Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của nhân dân ta trong thế kỷ 20. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào mùa thu năm 1945 đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản vận mệnh của đất nước và dân tộc ta.
Cách mạng Tháng Tám đã khẳng định vai trò quan trọng của Đảng trong việc đề ra đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn, tập hợp đoàn kết lực lượng của toàn dân tộc và phương pháp đấu tranh thích hợp tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng thời động viên nhân dân cả nước giành thắng lợi.
75 năm đã đi qua, giờ đây, mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng ký ức hào hùng của ngày cả dân tộc vùng lên khởi nghĩa ngày 19/8/1945 vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông.
Cuối tháng 7/1945, ông Vũ Oanh là Trưởng đoàn đại biểu cách mạng Hà Nội đi dự đại hội Quốc dân Tân Trào và báo cáo trước Đại hội về phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân Hà Nội. Tại đây, đoàn Hà Nội được Bác Hồ gặp gỡ, phân tích tình hình, tầm quan trọng của khởi nghĩa, nắm chính quyền ở Hà Nội, cuộc chạy đua với thời gian, với quân Tưởng vào tiếp quản Hà Nội.
“Chúng tôi dự Đại hội quốc dân Tân Trào với tâm trạng rất phấn khởi, vì mình hoạt động ở Hà Nội, trong vòng vây của địch. Lên căn cứ địa của Đảng, được gặp Bác Hồ, được Bác động viên. Thấy Hà Nội nằm trong vòng vây quân thù mà vẫn sống và hoạt động, các vị lãnh đạo mừng lắm”, ông Vũ Oanh nhớ lại.
Ngày 16/8/1945, Quốc dân Ðại hội ra Nghị quyết về giành chính quyền toàn quốc và thi hành mười chính sách lớn của Việt Minh, Ủy ban dân tộc giải phóng được thành lập gồm 15 ủy viên do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Nghị quyết của Quốc dân Ðại hội nhấn mạnh mục tiêu: "Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập".
Ông Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự khẳng định: “Trực tiếp dẫn đến Cách mạng tháng Tám là ở Tân Trào. Bởi đó là nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Thường vụ Trung ương đã quyết định và triệu tập Quốc dân Đại hội Tân trào. Chính Quốc dân Đại hội Tân Trào lúc đó, mặc dù chưa có điều kiện tập hợp hết tất cả các đại diện tầng lớp dân chúng, nhưng cơ bản đã đại diện cho nhân dân Việt Nam những người yêu nước cách mạng để quyết định vấn đề hệ trọng nhất đối với cả đất nước. Đó là phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là quyết định lịch sử”, ông Vũ Quang Đạo phân tích.
Chỉ 15 năm sau ngày thành lập Đảng, khi đó chỉ với 5.000 đảng viên, với 20 triệu dân, Đảng đã động viên nhân dân cả nước giành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám. Sự lãnh đạo kiên quyết, sáng suốt và kịp thời của Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa quyết định thắng lợi.
Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của nhân dân ta trong thế kỷ 20. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào mùa thu năm 1945 đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản vận mệnh của đất nước và dân tộc ta. Cách mạng Tháng Tám đã khẳng định vai trò quan trọng của Đảng trong việc đề ra đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn, tập hợp đoàn kết lực lượng của toàn dân tộc và phương pháp đấu tranh thích hợp tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng thời động viên nhân dân cả nước giành thắng lợi. |
Vai trò lãnh đạo của Ðảng còn được thấy rõ ở tinh thần trách nhiệm cao, sự năng động, chủ động, sáng tạo của các đảng bộ địa phương. Từ cuộc khởi nghĩa tiêu biểu ở Hà Nội ngày 19/8, Thừa Thiên Huế 23/8, Sài Gòn ngày 25/8 và cả những tỉnh xa xôi, điều kiện liên lạc khó khăn đã vùng lên giải phóng; vai trò của hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở, của các đảng viên kiên trung đã bảo đảm cho Ðảng sự lãnh đạo, điều hành tập trung, thống nhất ở giờ phút quyết định của lịch sử.
Ông Vũ Quang Vinh, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: “Nghệ thuật lãnh đạo, nắm bắt thời cơ của Đảng, có thể nói Đảng đã chủ động tạo ra thời cơ và nắm bắt thời cơ kịp thời, lãnh đạo toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa tháng Tám. Bài học rất quan trọng là phải theo dõi, quán triệt tình hình cũng như chủ trương của Đảng. Từ đó vận dụng vào trong điều kiện cụ thể, chủ động lãnh đạo nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng. Trong quá trình thực hiện cũng phải theo dõi quan sát tình hình chung trong nước và thế giới mới có thể giành thắng lợi. Còn nếu nổ ra trong điều kiện và thời cơ chưa đến thì cũng không thắng lợi được”.
Bài học về sự lãnh đạo của Ðảng trong Cách mạng Tháng Tám là đề ra đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn, đã tập hợp đoàn kết lực lượng của toàn dân tộc trong Mặt trận Việt Minh, đã lựa chọn và kết hợp đúng đắn các hình thức tuyên truyền, tổ chức và phương pháp đấu tranh thích hợp tạo nên sức mạnh tổng hợp; xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, thúc đẩy phong trào, đồng thời dự kiến và chớp đúng thời cơ hành động.
Theo Phó Giáo sư, tiến sỹ Ngô Đăng Tri, Khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong giai đoạn hiện nay, bài học về sự lãnh đạo của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám cần được phát huy.
“Thành lập Đảng, Cách mạng Tháng Tám, 2 cuộc kháng chiến và đặc biệt là công cuộc đổi mới, những thành quả đó chúng ta phải tự hào và phải luôn khẳng định những bước ngoặt sáng tạo đó không đơn giản, phải là kết quả của trí tuệ, tâm huyết của Đảng đối với nhân dân, đối với dân tộc. Do đó, không được chủ quan, tôi nghĩ Đảng phải tự mình nhìn thẳng vào sự thật để nghiêm túc đề phòng, không “ngủ trên chiến thắng” để có những biện pháp cách thức rèn luyện, chỉnh đốn Đảng một cách thiết thực hơn”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Đăng Tri nhấn mạnh.
Chính trong những ngày cả nước vùng đứng lên ấy đã nổi bật năng lực, nghệ thuật lãnh đạo, việc nắm bắt thời cơ của Đảng và sức chiến đấu của Ðảng. Ðó là bài học quý cho nhiệm vụ xây dựng Ðảng hiện nay và thực hiện vai trò lãnh đạo của Ðảng trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
Lại Hoa/VOV1