Nửa thế kỷ sau, Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Khoảnh khắc thời gian ấy, giờ phút lịch sử ấy chỉ diễn ra trong 90 phút, nhưng mãi mãi in đậm vào ký ức của người Việt Nam”.
Trong những ngày này của tháng Tám mùa Thu, đi đến dãy phố, hàng cây, con đườngnào của Thủ đô Hà Nội, nhất là đứng trước quảng trường Ba Đình lịch sử, qua Hồ Gươm xanh biếc mấy ngàn năm, đứng trước Nhà hát Lớnhào hoahay ngắm nhìnngôi nhà hai tầng cổ kính số 2 phố Ngô Quyền - xưa là Bắc Bộ Phủ, đến với các địa danh gắn liền với thời kỳ trứng nước của Đài Tiếng nói Việt Nam ở số 4 Đinh Lễ, số 4 Phạm Ngũ Lão, 128C Đại La, Bạch Mai…, ở đâu cũng nhớ về, cũng chạm đến ký ức hào hùng và xúc động của những ngày Cách mạng mùa Thu 75 năm trước.
Một số ít người lúc đó và cả sau này biết câu chuyện về quyết định thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ nửa cuối tháng Tám năm 1945, trên đường từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, Bác Hồ đã căn dặn các đồng chí cùng đi rằng, sau khi giành được chính quyền, lập xong Chính phủ mới, thì một trong những công việc quan trọng đầu tiên là phải lập cho được đài phát thanh quốc gia. Nhiệm vụ rất trọng đại và cần kíp nhưng thực hiện khó vô cùng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ, của các đồng chí Xuân Thủy, Trần Huy Liệu và Bộ Thông tin Tuyên truyền, mấy trí thức yêu nước trẻnhư Trần Kim Xuyến, Trần Lâm, Chu Văn Tích, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Dự, Lê Quang Lân và một số người kháchăng hái bắt tay gây dựng Đài phát thanh quốc gia từ hai bàn tay trắng. Máy móc, thiết bị chủ yếu là nhặt nhạnh, chắp vá, tận dụng, có cái mua từ hàng đồng nát. Chuẩn bị kế hoạch từ ngày 22 tháng 8, đến ngày 31 tháng 8, hai máy phát sóng phát thanh đi vào phát thử. Rồi thì cái công việc “vác đá vá trời” đó cũng đi đến đích. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, bộ phận kỹ thuật mạnh dạn dùng máy phát 300W truyền thử trực tiếp Lễ Tuyên ngôn Độc lập từ Quảng trường Ba Đình. Đúng 11h30 trưa ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức cất tiếng chào đời với lời xướng: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa” trên nền ca khúc hùng tráng “Diệt phát xít” của nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi do các ca sỹ nghiệp dư hát trực tiếp cùng dàn nhạc nhỏ bé và nghiệp dư. Trong Chương trình đầu tiên ấy, Đài Tiếng nói Việt Nam có lời chào ra mắt: “Thưa đồng bào toàn quốc và thính giả thân mến! Bắt đầu từ hôm nay, ngày 7 tháng 9 năm 1945, Tiếng nói của Việt Nam chính thức ra mắt đồng bào trong cả nước và các bạn thính giả khắp năm châu…Nước Việt Nam Dân chủ, Cộng hòa đã có Thủ đô của mình là Hà Nội, và hôm nay cất tiếng nói chính nghĩa của mình, đấu tranh cho nền độc lập non trẻ vừa giành lại, đồng thời góp phần cùng tiếng nói của nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới đấu tranh cho dân chủ, hòa bình, hữu nghị và bình đẳng giữa các dân tộc…”. Đài chính thức truyền đi bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc 5 ngày trước tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.Tiếp đó là tin tức thời sự bằng ba thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh.Sau này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng xúc động nhớ lại:“Khoảnh khắc thời gian ấy, giờ phút lịch sử ấy chỉ diễn ra trong 90 phút, nhưng mãi mãi in đậm vào ký ức của người Việt Nam”[2].
