Thủ tướng: Xem xét mở lại đường bay thương mại quốc tế

Theo đó, phải lựa chọn các nhóm đối tượng ưu tiên nhập cảnh, lựa chọn các cảng hàng không tiếp nhận các chuyến bay thương mại quốc tế.

 

Phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng, chống COVID-19 diễn ra sáng nay 11/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, dịch cơ bản đã được kiểm soát. Ba tháng còn lại rất quan trọng đối với Việt Nam để thực hiện mục tiêu kép, đạt mức tăng trưởng dương ở mức dự báo có thể là 3%.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu mỗi người dân và doanh nghiệp xác lập thực trạng bình thường mới. Tinh thần quan trọng là các bộ, ngành, địa phương phải tạo thuận lợi cho người dân giao thương, không gây khó khăn chậm trễ như một số trường hợp vừa qua, kể cả từ địa phương này sang địa phương khác hay người nhập cảnh. Nghiêm cấm tình trạng “ngăn sông chấm chợ”, chỉ lo phòng chống dịch bệnh mà không lo thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng đánh giá cao 15 địa phương, trong đó có Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương và các địa phương khác, đã phối hợp hiệu quả với ngành y tế và các bộ, ngành, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch. Các cấp, ngành, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19 đã thực hiện tốt các nhiệm vụ. Do đó, đến hôm nay là ngày thứ 10 chưa có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Bước đầu, hoạt động sản xuất kinh doanh đã cơ bản trở lại bình thường.

Phải xác lập thực trạng bình thường mới

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể tiếp tục có ca mắc mới trong cộng đồng, nhất là khi sắp tới có thể nới lỏng một số biện pháp mở cửa. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương lớn là thực hiện mục tiêu kép:

"Chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng tinh thần là phải tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cụ thể Bộ Y tế đề nghị thực hiện tốt thông điệp 5k gồm: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế. Phải hình thành thói quen này để bảo vệ bản thân và xã hội, nhất là khi tiếp xúc tập thể đông người và đám đông. Từ đó, yêu cầu mỗi người dân và doanh nghiệp xác lập thực trạng bình thường mới, vừa đẩy mạnh phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội." - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành y tế địa phương phải chủ động kịch bản, phương án ứng phó các tình huống xảy ra của dịch bệnh trên địa bàn, nhất là tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ quan đơn vị, các cơ sở sản xuất, các khu dân cư. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, diễn tập, hướng dẫn biện pháp ứng phó các tình huống xảy ra của dịch bệnh ở những khu vực này, nhất là các cơ sở sản xuất, dịch vụ đông người.

Yêu cầu “không ngăn sông cấm chợ”, nhưng Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương tập trung các biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, đảm bảo an toàn các sự kiện chính trị, kinh tế xã hội sẽ diễn ra ở địa phương mình, gồm cả thúc đẩy giao thương quốc tế trong điều kiện bình thường mới. Các địa phương sẵn sàng tạo mọi điều kiện thúc đẩy thu hút đầu tư, nhất là từ các đối tác lớn

Đối với ngành y tế, Thủ tướng yêu cầu phối hợp với các bộ, ngành và địa phương phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới; đồng thời theo dõi y tế, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam khi mở các đường bay thương mại quốc tế. Các trường hợp đi lại quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam phải có quy định riêng về y tế để đảm bảo an toàn. Ngành y tế và các địa phương phải có biện pháp chủ động, thần tốc khi có ca nhiễm mới.

Họp trực tuyến Thường trực Chính phủ về phòng, chống COVID-19.Xem xét mở trở lại đường bay thương mại quốc tế

Đối với vấn đề vắc xin, trước mắt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động hơn trong việc đề xuất biện pháp định hình rõ việc nhập khẩu hay sản xuất vắc xin. Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu mở lại đường bay thương mại với một số nước:

"Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các hãng hàng không xem xét mở trở lại đường bay thương mại với một số quốc gia và khu vực. Xem xét mở các chuyến bay riêng với người quá cảnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan-Trung Quốc, Lào, Campuchia về Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao xem xét lại các vấn đề khi mở lại đường bay thương mại quốc tế, bao gồm việc lựa chọn các nhóm đối tượng ưu tiên nhập cảnh, lựa chọn các cảng hàng không tiếp nhận các chuyến bay thương mại quốc tế, các phương án giải tỏa các cảng hàng không quốc tế, phương án quản lý các trường hợp nhập cảnh, phương án tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế phù hợp, các hướng dẫn khác… đảm bảo phòng, chống dịch và tạo thuận lợi cho người nhập cảnh. - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông vận tải xem xét tăng tần suất các chuyến bay với các nước không phải là tâm điểm dịch để vừa đón công dân về nước và đón các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý về Việt Nam. UBND các địa phương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính để thực hiện cách ly có thu phí. Các địa phương Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ các địa phương lân cận của ba thành phố này khẩn trương chỉ đạo lựa chọn các cơ sở lưu trú, các khách sạn làm nơi cách ly có thu phí, đảm bảo cơ số tối thiểu và có thể tăng dần trong thời gian tới. Bộ Công an và Bộ Y tế giám sát chặt chẽ các cơ sở lưu trú.

Về việc thu phí xét nghiệm SARS-COVI-2 mà một số bộ, ngành đề xuất, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tổ chức một cuộc họp về nội dung này với các bộ, ngành để đưa ra mức thu phù hợp trên tinh thần đảm bảo mức phí thấp nhất cho người dân.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Đài TNVN, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí, các địa phương đẩy mạnh truyền thông về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, thực hiện tốt khuyến cáo của các cơ quan chức năng, nhất là người cao tuổi có bệnh lý nền; khuyến khích khai báo y tế tự nguyện; đẩy mạnh cài đặt ứng dụng Bluezone. Cùng với đó là tuyên truyền thực hiện mục tiêu kép, tiếp tục thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương tiếp tục kiểm soát và xử lý nghiêm tình trạng nhập cảnh trái phép. Các bộ, ban, ngành và địa phương, nhất là các bộ Công an, Quốc phòng cần tạo thuận lợi nhất cho chuyên gia và các nhà đầu tư vào Việt Nam, có thời hạn cụ thể và đầu mối chịu trách nhiệm.

Đối với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ, Thủ tướng cho biết hiện mới giải ngân được khoảng 16.000 tỷ đồng. Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, thống nhất để tiếp tục trình Thủ tướng giải pháp để thực hiện giai đoạn 2 gói hỗ trợ này, trong đó kéo dài thời gian hỗ trợ. Cùng với đó là tiếp tục đề xuất các gói hỗ trợ khác cho các đối tượng phù hợp, nhất là lao động thất nghiệp, thiếu việc làm đang rất khó khăn hiện nay./.

Vũ Dũng/ VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận