Bổ nhiệm sai cán bộ: Có hiện tượng tập thể cấp ủy bị vô hiệu hóa

Việc bổ nhiệm cán bộ phải thông qua tập thể cấp ủy nhưng thực chất tập thể đó đã bị vô hiệu hóa bởi các lợi ích cá nhân, dẫn đến việc bố trí sai cán bộ.

 

Tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng tháng 7 vừa qua, ông Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của Đảng về công tác cán bộ; tránh tình trạng "làm đúng quy trình, quy định nhưng không chọn đúng người, đúng việc".

Trên thực tế, công tác cán bộ đang nảy sinh nhiều vấn đề, nếu không khắc phục kịp thời sẽ để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của đất nước, đến niềm tin của nhân dân. Vậy cần làm gì để khắc phục tình trạng bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình, quy định nhưng không đúng người, đúng việc, để không còn tình trạng cán bộ “ngồi nhầm chỗ”? Về vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Văn Giang - giảng viên cao cấp - Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Tập thể bị vô hiệu hóa bởi các lợi ích cá nhân

PV: Thưa ông, bên cạnh những đổi mới, tiến bộ trong thời gian qua, công tác cán bộ vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, thậm chí tiêu cực, tham nhũng, trong đó có tình trạng cán bộ được bổ nhiệm đúng quy định, quy trình nhưng lại không đúng người, đúng việc. Từ những nghiên cứu của mình, ông có nhận định gì về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Văn Giang: Có thể khẳng định cán bộ và công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt. Song thực tế thời gian qua, tại một số địa phương vẫn để xảy ra hiện tượng trong công tác cán bộ về mặt hình thức đều đúng quy trình, nhưng kết quả lại chọn không đúng người, không đúng việc. Mới đây nhất là trường hợp ông Nguyễn Nhân Chinh - Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, nhưng chỉ sau 15 ngày, ông Chinh đã được điều động, bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh này. Điều đó cho thấy, mặc dù đúng quy trình, quy định nhưng lại chọn không đúng người.

Hay một trường hợp điển hình khác là ông Dương Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT Vinalines, mặc dù khi đó Vinalines đang bị thanh tra vì nhiều sai phạm nhưng ông Dũng vẫn được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam với đầy đủ quy trình. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau khi bổ nhiệm, Dương Chí Dũng đã bị khởi tố, bị truy nã và sau đó đã bị bắt. Điều đó cho thấy khâu đánh giá cán bộ không đúng, không xem xét một cách toàn diện, không xem xét kết quả công tác mà chỉ căn cứ vào báo cáo hình thức, dẫn đến đánh giá sai.

Vì sao lại có những hiện tượng như vậy? Do nhiều nguyên nhân, trong đó khâu đánh giá cán bộ không đúng. Phương pháp đánh giá cán bộ hiện nay cũng chưa lượng hóa được, đánh giá theo kiểu định tính nên dẫn đến chủ quan. Mặc dù hiện nay đã có Quy định 89, 214 của Trung ương về đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là đối với cán bộ khối chính quyền đánh giá được bằng các chỉ số phát triển kinh tế- xã hội, nhưng ở một số lĩnh vực khác thì chưa định lượng được như Tỉnh ủy viên, Ủy viên Trung ương... Dần dần từng bước một, chúng ta sẽ có những phương pháp đánh giá khoa học hơn, chính xác hơn, bớt được tính chủ quan.

Còn cái sai chủ yếu trong đánh giá cán bộ chủ yếu ở góc độ chủ quan. Một là người làm công tác cán bộ không có đủ năng lực để đánh giá, nhìn nhận con người. Thứ hai là mặc dù biết cán bộ không tốt, thậm chí có sai phạm nhưng người làm công tác đánh giá cán bộ lại nể nang, không dám nói. Có tâm lý “con anh, con tôi”, “việc của tôi rồi đến việc của anh”, “anh giúp tôi rồi mai tôi lại giúp anh”…, nên người ta không nói.