Những ngày tiếp đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo rất sát sao, trực tiếp và thường xuyên của Bác Hồ, của Chính phủ lâm thời, Đài Tiếng nói Việt Nam thông tin, tuyên truyền những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, có nhiều mặt nhạy cảm, do tình hình chính trị đầy phức tạp. Đó là những thông tin về việc gần 20 vạn quân Tàu Tưởng ô hợp, đội lốt “quân Đồng minh” kéo vào miền Bắc nước ta. Bám gót chúng là lực lượng Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (Việt Cách), Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) của các con rối chính trị như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Nghiêm Kế Tổ…nhằm mục tiêu “diệt Cộng, cầm Hồ”. Ngấp nghé phía sau là người Mỹ với mưu đồ đặt Đông Dương dưới chế độ “ủy trị” của họ. Ở miền Nam, cũng nấp dưới danh nghĩa “quân đồng minh”, quân Anh vào giải giáp quân Nhật, núp sau lưng quân Anh là quân Pháplăm lexâm lược nước ta lần nữa.
Đài cũng truyền đi thông tin về một sự kiện quan trọng diễn ra 4 ngày trước khi Tiếng nói Việt Nam chính thức phát sóng, đó là phiên họp đầu tiên của Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì ngày 3 tháng 9 năm 1945. Tuyên truyền đậm nétsáu nhiệm vụ cấp bách của cả nước: Tập trung tăng gia sản xuất để chống đói; Mở ngay chiến dịch chống nạn mù chữ; Tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền tự do, dân chủ của nhân dân; Mở chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ thói hư, tật xấu do chế độ thực dân để lại; Bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò; Tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; Tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết. Tiếp đó, Đài thông tin, cổ vũ việc thực hiện những nhiệm vụ cấp bách mà Hội nghị cán bộ Bắc Kỳ đề ra về chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, trong đó “nhiệm vụ chính, trọng tâm trong lúc này là củng cố chính quyền, dùng chính trị, ngoại giao, quân sự để giữ vững nền độc lập”[3].
Trong những ngày ấy, Đài Tiếng nói Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu rõ những nội dung chính của Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Pháp ký kết tại Hà Nội. Một nguyên tắc mà ta kiên quyết bảo vệ là “Nước Pháp phải công nhận nước Việt Nam là một quốc gia tự do...”. Trưa cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến phòng thu âm tại số 4 Phạm Ngũ Lão của Đài Tiếng nói Việt Namtrực tiếp nói chuyện với đồng bào, chiến sỹ cả nước. Người khẳng định “Đồng bào hãy tin rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”[4]. Tiếp đó, tại Paris, ta và Pháp ký Tạm ước ngày 14 tháng 9 năm 1946, được xem như là một giải pháp chính trị linh hoạt, tài tình và bản lĩnh của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm bảo vệ Hiệp định sơ bộ 6 tháng 3, cứu vãn Hội nghị Phông-ten-nơ-bơ-lô (Fontainebleau); kéo thêm một khoảng thời gian dù ít ỏi nhưng quý giá đểta xây dựng và củng cố lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.Ở thời điểm đó, không ít người, kể cả nội bộ ta băn khoăn, thậm chí nghi ngờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhượng bộ, đã thỏa hiệp với Pháp; các lực lược phản động, cơ hội rêu rao, xuyên tạc “ông Hồ Chí Minh thân Pháp, bán nước, lừa dân, bỏ rơi Nam Bộ…”. Qua nhiều diễn đàn, nhiều phương tiện, đặc biệt là qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã bình tĩnh và kiên trì giải thích, mong muốn đồng bào ta hiểu rõ "cần phải biết chịu đựng hy sinh để mưu sự nghiệp lớn".
Như nhận định chính xác của Đảng ta và Bác Hồ, xâm lược Pháp tiếp tục gây hấn và tỏ rõ sự hung hãn, manh động. Vào lúc 0h00 giờ ngày 23 tháng 9 năm 1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Vào lúc 01h00 sáng ngày 24 tháng 9, Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan ngôn luận đầu tiên phát sóng truyền Lệnh Nam Bộ kháng chiến. Không đầy hai ngày sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua làn sóng của Đài gửi bức thư cho đồng bào Nam Bộ khẳng định quyết tâm sắt đá với đồng bào, chiến sỹ miền Nam anh dũng, kiên cường đi trước về sau. Vận nước, thế nước “như ngàn cân treo sợi tóc”.
