Hội tụ trí tuệ, vun đắp nhân tài, với chức năng tiếng nói của nhân dân, Đảng, Nhà nước, thông tin đối nội và đối ngoại, tạo sự đồng thuận xã hội, làm tỏa sáng văn hiến Việt Nam, đó là kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người quyết định sáng lập Đài Phát thanh quốc gia. Đó là sứ mệnh mà các thế hệ cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam qua 75 năm vượt lên mọi khó khăn thách thức, xây dựng Đài từ con số không đến vị thế hôm nay.
Tầm nhìn của Bác Hồ
Là người khởi nghiệp báo chí tại Pháp, một trong những nước phương Tây được coi là văn minh nhất đầu thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ vai trò của báo chí đối với các cuộc vận động chính trị và tác động của nó trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, trên đường từ Tân Trào, Tuyên Quang về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Bộ Thông tin Tuyên truyền Trần Huy Liệu cần sử dụng các phương tiện báo chí, truyền thông phục vụ nhiệm vụ chính trị, đặc biệt khẩn cấp là thành lập đài phát thanh quốc gia.
Hồi ấy, cả nước ta có chưa tới 200 tờ báo và tạp chí in, tiếng Việt có, tiếng Pháp có. Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rõ tác dụng của báo chí cách mạng mà Người là nhà sáng lập, đặc biệt báo Cờ Giải phóng, cơ quan trung ương của Đảng, và báo Cứu quốc, cơ quan của Mặt trận Việt Minh trong quá trình chuẩn bị tổng khởi nghĩa, giành lại chính quyền từ tay thực dân Pháp và phát xít Nhật. Cái khó là hồi ấy 95% dân số nước ta là những người “mù chữ”, nói cách khác báo in tác động đến người dân thông qua cán bộ là chính, trong khi đài phát thanh tiếp cận công chúng qua tiếng mẹ đẻ của họ bất chấp mọi rào cản, hơn thế làn sóng phát thanh còn có khả năng vượt qua các biên giới quốc gia đến với bất kỳ ai trong bốn biển năm châu.
Là người theo dõi sát sao thời cuộc, kiến văn uyên bác, Bác Hồ sớm ý thức giành lại nước là việc khó, giữ được nước còn khó hơn. Tướng De Gaulle, người dắt dẫn sự nghiệp giải phóng nước Pháp thoát khỏi họa xâm lăng của phát xít Đức, khi còn phải đóng bản doanh kháng chiến tại nước ngoài đã công khai mưu đồ “khôi phục vị thế vĩ đại” của Pháp tại Viễn Đông. Năm 1945, khi phát xít Đức cùng quân phiệt Nhật nối gót nhau đầu hàng vô điều kiện, các nước chiến thắng ngang nhiên thỏa thuận cắt đôi nước Việt Nam, phần phía Bắc giao cho Tưởng Giới Thạch, phần phía Nam giao cho Pháp đưa quân vào nấp dưới danh nghĩa tước vũ khí của quân đội Nhật lúc này đã tan rã dù một số đơn vị còn có mặt trên bán đảo Đông Dương.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chuẩn bị đọc Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu lúc này vận nước đang “ngàn cân treo sợi tóc”. Đã thế miền Bắc còn phải gồng mình đương đầu với nạn đói và lũ lụt, trong khi tại miền Nam nhiều thế lực luôn ôm ấp mưu đồ phá hoại sự thống nhất của đất nước nhằm hưởng lợi. Trong bối cảnh ấy, nhất thiết cần kiến lập đài phát thanh quốc gia để cùng với hệ thống báo in vạch trần mọi luận điệu và mưu đồ thù địch, chuẩn bị lực lượng, tạo đồng thuận xã hội trong nước, giành sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chèo lái con thuyền quốc gia kiên cường nhưng mềm mại, “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Bác Hồ và Nhà nước ta hiểu ý đồ của địch không thay đổi, sớm hay muộn nhân dân Việt Nam cũng phải đứng lên ai có súng dùng súng ai có dao dùng dao, chung lòng chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do.
