân chuyển đều là những người tiêu biểu về năng lực, phẩm chất, khi về địa phương, nếu họ biết phát huy được thế mạnh của mình, phát huy dân chủ, biết quy tụ, tập hợp rộng rãi lực lượng thì đội ngũ cán bộ cơ sở rất ủng hộ. Song, cũng có trường hợp này, trường hợp khác, nhưng đó chỉ là số ít vì thực tế vừa qua một loạt cán bộ được điều chuyển về địa phương hay Bí thư tỉnh này sang làm Bí thư tỉnh khác... đều đã phát huy được năng lực lãnh đạo, phẩm chất của người đứng đầu, trưởng thành từ thực tế, sau đó những cán bộ này trở về bổ sung nguồn cán bộ cho Trung ương rất tốt.
Đã không còn hiện tượng luân chuyển kiểu “tráng men”?
Cùng chung góc nhìn, GS.TS Phan Xuân Sơn – giảng viên cao cấp (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, việc luân chuyển cán bộ trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng không chỉ nhằm mục đích tạo điều kiện cho cán bộ được cọ xát thực tiễn, nâng cao bản lĩnh, rèn luyện tác phong công tác mà đây cũng là một bước chuẩn bị nhân sự cho Đại hội các địa phương.
Theo ông, trước đây cũng có một vài trường hợp được luân chuyển về giữ cương vị cấp phó ở địa phương trước khi Đại hội diễn ra, chủ yếu để trải nghiệm thực tiễn, thậm chí có trường hợp luân chuyển kiểu “tráng men”. Tuy nhiên, trước thềm Đại hội lần này có điểm khác đó là cán bộ được luân chuyển nắm giữ vị trí người đứng đầu, vì chỉ có người đứng đầu mới thể hiện rõ năng lực, bản lĩnh, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Hơn thế nữa, luân chuyển cán bộ Trung ương về các địa phương cũng là việc cụ thể hóa chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương; đồng thời là cơ chế để kiểm soát quyền lực.
Câu chuyện cán bộ chủ chốt không là người địa phương không phải bây giờ mới có mà trong Luật Hồi tỵ thời kỳ phong kiến đã quy định rõ những quan lại, ai quê ở phủ, huyện nào thì không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy. Quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ. Người có quan hệ thông gia với nhau, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ...Những quy định này nhằm tránh tình trạng cục bộ, bè phái, địa phương chủ nghĩa, lợi ích nhóm...
“Lần này công tác cán bộ được lồng ghép rất nhiều chủ trương để có một biện pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cấp chiến lược” – GS Phan Xuân Sơn cho biết.
Theo GS Phan Xuân Sơn, bên cạnh những thuận lợi nổi bật thì việc Bí thư cấp ủy không là người địa phương cũng gặp phải những bất cập. Đó là một số trường hợp người đứng đầu không phải là người địa phương nên sự tâm huyết với địa phương cũng thấp, hiểu biết về cơ sở cũng không nhiều nên trong công việc cũng có những hạn chế.
“Để khắc phục được khó khăn, trong ekip làm việc làm thế nào để bổ sung lẫn nhau. Người đứng đầu có thể không phải là người địa phương, nhưng cấp phó hay các chuyên gia phải là những người rất am hiểu tình hình địa phương để đưa ra những quyết sách phù hợp. Dù rất ủng hộ chủ trương thực hiện người đứng đầu không phải là người địa phương song theo tôi vẫn cần lưu ý những trường hợp cụ thể, vì nhiều khi người đứng đầu không phải là người địa phương nhưng vẫn kết nối được với người địa phương để làm những việc tiêu cực. Do đó cần phải có cơ chế, biện pháp để loại trừ những tiêu cực như vậy” – GS Phan Xuân Sơn nêu ý kiến.
Nhắc lại Đại hội Đảng cơ sở và cấp trên cơ sở vừa qua có hiện tượng nhân sự được giới thiệu không trúng Ban Chấp hành, Ban Thường vụ khóa mới, thậm chí có trường hợp cán bộ luân chuyển về trượt Ban Chấp hành, GS Phan Xuân Sơn cho rằng, đây không phải là điều hiếm gặp và việc này cũng thể hiện dân chủ trong Đảng, ý chí của Đại hội được phát huy. Bởi vấn đề nhân sự do cấp ủy chuẩn bị, nhưng việc sàng lọc, đánh giá công tâm, chính xác là phải do Đại hội. Mặt khác cũng cần phải lường trước kết quả của Đại hội, bởi nhân sự được giới thiệu có thể trúng hoặc không trúng như dự kiến ban đầu.
Việc cán bộ chủ chốt không trúng cử có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân cán bộ chưa đủ uy tín. Trường hợp cán bộ luân chuyển đến địa phương mới, có thể do cán bộ chưa thể hiện được hết năng lực hoặc không có đủ thời gian để khẳng định độ chín của mình cho nên họ chưa được đồng nghiệp thừa nhận.
Bên cạnh đó, thực tế cũng có nơi xảy ra mất đoàn kết nội bộ, lợi ích nhóm, cục bộ bản vị nên công tác nhân sự nhiều khi không chính xác theo quy trình. Có thể họ mua phiếu, thao túng phiếu, có thể lôi kéo, gây áp lực để bỏ phiếu cho người này mà không bỏ phiếu cho người kia. Chính vì vậy, trong công tác cán bộ cần phải loại trừ những tiêu cực này và quan trọng là người làm công tác nhân sự phải chủ động trước các tình hình và lường trước những khó khăn để có giải pháp ứng phó, để dù có trải qua những trường hợp như vậy nhưng vẫn chọn được cán bộ tốt.
“Với những đồng chí có năng lực, phẩm chất nhưng lại gặp phải rủi ro là phiếu tín nhiệm thấp thì những người làm công tác nhân sự phải lường trước được chuyện này và có cơ chế như bố trí công việc phù hợp để họ không thiệt thòi về quyền lợi và cũng là để cán bộ được rèn luyện thêm” – ông Phan Xuân Sơn nêu quan điểm./.
Kim Anh/VOV.VN