Trong tình thế nước sôi, lửa bỏng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặt trọn niềm tin son sắt ở nhân dân. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tiến hành ngày 06/01/1946. Những ngày đó, cán bộ, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; coi trọng lực lượng cộng tác viên khắp ba miền để tuyên truyền, cổ động cho cuộc Tổng tuyển cử. Ở nhiều địa phương trong cả nước, cuộc Tổng tuyển cử diễn ra hết sức cam go, phức tạp, máu đã đổ ở vùng bị quân Pháp chiếm đóng: Nha Trang, Mỹ Tho, Cần Thơ, Tân An, Tây Nguyên...; riêng ở Sài Gòn-Chợ Lớn, đã có 42 cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh khi làm nhiệm vụ Tổng tuyển cử. Đài Tiếng nói Việt Nam lúc đó vừa phản ảnh ý chí, nguyện vọng của nhân dân, vừa truyền đi lời giải thích và mong mỏi của Bác Hồ: "...Hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giầu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó"[5]. Nhiều bản tin, bài viết của Đài nêu rõ, cuộc Tổng tuyển cử thực sự trở thành ngày hội của quần chúng với khoảng 90% tổng số cử tri đi bỏ phiếu, cả nước bầu được 333 đại biểu đại Quốc hội [6].
Vì độ phủ sóng của Đài phát thanh quốc gia lúc đó còn hạn hẹp, để đồng bào Nam Bộ đón nghe được tiếng nói của Chính phủ và Bác Hồ, Đài Tiếng nói Nam Bộ như cánh tay nối dài của Đài Tiếng nói Việt Nam đã ra đời. Chương trình đầu tiên của Đài Tiếng nói Nam Bộ phát ngày 1 tháng 6 năm 1946 tại đình làng Thọ Lộc, làng Tôn Đính, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi với lời xướng “Đây là Tiếng nói Nam Bộ, tiếng nói đau đớn, tiếng nói căm hờn, tiếng nói chiến đấu…” trên nền nhạc măng-đô-lin bài “Thanh niên hành khúc”. Đài còn có tên gọi khác là Đài Tiếng nói Đồng Tháp Mười hay Đài Tiếng nói Miền Nam Việt Nam.
Ở miền Bắc, ngày 22 tháng 10 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau chuyến công cán đặc biệt tới Pháp đã về đến Hải Phòng. Lãnh đạo Đài quyết định tường thuật trực tiếp và lưu động cuộc đón tiếp Bác Hồ và hành trình của Bác từ đất Cảng về Thủ đô Hà Nội. Chỉ một ngày sau, ngày 23/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện trực tiếp với đồng bào cả nước trên làn sóng Tiếng nói Việt Nam về Tạm ước ngày 14/9/1946.
Dù Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã bằng tất cả thiện chí và nỗ lực cứu vãn nền hòa bình nhưng thực dân Pháp quyết gây chiến, chúng tiến hành các cuộc thảm sát ở Hải Phòng và Hà Nội; đòi tước vũ khí của quân đội Việt Nam. Chiến tranh chống quân xâm lược Pháp nổ ra vào đêm 19/12/1946 tại Thủ đô Hà Nội. Vào lúc 20 giờ ngày 19/12/1946, bằng hiệu lệnh phát đi từ Trạm phát thanh Bạch Mai “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Cuộc kháng chiến toàn quốc đã bắt đầu !”, cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến thần thánh chống Pháp. Đêm hôm đó,trên căn gác xép nhỏ làng Vạn Phúc, Hà Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Sáng ngày 20 tháng 12, tại Hang Trầm, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây, Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục có niềm vinh dự lớn là cơ quan báo chí đầu tiênđược phát sóng "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Người. Cũng tại đây, Đài đã ghi âm lời của Người gửi đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ. Vẫn địa chỉ thân thuộc đó, đêm Giao thừa Tết Đinh Hợi năm 1947, Bác Hồ trực tiếp đọc Thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam: “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/ Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/ Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/ Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến, nhất