Việc chuẩn bị thành lập đài phát thanh quốc gia chỉ trải qua khoảng thời gian chưa tới hai tuần, tính từ 22/8/1945 - ngày đồng chí Xuân Thủy truyền đạt chỉ thị của Chủ tịch nước, đến 5/9/1945 - ngày ông Trần Quảng Vận (tức Trần Lâm) chủ trì cuộc họp cuối cùng, quyết định phát sóng chương trình phát thanh đầu tiên vào ngày 7/9/1945 với bản nhạc Diệt phát xít của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi và lời xướng sẽ vang vọng dài lâu trong lịch sử: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đi vào cuộc sống chỉ ít lâu sau. Với chủ trương: ta “hòa để tiến” như Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, ta “lùi một bước để tiến hai bước” như lời người xưa nói, ngày 6/3/1946, Hiệp định sơ bộ được ký kết giữa Việt Nam và Pháp tại Hà Nội. Các đảng phái phản động cố tình phản đối và nắm bắt cơ hội này, dồn sức xuyên tạc, rêu rao là Chính phủ thỏa hiệp với Pháp bỏ rơi Nam bộ, thậm chí còn xúc phạm nhà lãnh đạo cao nhất, coi đó là “hành động bán nước”. Sau đó, Hồ Chủ tịch đột ngột đến phòng bá âm của Đài nói chuyện trực tiếp với đồng bào, chiến sĩ cả nước qua làn sóng phát thanh. Người giải thích cặn kẽ bối cảnh ký và nội dung Hiệp định sơ bộ, cuối cùng xúc động thốt: “Đồng bào hãy tin, Hồ Chí Minh không bao giờ là người bán nước”.
Đêm 19/12/1946 Đài Tiếng nói Việt Nam phát Mệnh lệnh khẩn cấp của Bộ Quốc phòng: “Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã bắt đầu!”. Qua sáng hôm sau, Đài phát tiếp Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Từ mạch suối nhỏ đến dòng sông lớn
Hiếm có cơ quan báo chí nào là điểm hội tụ trí tuệ, vun đắp nhân tài, tỏa sáng tài năng thuộc nhiều lĩnh vực và dày dặn như ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi tỉ mẩn lần dò danh sách những “ngôi sao” từng có thời gian ngắn hoặc dài làm việc tại đài phát thanh: Tính từ thời kỳ bắt đầu kháng chiến chống Pháp đến năm 2015, 138 vị là “cán bộ, nhân viên nhà Đài” được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, trong đó có 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 7 Huân chương Độc lập hạng nhất. 92 người đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nhà giáo ưu tú, trong đó 9 người là Nghệ sĩ nhân dân. 30 văn nghệ sĩ có tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, trong đó có 7 Giải thưởng Hồ Chí Minh. Riêng về báo chí, chỉ tính từ ngày bắt đầu trao Giải thưởng Báo chí toàn quốc lần đầu năm 1991 cho đến Giải thưởng Báo chí quốc gia vừa qua năm 2019, năm nào các tác phẩm phát thanh cũng giật được khá nhiều giải.
“Đài thực sự là một binh chủng hiệp đồng tác chiến, tiến công về chính trị, ngoại giao, binh vận, địch vận kịp thời, sôi nổi, đạt hiệu quả cao”, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. |
Các vị nhận những phần thưởng cao quý ấy, có những người tỏa sáng chủ yếu từ làn sóng phát thanh, có những người nổi tiếng thông qua các tác phẩm, công trình của họ thuộc các lĩnh vực khác, nhưng tất cả mọi người đều từng có thời gian làm việc ngắn hoặc suốt đời tại Đài.
Chẳng có cách nào qua một bài báo ngắn phác họa những thành tựu đa dạng của Đài Tiếng nói Việt Nam nay là một tổ hợp truyền thông đa phương tiện hàng đầu của đất nước trong suốt cuộc hành trình 75 năm qua. Cuốn “70 năm Đài Tiếng nói Việt Nam/1945-2015” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành 5 năm trước, dày gần 500 trang sách khổ lớn vẫn chưa thể nói trọn vẹn - có lẽ vì vậy mà Lãnh đạo Đài và những người làm công trình ấy đã không muốn đặt tên nó là Lịch sử Đài TNVN chăng.
Cho dù chưa có điều kiện điểm qua tất cả các trang sử của Đài Tiếng nói Việt Nam, chúng ta vẫn cùng nhau nhìn lại và đều cảm thấy tự hào với thời điểm vàng của ngành phát thanh quốc gia 75 năm trước, qua lời phi lộ mở đầu Chương trình phát sóng đầu tiên của Đài do phát thanh viên Nguyễn Văn Nhất xướng: “Bắt đầu từ hôm nay, ngày 7/9/1945, Tiếng nói Việt Nam ra mắt đồng bào trong cả nước và các bạn thính giả khắp năm châu”./.