Một nguyên nhân chủ quan nữa là do lợi ích cá nhân của người tham gia vào công tác nhân sự, nhất là người đứng đầu. Ở góc độ người đứng đầu, vì lợi ích của mình, lợi ích của gia đình mình, dòng họ, anh em, bạn bè; do “mua quan, bán chức” dẫn đến việc bóp méo công tác đánh giá cán bộ, “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, họ sẵn sàng chà đạp lên mọi tiêu chuẩn, biến quy trình chỉ còn là hình thức.

Dù đúng quy trình nhưng một khi người đứng đầu không trong sáng thì người ta sẽ bóp méo quy trình đó. Theo nguyên tắc công tác Đảng, cấp ủy mới có quyền quyết định về công tác cán bộ, nhưng với vị trí của người đứng đầu, người chủ trì cấp ủy, Bí thư cấp ủy có thể tạo nên “quyền lực mềm” từ đó “lái” được các bước, các quyết định theo ý mình. Cuộc họp bàn về vấn đề nhân sự của Ban Thường vụ được triệu tập khi nào là do người đứng đầu, tức là Bí thư cấp ủy quyết định, vì vậy, khi nào người đứng đầu thấy chưa chuẩn bị an toàn cho hướng nhân sự của mình thì chưa triệu tập họp.

Bên cạnh đó, người đứng đầu còn có quyền đề xuất nhân sự. Mà đề xuất của đồng chí Bí thư thì bao giờ cũng có trọng lượng hơn, nên có hiện tượng các đồng chí trong Ban Thường vụ “hiểu ngầm” với nhau “suất” của Bí thư sẽ được ưu tiên số 1. Với cương vị của người đứng đầu, họ còn vận động, thuyết phục, gây sức ép để nhân sự của họ được bổ nhiệm, cất nhắc.

Phải thừa nhận rằng, đó là chỉ là hiện tượng tiêu cực đơn lẻ trong công tác nhân sự, còn đa số các ủy viên Ban Thường vụ ý thức rõ trách nhiệm của mình, rất khảng khái, có tinh thần đấu tranh trước những sai trái. Nhưng cũng có một bộ phận còn tâm lý phân chia lợi ích, “suất” này của Bí thư, “suất” kia của Phó Bí thư, của đồng chí thường vụ”.

Hiện nay, trong điều kiện đảng cầm quyền, phát triển kinh tế bằng cơ chế thị trường, đằng sau các chức vụ lãnh đạo, quản lý là quyền lực, là bổng lộc, bởi vậy, vấn đề bố trí nhân sự bị tác động rất phức tạp của các nhân tố tiêu cực của cơ chế thị trường dẫn đến bị bóp méo. Nhất là khi người đứng đầu không gương mẫu thì sẽ hỏng hết công tác cán bộ, các đồng chí bên dưới sẽ bố trí lợi ích của mình, làm sao để đưa được nhân sự của mình vào. Trong trường hợp này, tốt hay xấu không quan trọng, quan trọng là đặt nhân sự của mình vào “ghế”. Chưa nói đến hiện tượng bố trí cán bộ năng lực kém vào vị trí để dễ “sai bảo”.

Việc bổ nhiệm cán bộ phải thông qua tập thể cấp ủy nhưng không ít trường hợp, thực chất tập thể đó đã bị vô hiệu hóa bởi các lợi ích cá nhân, dẫn đến việc bố trí sai cán bộ.

PGS.TS Nguyễn Văn Giang - nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.Đề xuất tăng tính độc lập và quyền lực cho cơ quan kiểm tra

PV: Trong công tác cán bộ, không phải cứ sai là được rút kinh nghiệm, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Giang: Đúng như vậy. Công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng, cho nên không phải cứ sai là được rút kinh nghiệm, mà quan trọng nhất là phải kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, nếu anh bố trí sai thì sau này anh sẽ phải chịu trách nhiệm chứ không có chuyện “hạ cánh an toàn”. Ngoài ra, người giới thiệu nhân sự không tốt cũng phải chịu trách nhiệm.

Như ở Pháp, có tài liệu nghiên cứu cho biết, nếu người đứng đầu chọn được người kế nhiệm đúng thì ông ấy sẽ được thưởng, còn nếu chọn sai người thì ông ấy sẽ bị phạt tiền. Hay như Singapore, một phần tiền lương của công chức bị giữ lại, nếu có sai phạm như chọn sai người thì họ sẽ bị phạt vào số tiền đó, nếu chọn đúng người thì sẽ được trả lại số tiền khi nghỉ hưu.

Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã có quy định nếu giới thiệu sai nhân sự thì phải chịu trách nhiệm, còn trách nhiệm cụ thể như thế nào thì hiện chưa có chế tài cụ thể. Cho nên thời gian tới, chúng ta cần phải nỗ lực hơn, cụ thể hóa các chế tài xử phạt để có tác dụng răn đe, kiểm soát quyền lực mạnh hơn.

PV: Theo ông, để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực như trên, chúng ta cần có những giải pháp nào để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền?

PGS.TS Nguyễn Văn Giang: Đảng ta cũng đã nắm rõ những tiêu cực trong công tác cán bộ và nhiều năm nay cũng đang tìm mọi cách để ngăn chặn. Một trong những nỗ lực đó là vừa qua Đảng ta đã ban hành Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy trình 5 bước về luân chuyển cán bộ... Đây là một nỗ lực, tuy nhiên đó mới chỉ là kết quả bước đầu và thời gian tới chúng ta vẫn phải tiếp tục tìm mọi cách để quản lý chặt chẽ.

Bởi vì những tiêu cực trong công tác cán bộ gây nên hệ lụy rất lớn, nếu không chọn đúng cán bộ thì đội ngũ cán bộ của Đảng sẽ dần dần suy yếu đi. Đặc biệt, những tiêu cực đó sẽ làm hư hỏng cán bộ. Cán bộ từ cấp cơ sở đã lo “chạy” để lên chức, dần dà anh ta sẽ quen với việc hối lộ, “chạy” từ cấp bé đến cấp lớn hơn, dẫn đến việc cán bộ sẽ thoái hóa, hư hỏng, chưa nói đến việc sẽ làm mất niềm tin của toàn Đảng, toàn dân về đội ngũ cán bộ.

Muốn chống những tiêu cực đó thì trước hết người đứng đầu phải rất “sạch”, vì nếu anh không sạch thì sẽ không làm quyết liệt được. Để chọn nhân sự thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, hiện nay chúng ta đã có Quy định 214, nên phải dựa vào những tiêu chuẩn đã được cụ thể hóa để lựa chọn.

Bên cạnh đó, cấp ủy cấp trên phải có trách nhiệm trong vấn đề chuẩn bị nhân sự, Trung ương chuẩn bị nhân sự cho tỉnh, tỉnh chuẩn bị nhân sự cho xã, phải đánh giá, lựa chọn đúng người đứng đầu, kiên quyết không đưa những người có biểu hiện tham nhũng, tài sản bất minh vào bộ máy. Đi kèm với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, trường hợp nào không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì phải kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm.

Đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ theo hướng đa chiều. Kiểm soát bằng thể chế kết hợp với kiểm soát bằng đạo đức, trách nhiệm. Trong giới nghiên cứu cũng đã có những đề xuất để kiểm soát quyền lực mạnh mẽ hơn nữa, ví dụ đề xuất tăng cường tính độc lập và quyền lực cho Ủy ban Kiểm tra của Đảng. Vì hiện nay, Ủy ban Kiểm tra do cấp ủy bầu ra, nhân sự ủy viên Ủy ban do cấp ủy thông qua, rồi ủy ban kiểm tra lại kiểm tra lại cấp ủy thì tính khách quan sẽ như thế nào? Cho nên giới nghiên cứu đề xuất phải tách Ủy ban Kiểm tra để cơ quan này không phụ thuộc vào cấp ủy nữa.

Đây là đề xuất không mới bởi trước đây, khi đề xuất lập Ban Kiểm tra của Đảng, Lênin đã yêu cầu cơ quan này phải do đại hội bầu, song song với Ban Chấp hành và chỉ chịu trách nhiệm trước đại hội. Khi đó, cơ quan kiểm tra sẽ có đủ thẩm quyền, vị thế để kiểm tra, giám sát các cấp ủy viên./.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Kim Anh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận