Cách đây 75 năm, sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám, ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập trước toàn thể quốc dân, đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Trong bản Tuyên ngôn bất hủ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định quyền con người, quyền dân tộc độc lập mà còn chứa đựng những giá trị thời đại to lớn được coi là bản tuyên ngôn nhân quyền của các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới.
Căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội là nơi Bác Hồ viết Bản Tuyên Ngôn Độc lập vào ngày 28 tháng 8 năm 1945. Chỉ với 1 nghìn chữ, được sắp xếp trong 49 câu nhưng đây là một văn kiện lịch sử, văn bản pháp lý ngắn gọn, sắc bén, có cơ sở pháp lý vững chắc, không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia mà còn mở ra một thời kỳ mới của dân tộc.
Trong những dòng đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn lại các bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Pháp khẳng định: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào căn cứ đó, nhưng suy rộng ra quyền con người gắn chặt với quyền dân tộc, quyền tự quyết của dân tộc, quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Chính vì sự tác động biện chứng đó nên Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng căn cứ pháp lý về quyền con người thành một giá trị mang tính thời đại.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đình Phong, Giảng viên Cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp hai loại quyền rất cơ bản, đó là quyền độc lập của dân tộc và quyền tự do của con người để trở thành một quyền cơ bản của dân tộc. Nội dung, quyền cơ bản của dân tộc đó là độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Câu chuyện đó Bác nói từ năm 1945 nhưng đến 15 năm sau, tức là tháng 12 năm 1960 thì Liên Hợp Quốc mới đưa ra được một Nghị quyết về trao trả độc lập cho các dân tộc và một số năm sau đó nữa, đến tháng 12 năm 1970 thì Liên hiệp Quốc lại tiếp tục có một Nghị quyết để khẳng định là phải thực thi quyền đó”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền con người và quyền dân tộc có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Trong phần sau của bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng minh quyền dân tộc bình đẳng mà mỗi người dân Việt Nam có quyền được hưởng như một sự thật hiển nhiên.
Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Quyền được sống trong hòa bình đó là cố gắng nỗ lực đổi bằng xương máu, trí tuệ của lớp lớp thế hệ cha anh. Khi có độc lập tự do thì Bác Hồ nói: “Khi đất nước có độc lập tự do mà nhân dân không được hạnh phúc thì độc lập tự do ấy không để làm gì”. Để thực hiện điều Bác Hồ mong muốn, đó là cả quá trình xây dựng, cố gắng của chúng ta, quá trình học hỏi đi từ những bước này đến bước khác để cuối cùng mang lại cuộc sống tốt đẹp. Đó là quá trình phấn đấu không mệt mỏi, vĩ đại của Đảng, của dân tộc”.
Kết tinh của tinh thần, ý chí và khát vọng độc lập, tự do; kiên trì đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam, ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc.
75 năm sau ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có giá trị lý luận và thực tiễn, có sức sống mạnh mẽ trong thời đại ngày nay, nhất là vấn đề về quyền dân tộc và quyền con người.
Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hương, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng: "mỗi người dân đều có quyền sống, đều có quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc". Đó cũng là mục đích hướng tới của tất cả các nước trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Bên cạnh nhân quyền và để đạt được nhân quyền cho người dân thì Nhà nước, Chính phủ cũng phải có những động thái tương tự. Đó là việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đó cũng là quan điểm mà Nhà nước ta đang hướng tới”.
Giáo sư Shigo Shibata, một nhà sử học nổi tiếng của Nhật Bản đã từng đánh giá rằng “cống hiến nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc”. 75 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, đặc biệt là sau gần 35 năm đất nước đổi mới, mỗi người dân Việt Nam càng thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do; ý nghĩa lớn lao và sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và quyền của mỗi dân tộc. Đó cũng là mục tiêu, lý tưởng mà mọi dân tộc, quốc gia trên thế giới đều hướng đến./.
Lại Hoa/VOV.VN