địnhthắng lợi/ Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”. Bác Hồ cũng viết tặng sư trụ trì chùa Trầm dòng mấy chữ trang trọng trên giấy hồng điều: “Kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành”. Cũng tại sự kiện lịch sử này, Bác Hồ căn dặn cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên của Đài: "Đài Phát thanh là công cụ hết sức quan trọng của Đảng, Chính phủ để chỉ đạo và động viên nhân dân cả nước trường kỳ kháng chiến và chọc thủng bức màn bưng bít của địch nhằm cô lập ta. Các cô, các chú phải giữ gìn bằng được tiếng nói của Đảng và Chính phủ trong mọi tình huống". (7)
“Đài Phát thanh là công cụ hết sức quan trọng của Đảng, Chính phủ để chỉ đạo và động viên nhân dân cả nước trường kỳ kháng chiến và chọc thủng bức màn bưng bít của địch nhằm cô lập ta. Các cô các chú phải giữ gìn bằng được tiếng nói của Đảng và Chính phủ trong mọi tình huống” - Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Một niềm vinh dự, niềm tự hào lớn lao của cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nghệ sĩ, nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam là Đài được Bác Hồ chỉ đạo thành lập, Bác có 6 lần đến thăm và làm việc, Người ân cần dặn dò, động viên, khen ngợi cán bộ, nhân viên của Đài. Điều đặc biệt nữa là, ở bên Bác, từ thuở mới dựng nên nhà nước dân chủ, cộng hòa cho đến chốn rừng sâu Việt Bắc, khi về lại Thủ đô Hà Nội, cho đến trước phút từ giã cõi đời, Bác Hồ luôn có Tiếng nói Việt Nam bên cạnh.
Ông Trần Viết Hoàn, vốn là cán bộ cận vệ của Bác, sau này là Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịchkể lại: Bác Hồ có 3 chiếc đài, chiếc thứ nhất Bác đặt ở phòng ngủ do Việt kiều ở Thái Lan gửi về nước biếu Bác. Ngày nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng và buổi tối từ 19 giờ đến 21 giờ, Bác mở để nghe tin tức. Một chiếc đài khác do lưu học sinh ở Hungary tự lắp ráp gửi về biếu Bác, được đặt trên chiếc bàn nhỏ ở phòng ăn tại ngôi nhà 54. Mỗi khi ăn cơm, Bác lại mở chiếc đài này. Còn chiếc đài thứ ba là chiến lợi phẩm do các chiến sỹ miền Nam thu được từ kẻ địch ở trận Phước Thành, gửi đồng chí Nguyễn Văn Hiếu kính biếu Người khi ra thăm miền Bắc, được Bác đặt tại nhà 67, hàng ngày nhìn thấy đài là Bác như thấy được đồng bào, chiến sỹ ở miền Nam. Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Bác nghe từng bước trên tiền tuyến/ Lắng mỗi tin mừng tiếng súng xa”. Đó chính là những lúc Bác nghe tình hình và tin thắng trận từ miền Nam và cả tin tức trong nước, thế giới qua làn sóng thân thương của Tiếng nói Việt Nam. Ông Trần Quốc Hoàn kể tiếp: Một lần, đồng chí Tố Hữu đến thăm Bác, thấy Bác đang xem tài liệu mà vẫn để đài “nói” bên cạnh, liền thưa và đề nghị “cháu xin tắt đài để Bác đọc tài liệu”. Bác Hồ ân cần nói lại, “cũng như chú đi làm về vẫn có người cười nói vui vẻ, cứ để đài cho nhà thêm vui”. Một đêm, đã khuya lắm rồi, chú cảnh vệ thấy trên nhà sàn, đèn đã tắt, chắc Bác đã ngủ mà đài vẫn nói. Chú cảnh vệ liền leo lên các bậc cầu thang, nhẹ nhàng đến gần chiếc đài của Bác và tắt máy. Từ chiếc giường đơn sơ, vọng lên tiếng của Bác: “Cứ để đài nói như thế chú ạ, để đêm hôm, vẫn có tiếng người”. Có lần, Bác nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, trước lúc kết thúc bản tin, phát thanh viên nhà Đài chào người nghe: “Bản tin của chúng tôi đến đây là hết, thân ái chào các đồng chí và các bạn !”, Bác Hồ dí dỏm “chào” lại “Thân ái chào các cô, các chú !”. Mọi người ngồi cạnh Bác cùng vui cười.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đài Tiếng nói Việt Nam di chuyển 14 lần dưới sự truy đuổi, đánh phá gắt gao của quân Pháp, qua nhiều địa điểm khác nhau ở Hà Nội, Hà Tây, Phú Thọ, Bắc Kạn, Tuyên Quang… |
Đài Tiếng nói Việt Nam, người con yêu dấu của Cách mạng tháng Tám 1945 đã bước vào độ tuổi 75 cùng Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, Đài đã anh dũng, sáng tạo, phấn đấu và chiến đấu kiên cường, lập nên những chiến công hiển hách, trở thành người bạn gần gũi, tin yêu của mọi người, mọi nhà, cả trong và ngoài nước. Đảng, Nhà nước đã phong tặng Đài Tiếng nói Việt Nam các danh hiệu cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc Lập hạng Nhất, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Các đơn vị ra đời từ Đài hoặc là thành viên của Đài như Đài Tiếng nói Nam Bộ nhận Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Đài Phát thanh Giải phóng, Ban Thời sự, Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh, Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (nay là Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam) được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Đến nay, Đài có 8 kênh phát thanh quốc gia, trong đó kênh Dân tộc phát 13 tiếng dân tộc thiểu số và kênh Đối ngoại phát 13 thứ tiếng nước ngoài; có 16 kênh truyền hình; hai báo điện tử, một báo in; một Nhà hát với nhiều nghệ sỹ tên tuổi; 6 cơ quan thường trú trong nước và 13 cơ quan thường trú ở nước ngoài; hai trường cao đẳng phát thanh truyền hình; Đài có gần 2.700 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nghệ sỹ, nhân viên; Đài có mối quan hệ với nhiều hãng phát thanh, truyền hình, báo chí lớn trên thế giới. Nhiều lượt cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Đài đoạt các giải cao của các giải báo chí lớn tổ chức hàng năm:Giải Báo chí Quốc gia, Giải Báo chí về Xây dựng Đảng, Giải báo chí về Đại đoàn kết toàn dân tộc, Giải Báo chí về Thông tin đối ngoại, Giải thưởng Tiếng nói Việt Nam....Đài tổ chức thành công nhiều cuộc Liên hoan Phát thanh toàn quốc; tổ chức các Hội thảo khoa học cấp quốc gia; mua bản quyền, tường thuật trực tiếp và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, âm nhạc lớn. Vị thế, thương hiệu và uy tín của Đài Tiếng nói Việt Nam không ngừng được củng cố, nâng cao ở trong nước, khu vực và thế giới.
Phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm qua, tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nghệ sỹ, nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đang nỗ lực, năng động, sáng tạo, đổi mới,xây dựng Đài thực sự là cơ quan truyền thông đa loại hình, đa phương tiện hiện đại, vững mạnh toàn diện. Nâng cao hơn nữa tính cách mạng, tính định hướng, tính chiến đấu, tính văn hóa, tính hiện đại; nâng cao hơn nữa khả năng lan tỏa và chi phối thông tin, cả trong và ngoài nước, giữ vững vị thế là cơ quan báo chí chủ lực, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước, là nhịp cầu, là diễn đàn tin yêu của nhân dân, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
[1]Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.
[2]Phạm Văn Đồng: Lời tựa cuốn sách “Nửa thế kỷ Tiếng nói Việt Nam, NXB CTQGST, 1995
[3]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2000, t.8, tr.5,6.
[4] Sách “70 năm Đài Tiếng nói Việt Nam (1945-2015), NXB Chính trị Quốc gia, 2015, tr 38.
[5] Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Báo điện tử Đảng CSVN đãn đăng ngày 30/09/2019
[6]Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và các Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992), Nxb Chính trị quốc gia, H, 2005, tr.11, 12.
[7). Đài Tiếng nói Việt Nam: Tiếng nói Việt Nam - Cầu nối Đảng với Dân, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 55.