Ngày 23/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc, với sự tham gia của 325 đại biểu đại diện cho hơn 58.000 đảng viên trong toàn đảng bộ.
Với chủ đề: "Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030", có thể thấy, lần đầu tiên tỉnh Yên Bái đưa các tiêu chí hạnh phúc vào chủ đề đại hội.
Dự và chỉ đạo Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: “Đại hội ở Yên Bái lần đầu tiên đưa chỉ số hạnh phúc của Nhân dân vào trong báo cáo, đây là điều đặc sắc của Yên Bái”.
Ông Đỗ Đức Duy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, việc đưa chỉ số "hạnh phúc" vào chủ đề Đại hội là một vấn đề mới, khi đưa ra Bộ Chính trị cũng có nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên, đa số đều ủng hộ. Bộ Chính trị cũng định hướng, Yên Bái vẫn làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hằng năm sẽ có điều tra, có thể sẽ bổ sung thêm các chỉ số.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái Nguyễn Minh Tuấn, chỉ số hạnh phúc là một cách đo lường, giúp đánh giá khách quan mức độ hạnh phúc theo nhiều khía cạnh khác nhau. Tạm thời vận dụng các tiêu chí đánh giá hạnh phúc và cách tính chỉ số hạnh phúc của tổ chức NEF (tổ chức nghiên cứu kinh tế, xã hội có trụ sở chính tại Vương quốc Anh), chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái được đánh giá trên 3 tiêu chí chính: Sự hài lòng về cuộc sống, sự hài lòng về môi trường sống, về tuổi thọ trung bình.
Cụ thể, sự hài lòng về cuộc sống bao gồm: Sự hài lòng về điều kiện kinh tế - vật chất; về mối quan hệ với gia đình và xã hội; về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dịch vụ xã hội; sự hài lòng về hoạt động của các cơ quan công quyền.
Sự hài lòng về môi trường sống bao gồm: Sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng cảnh quan đô thị, làng xã; việc bảo vệ môi trường nước và xử lý nước thải, rác thải; việc bảo vệ rừng và môi trường cây xanh;
Về tuổi thọ trung bình bao gồm 3 mức: 65 tuổi, 70 tuổi, 75 tuổi.
Để có cơ sở xây dựng chỉ tiêu về chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tỉnh Yên Bái đã tiến hành cuộc điều tra xã hội học về chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh, với hơn 2.000 phiếu.
Kết quả, tỷ lệ hài lòng về cuộc sống đạt 40,71%; Tỷ lệ hài lòng về môi trường sống đạt 31,8%; đánh giá về tuổi thọ trung bình hiện tại có 41,6% đánh giá tuổi thọ trung bình hiện tại của người dân Yên Bái là 70 tuổi (chiếm tỷ lệ cao nhất).
Từ kết quả điều tra trên, qua tính toán thì chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái hiện tại là: 53,3%, ở mức Khá hạnh phúc. Mục tiêu của Yên Bái đến năm 2025 là tăng chỉ số hạnh phúc thêm 15% so với hiện tại.
Với chiến lược phát triển “xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc”; trên cơ sở kết quả khảo sát và các tiêu chí đánh giá, để nâng cao sự hài lòng và chỉ số hạnh phúc của người dân, Yên Bái xác định một số giải pháp trọng tâm, bao gồm:
Thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và của cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhất là các chính sách, dự án liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ có hiệu quả đối với các đối tượng yếu thế nhằm nâng cao đời sống kinh tế vật chất, giảm thiểu bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp nhân dân.
Gắn tăng trưởng kinh tế với xây dựng và phát triển văn hoá, con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; triển khai cuộc vận động "xây dựng gia đình hạnh phúc", là hạt nhân nuôi dưỡng cuộc sống hạnh phúc cho mỗi người.
Tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cấp trang thiết bị cho các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện, bảo đảm ít nhất 50% trung tâm y tế cấp huyện đạt tiêu chuẩn hạng II trở lên; quan tâm đầu tư đồng bộ và phát huy hoạt động của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã theo hướng công khai, minh bạch, giải quyết công việc nhanh, thuận lợi; không ngừng cải thiện thái độ và mức độ phục vụ của cán bộ đối với nhân dân.
Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; phấn đấu đến năm 2025 trên 85% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường. Các cấp uỷ, chính quyền quan tâm hơn nữa đến xây dựng cảnh quan đô thị, làng, xã; bảo vệ rừng và môi trường cây xanh tại địa phương..../.
Đinh Tuấn - Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc