Hội nghị AMM-53: Thể hiện quan điểm tích cực trong vấn đề Biển Đông

Việc các nước công nhận những lợi ích của một Biển Đông hòa bình, ổn định cũng mang một ý nghĩa to lớn, bởi nó sẽ gắn với cách hành xử của các nước…

 

Với 19 hội nghị cấp Bộ trưởng, 42 văn kiện và 10 sáng kiến được thông qua, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) và các hội nghị liên quan đã thành công tốt đẹp sau 4 ngày làm việc.

Cùng với các vấn đề xây dựng Cộng đồng, thực thi Hiến chương ASEAN hay phòng chống dịch bệnh Covid-19..., vấn đề Biển Đông tiếp tục “làm nóng” Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các hội nghị liên quan, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài khu vực. Trong đó, thông điệp chung nổi lên từ hội nghị, đó là các nước ASEAN và đối tác tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông dựa trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Cùng với việc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, có lẽ “an ninh biển” là từ khoá được nhắc tới rất nhiều lần trong 4 ngày hội nghị vừa qua. Ngay từ phiên khai mạc đến các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các nước đối tác; Diễn đàn Khu vực ARF và cả phiên họp báo quốc tế tối qua (13/9), mong muốn xây dựng một khu vực ASEAN hoà bình, ổn định và thịnh vượng; thúc đẩy hợp tác phòng chống dịch bệnh và giải quyết các tranh chấp bất đồng trên cơ sở đối thoại, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển UNCLOS 1982 luôn được các nhấn mạnh.

Hoa Kỳ khẳng định lập trường ủng hộ các nước ASEAN đoàn kết và giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. (Ảnh: KT)

Một điều dễ nhận thấy là tại các Hội nghị lần này, ASEAN đã củng cố lập trường chung trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông, tái khẳng định sự cần thiết của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Việc các nước công nhận những lợi ích của một Biển Đông hòa bình, ổn định cũng mang một ý nghĩa to lớn, bởi nó sẽ gắn với cách hành xử của các nước trong tương lai. Cách hành xử đó được đề cập rất nhiều lần tại các phiên họp trong khuôn khổ AIPA 41 và AMM-53 lần này và cũng được thể hiện trong Thông cáo chung. Đó là phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin, sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Việc ASEAN và Trung Quốc tại Hội nghị AMM-53 lần này cam kết hướng tới xây dựng một Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông hiệu lực, hiệu quả cũng là một kết quả tích cực đáng ghi nhận.

Tại các hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng khẳng định duy trì quyết tâm một Đông Nam Á ổn định, hòa bình, an ninh, trung lập, củng cố đoàn kết tự cường, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; tăng cường hợp tác với các đối tác của ASEAN vì hòa bình, phát triển bền vững. Các nước cũng ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy sự hợp tác của các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Các Bộ trưởng khẳng định cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại, tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế không có các hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hóa, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển UNCLOS 1982”.

Hiện thực hoá mục tiêu này, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 53 và các hội nghị liên quan, các Bộ trưởng ASEAN và các đối tác đã tập trung thảo thuận cởi mở và thực chất về các vấn đề và thách thức đang đặt ra ở khu vực Biển Đông. Nêu lên một thực tế: thời gian gần đây đã xảy ra rất nhiều vụ việc nghiêm trọng trên Biển Đông, có thể tác động trực tiếp đến hòa bình, ổn định tại khu vực, các đại biểu cho rằng điều này đặt ra thách thức cho ASEAN và các đối tác cần có quyết tâm và hành động quyết đoán hơn trên cơ sở luật pháp quốc tế để ngăn ngừa nguy cơ xung đột.

Với vai trò điều phối Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin nhấn mạnh: “Một khu vực Biển Đông ổn định nằm trong nguyện vọng chung của các nước ASEAN và một Bộ Quy tắc COC thực chất và hiệu quả sẽ đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực. Với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc năm nay, Philippines kêu gọi các nước tuân thủ các luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Philipin cũng sẽ tiếp tục ủng hộ những nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán COC bất chấp đại dịch Covid-19. Mong rằng chúng ta sẽ được gặp trực tiếp để bàn bạc cụ thể hơn vấn đề này vào tháng 11 tới đây”.

Tham dự hội nghị ASEAN - EU, Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Đại diện cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell cho rằng việc đảm bảo ổn định, hoà bình an ninh Biển Đông là một trong những yếu tố then chốt duy trì ổn định và thịnh vượng khu vực. Nêu lên những ví dụ tương đồng giữa ASEAN và Liên minh châu Âu, Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Josep Borrell gợi ý: cần gắn vấn đề Biển Đông vào các mục tiêu chung về phát triển kinh tế và ổn định chính trị khu vực. Qua đó, đảm bảo môi trường an ninh ổn định cho ASEAN trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

 “Chúng tôi muốn nhấn mạnh về sự cần thiết phải có các mục tiêu, các cách thức xử lý hiệu quả những vấn đề tác động trực tiếp đến an ninh trong khu vực, như đại dịch Covid-19, những tác động nặng nề về kinh tế... Bên cạnh đó, EU không cho phép các quốc gia có các hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến an ninh hàng hải tại khu vực Biển Đông. EU ủng hộ các giải pháp phát triển và hội nhập một cách hòa bình. Và rằng, an ninh của châu Á cũng là an ninh của Liên minh châu Âu. Bởi thế, chúng ta cần phải tích cực thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa các bên trong vấn đề này”, ông Josep Borrell nhấn mạnh.

Với tư cách là đối tác quan trọng của ASEAN, phát biểu tại Hội nghị ASEAN - Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một lần nữa tái khẳng định lập trường của Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông; đồng thời cho rằng việc thúc đẩy đoàn kết, thống nhất duy trì quan điểm chung về hòa bình ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở thượng tôn luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và các giá trị đã được nêu trong Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở (AOIP) sẽ là nhân tố thúc đẩy hợp tác ASEAN - Hoa Kỳ cũng như duy trì an ninh và ổn định của khu vực.

 “Tôi muốn các bạn hiểu rằng, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục dẫn dắt những nỗ lực của thế giới để phục hồi sau dịch bệnh với số tiền hỗ trợ cam kết lên đến 87 triệu USD cho các nước ASEAN nằm trong gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD mà Mỹ dành cho toàn thế giới. Đây là một trong những hành động thiết thực đánh dấu 5 năm mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ, giúp định hình tương lai khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Mỹ cam kết đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và mang lại sự thịnh vượng cho các đối tác ASEAN”, ông Pompeo nhấn mạnh.

Có thể thấy rằng, các hội nghị trong khuôn khổ hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 đã thẳng thắng đề cập tới những vấn đề thiết thực “sát sườn”, không né tránh những vấn đề nhạy cảm phức tạp, nêu bật những thông điệp mạnh mẽ, đồng thời mở ra những cánh cửa hợp tác nhằm đem lại lợi ích cho tất cả các bên, đặc biệt là trong giải quyết vấn đề Biển Đông.

Chính vì thế, quan điểm này đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao của các nước. Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne khẳng định: Australia cam kết với ASEAN về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng, tuân thủ luật quốc tế, tôn trọng quyền và chủ quyền của tất cả các quốc gia. Và rằng, một ASEAN phục hồi bền vững và ổn định nằm trong lợi ích của Australia và cả khu vực. Bộ trưởng Marise Payne cũng nhấn mạnh, các nước đều có trách nhiệm chung trong đảm bảo các trật tự khu vực dựa trên nguyên tắc tự do và cởi mở, dựa trên tầm nhìn của ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Là một đối tác chiến lược của ASEAN, Australia sẽ nỗ lực đưa ra những hành động cụ thể để hỗ trợ ASEAN thực hiện các mục tiêu của mình.

Nhìn lại chuỗi sự kiện Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các hội nghị liên quan, lập trường nguyên tắc của ASEAN là cùng nhấn mạnh tầm quan trọng và lợi ích của hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, là lợi ích chung của tất cả các quốc gia, được các nước thành viên Hiệp hội và các nước Đối tác tiếp tục ủng hộ. Đây chính là thành công quan trọng tạo đà thúc đẩy các nỗ lực xây dựng hoà bình và thịnh vượng của các nước ASEAN trong thời gian tới, trong đó có Việt Nam./.

Phương Hoa/VOV1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận